Sau khi huấn luyện đội tuyển Anh, Man City và Roma, Sven-Goran Eriksson đến Trung Quốc năm 2013 để dẫn dắt CLB Quảng Châu R&F tại giải vô địch quốc gia nước này (CSL). Ông chuyển đến CLB Thượng Hải SIPG một năm sau đó.
Ngồi trong một khách sạn ở trung tâm Thượng Hải trước trận đối đầu đội bóng cũ, Eriksson kể lại những sự thay đổi triệt để của bóng đá tại Trung Quốc trong thời gian ông làm việc tại đây.
“Ba năm trước, mọi thứ không như thế này. Bóng đá chỉ ở mức ổn. Nhưng mùa giải này, mọi thứ trở nên điên khùng, hoàn toàn điên khùng. Một trong những lý do dẫn tới sự thay đổi đó là chính phủ. Chủ tịch của đất nước này đang đẩy mạnh bóng đá. Thế nên, tôi đoán ông ấy đang rất vui khi thấy giải đấu đang tốt dần lên, nhưng ông ấy muốn đội tuyển Trung Quốc trở nên lớn mạnh”.
Eriksson đang tận hưởng công việc và cuộc sống ở đất nước mới. Ông cũng hào hứng khi chứng kiến làn sóng các cầu thủ danh tiếng liên tục đổ bộ về Trung Quốc. Năm trong sáu thương vụ đình đám nhất từ đầu năm 2016 có liên quan đến các đội Trung Quốc, và HLV người Thụy Điển tin rằng nhiều tên tuổi lớn khác sẽ theo chân đến đây trong vài tháng tới.
“Những cái tên thậm chí lớn hơn sẽ đến đây. Tôi nghĩ thế và những tin đồn gần đây cũng cho thấy điều đó”, ông dự báo.
Nhưng liệu các ngôi sao, đang quen với việc sống ở châu Âu, cảm thấy hấp dẫn bởi Trung Quốc chỉ đơn giản bởi những khoản tiền kếch sù được đưa ra trong hợp đồng? Eriksson tin rằng chất lượng của bóng đá Trung Quốc đang đi lên và việc các cầu thủ lớn chọn chơi bóng tại đây một phần vì lý do chuyên môn.
“Đây chắc chắn là thời điểm thích hợp để Trung Quốc đưa bóng đá đi lên. Tôi nghĩ, giờ đây, mọi người đều vui khi được làm việc trong nền bóng đá Trung Quốc. Ba, bốn hay năm năm trước, những cái tên lớn từ bên ngoài không thực sự quan tâm đến Trung Quốc. Họ chỉ đến đây khi đã già hoặc phong độ đi xuống. Nhưng bây giờ, cả những cầu thủ đang ở thời điểm đỉnh cao cũng quan tâm đến Trung Quốc. Đây là một nơi đáng sống và bóng đá đang lớn mạnh mỗi ngày”.
Sự bùng nổ của bóng đá Trung Quốc là một phần của mục tiêu lớn, phát triển một nền thể thao thịnh vượng. Ở trung tâm Thượng Hải, những cư dân ở đây đa phần bận rộn trên những khu mua sắm, gặp gỡ bạn bè ở những quán cà phê. Ẩn mình trong một văn phòng tại khu dân cư đông đúc đó là Romain Woo, người đại diện hàng đầu của bóng đá Trung Quốc.
Mặc bộ complet được thiết kế riêng, tóc vuốt keo láng bóng, ngồi trong một văn phòng được thiết kế nhỏ gọn, Woo đại diện, trên nhiều khía cạnh, cho một Trung Quốc hiện đại: tự tin, hướng ngoại và tham vọng.
Sau một thời gian làm việc ở châu Âu với đội bóng Hà Lan PSV Eindhoven, Woo giờ đại diện cho 50 cầu thủ, HLV hàng đầu Trung Quốc thông qua công ty riêng có tên Van Hao Sports. Và ông tin rằng các CLB Trung Quốc mới chỉ bắt đầu giật bom tấn trên thị trường chuyển nhượng.
“Mọi thứ bây giờ đang phát điên lên và sẽ còn trở nên điên khùng hơn nữa. Chúng tôi đang nói với nhau là chỉ có hai cầu thủ trên thế giới sẽ không đến Trung Quốc lúc này là Cristiano Ronaldo và Lionel Messi. Những cái tên khác? Họ đều có khả năng cao sẽ đến đây. Tôi biết hầu hết những người đại diện ở châu Âu và họ đều cố gắng hướng thân chủ của mình đến Trung Quốc ở thời điểm này, nếu các cầu thủ không có thời gian tốt đẹp ở châu Âu”.
