Tôi có hơn một tháng mùa hè 10 năm trước lang thang khắp nẻo đường ở đất nước có diện tích lớn thứ hai châu Âu này trong vai trò một nhà báo, người lữ hành. Ấn tượng về nơi này và những ai tôi đã gặp trên đường đều rất khó quên.
Họ là bất cứ ai, ở bất cứ giai tầng xã hội nào, dù là thanh niên trẻ trung khao khát hướng đến một thế giới sung túc và thời thượng, những cụ già sống bằng lương hưu còm cõi, những người buôn bán nhỏ, những đứa trẻ có hội chứng Down, những người biểu tình trên quảng trường, những lái xe taxi cũ kỹ... tất cả đều dễ thương, gần gũi và đáng yêu.
Trong những nhân vật tôi đã gặp ngày ấy, có không ít người Việt Nam, đa phần là lao động nghèo. Một người Việt ở Kiev nói với tôi, rằng người Việt ở Ukraine không giàu như các nước Đông Âu khác, mặc dù phần lớn chọn tha hương đều vì ước vọng đổi đời. Những biến động chính trị liên miên khiến họ rất khó ổn định để làm ăn.
Họ làm đủ nghề để sống, từ buôn bán nhỏ trong những khu chợ ở Kiev, Odessa hay Donetsk cho đến những việc lặt vặt như sửa điện nước cho cộng đồng người Việt hoặc lái xe chở bất cứ ai có nhu cầu. Họ đến từ nhiều nơi trên đất nước mình. Giữa những sạp hàng quần bò áo phông hay hàng đồ ăn, tôi nghe giọng Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Hà Nội, Cao Bằng. Và nếu có dịp đến những nơi đông đồng bào mình làm ăn, như chợ Barabasova ở Kharkov, thành phố có nhiều người Việt sinh sống nhất (khoảng 5.000), bạn hẳn sẽ cảm thấy như đang ở nhà.
Tôi trọ trong căn hộ của anh Hòa, người đàn ông hiền hậu và có nụ cười khá buồn, học xong rồi ở lại lấy vợ Ukraine. Anh lái xe, hướng dẫn du lịch, cho thuê nhà, chạy giấy tờ cho kiều bào. Mấy năm trước anh đã mất, vì bệnh.
Tôi cũng nhớ cô giáo Yến ở trường tiểu học 251 của Kiev. Cô dạy tiếng Việt cho các học sinh là con em kiều bào mình. Bọn trẻ, khoảng 30 đứa, đều sinh ra ở Kiev. Tiếng Việt trở thành một trong những công cụ mà bố mẹ bọn trẻ muốn chúng biết để kết nối với quê hương, với nguồn cội. Nhưng dạy tiếng Việt chỉ là phụ, cô kiếm sống chủ yếu bằng sạp quần áo nhỏ ở một cái chợ nhỏ ngoại ô.
Tôi cũng có những ngày ở trong nhà của một gia đình người Việt khác tại Donetsk, miền Đông Ukraine, cách Kiev 800 km. Anh chị hiền hậu và rất quý người, ngày nào cũng hỏi "tối nay chú ăn gì?", "đêm qua ngủ ngon không?" và chăm sóc nhóm phóng viên chúng tôi như ruột thịt. Kể từ 2014, nơi ấy đã trở thành chiến trường. Khu chung cư ở ngoại ô Donetsk của hai vợ chồng nằm trong vùng giao tranh. Gia đình anh chuyển về Odessa sau đó. Tôi có gặp anh một lần ở Hà Nội.
Anh khỏe, gia đình anh cũng thế. Cô giáo Yến cũng đã trở về Hà Nội, giống như nhiều người khác, khi việc buôn bán trở nên khó khăn hơn nhiều. Tôi không biết cụ thể hơn về những người khác mình đã gặp. Nhưng với một cuộc sống vừa phải, họ chắc chắn đã phải vật lộn rất nhiều trong những biến động vừa qua ở Ukraine.
Chiến tranh đã bùng nổ từ tám năm nay ở miền Đông Ukraine, khiến hơn 14 nghìn người thiệt mạng và rất nhiều gia đình tứ tán chạy loạn. Không biết trong số ấy có bao nhiêu gia đình người Việt, và lúc này họ sống ra sao?
Bây giờ, cuộc chiến không chỉ ở miền Đông Ukraine, và không ai biết trước liệu nó còn lan rộng đến đâu, với những thiệt hại thế nào về người và của, ở một quốc gia từ nhiều năm đã kiệt quệ về kinh tế, với cái hố ngăn cách, người nghèo chiếm phần lớn và người giàu thiểu số, ngày càng tăng.
Tôi nhớ một đêm biểu diễn của ban nhạc ở Quảng trường Maidan, nơi hai năm sau đó xảy ra cái mà người ta gọi là Cuộc cách mạng Nhân phẩm. Hàng chục nghìn thanh niên Kiev đã đứng đó, trong đêm, nuốt từng lời ca của Elton John và Adam Lambert; hình ảnh khác với nhiều người Ukraine có tuổi mà tôi nói chuyện, lại thường hoài niệm về Liên Xô và những gì họ từng có trong quá khứ, nay không còn nữa.
Luôn có những mâu thuẫn, xung đột tư tưởng giữa các thế hệ, các lực lượng chính trị trên mảnh đất này, khiến cho Ukraine thân thiện luôn đối diện nguy cơ chìm trong bom đạn. Xung đột trong lòng đất nước nằm kẹp giữa Đông và Tây này có lẽ sẽ còn dai dẳng.
Như phần lớn người dân có lương tri trên thế giới, tôi giờ này chỉ biết cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine, cầu bình an cho thường dân hồn hậu, trong đó có cả những đồng bào Việt Nam mang theo hy vọng đổi đời khi sang Kiev, Donetsk.
Trương Anh Ngọc