Trong tháng 1/2016, kỷ lục chuyển nhượng của Trung Quốc có đến ba lần bị phá chỉ trong 10 ngày. Đỉnh điểm là khi đội bóng Giang Tô Suning vượt qua Liverpool, chiêu mộ thành công Alex Teixeira từ Shakhtar Dontesk với giá 55,42 triệu đôla.
Đây không phải là tiến trình một chiều vì các cầu thủ Trung Quốc cũng đang được các đội bóng châu Âu liên hệ. Nhưng khi mà đất nước này đang cố gắng lên đỉnh thế giới và nhiều đội bóng được hậu thuẫn bởi các tập đoàn cố gắng giúp chính phủ đạt mục đích, cơ hội để các cầu thủ bản địa ra nước ngoài chơi bóng bị đóng sập lại.
“Ba cầu thủ do tôi làm đại diện có cơ hội đến chơi cho FC Copenhagen, Real Madrid và Chelsea trong ba kỳ chuyển nhượng gần nhất. Vấn đề là họ quá quan trọng với đội bóng ở đây và họ không quan tâm đến giá chuyển nhượng là bao nhiêu. Có thể khi hết hạn hợp đồng hoặc ở một thời điểm khác, họ có thể đi. Nhưng bây giờ là một giai đoạn khác của bóng đá Trung Quốc, và chúng tôi muốn giữ tất cả các cầu thủ giỏi ở lại, bên cạnh các ngôi sao nước ngoài”.
Mối quan tâm cho bóng đá đươc nâng lên bởi sự xuất hiện của các cầu thủ nước ngoài và trên khắp Trung Quốc, môn thể thao này giờ là niềm say mê mới.
Ở Nam Kinh, cách Thượng Hải hai tiếng đi tàu siêu tốc là trụ sở của Giang Tô Suning. Họ là CLB chi đậm nhất Trung Quốc năm nay và CĐV của họ mong chờ một tương lai đầy thành công. Không khí trên sân nhà của họ, trong trận tiếp đón kình địch Thân Hoa Thượng Hải, rất mãnh liệt. Hơn 50.000 CĐV hò hét điên cuồng, nhiều người vẫy những lá cờ lớn và hô vào loa phóng thanh. Cùng nhau, họ tạo thành chiếc kính vạn hoa với hai màu xanh và trắng đặc trưng của Giang Tô và tiếng ồn không dứt trong 90 phút trận đấu diễn ra.
Cũng theo dõi trận đấu này là Cameron Wilson, một người gốc Dunfermline, Scotland. Ông chuyển đến Trung Quốc hơn một thập kỷ trước và sống ở Thượng Hải cùng gia đình. Là người lập ra trang web Wild East Football, xếp hạng những giải đấu của Trung Quốc, ông tin rằng bóng đá cung cấp một cái nhìn bên trong về sự thay đổi bản chất của xã hội ở quốc gia này.
“Thứ tốt nhất khi nói về bóng đá Trung Quốc là văn hóa hâm mộ, một điều thần kỳ. Trong quá khứ, bóng đá Trung Quốc bị làm hỏng và các sân vận động trống vắng. Những trận đấu vẫn diễn ra song song cùng các vấn đề đó, nhưng vẫn có những người hâm mộ dành tình yêu cho bóng đá, họ vẫn muốn đến sân. Đó là những người không quan tâm đến thời cuộc. Họ không ngại làm khác phần còn lại. Với một sự tôn trọng, bạn có thể nhìn vào tương lai của Trung Quốc, nhìn vào kiểu cách của một đất nước mà họ muốn trở thành. Bạn phải gặp những người dám làm khác, họ là một phần của nét đẹp văn hóa. Với tôi, đó là một đặc ân khi được thấy và là một phần trong đó”.
Việc các CĐV ngày càng đến sân nhiều hơn là tin vui với ông Mã Thành Toàn, Trưởng ban tổ chức CSL. Chính phủ Trung Quốc muốn tạo ra một ngành công nghiệp thể thao có giá trị 793 tỉ đôla nhằm đa dạng hóa nền kinh tế. Bóng đá là tiêu điểm của nỗ lực đó.
Mã Thành Toàn khuyến khích các CLB chi tiền đầu tư cơ sở hạ tầng để có những sân đấu tốt hơn và cải thiện phương tiện truyền thông của họ, nhưng trong đầu ông còn nhiều vấn đề khác. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn đội tuyển cải thiện vị trí thứ 81 trên bảng xếp hạng FIFA và giấc mơ World Cup của họ phụ thuộc nhiều vào CSL. Mã Thành Toàn hiếm khi trả lời báo chí, ngồi trong trụ sở ban điều hành CSL ở Bắc Kinh, ông nói về chuyến thăm gần đây đến Anh.
“Tôi đến London năm ngoái để thăm giải Ngoại hạng Anh, Giám đốc điều hành Richard Scudamore nói với tôi Trung Quốc và Anh có nhiều điểm chung. Chúng tôi đều có một giải đấu lớn, những đội bóng lớn. Nhưng đội tuyển quốc gia của chúng tôi không thể hiện xứng tầm với quy mô của đất nước. Một điểm khác biệt giữa Anh và Trung Quốc, là quyết tâm chung của các ông chủ CSL. Đây giống như là sự đoàn kết vì mục đích chung của cả nước”.
Vượt qua vòng loại World Cup là mục tiêu đầu tiên. Tổ chức giải đấu này, vào năm 2030, cũng được đặt trong tầm ngắm. Và vô địch ngày hội bóng đá số một hành tinh là tham vọng dài hạn. Để làm được điều này, Trung Quốc phải xây dựng văn hóa bóng đá. Một điều được ông Mã tán dương là Trung Quốc không chỉ biết mua ngôi sao từ nước ngoài, họ nhấn mạnh vào việc đào tạo những tài năng bản địa.
“Năm năm trước, tôi không thể tưởng tượng ra điều diễn ra bây giờ, nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ thấy những bước tiến lớn của CSL vì chúng tôi có sự quan tâm đặc biệt từ chính phủ, các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đào tạo bóng đá và giáo dục là điểm mấu chốt. Chúng tôi cũng có sự ủng hộ từ nhân dân, và điều đó sẽ giúp tạo ra một nên tảng vững chắc cho tương lai của bóng đá Trung Quốc”.
Ở thị trấn nhỏ Pinggu, một vùng nông thôn cách Bắc Kinh hai tiếng đi xe về phía đông, dưới bóng của Vạn Lý Trường Thành là trường tiểu học Jinhai Hu. Ở đây, học sinh đều là các tình nguyện viên. Lũ trẻ tham dự vào một trong những trường học bóng đá đầu tiên được thiết kế ở Trung Quốc, một bước đi đầu tiên trong tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình về tương lai bóng đá. Một trong những người đang làm việc ở đây là giáo viên người Mỹ Tom Byer.
Đạt thành quả về giáo dục, góp phần phát triển bóng đá ở Nhật Bản, ông được chào đón bởi các quốc gia lân cận để tìm kiếm kết quả tương tự. Byer đang làm việc với Bộ Giáo dục Trung Quốc. Ông sẽ sớm đến thăm 64 thành phố để quảng bá hàng loạt những video huấn luyện bóng đá, thứ sẽ được chiếu hàng ngày trong mỗi lớp học ở Trung Quốc.
“Công việc này thừa hưởng từ thành công hồi tôi còn làm truyền hình ở Nhật Bản. Mục đích là để trẻ em tự tập luyện những kỹ năng có ý nghĩa nhất và những kỹ thuật cơ bản như dừng bóng, bắt đầu di chuyển và đổi hướng”.
Ngoài ra, một cuốn sách có tên “Làm quen với bóng đá tại nhà”, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của cha mẹ trong việc khuyến khích con cái phát triển kỹ năng bóng đá từ khi còn nhỏ, cũng được sử dụng.
“Một trong những điều lớn nhất tôi đề xuất là tập trung vào những đứa trẻ còn rất nhỏ, dưới sáu tuổi. FIFA có 209 thành viên nhưng chỉ tám trong số đó từng vô địch World Cup. Tại sao chỉ có một số ít các quốc gia thống trị bóng đá thế giới? Nếu bạn nghiên cứu bóng đá và hiểu cách nó phát triển, bạn sẽ thấy việc huấn luyện sẽ không tác động nhiều vì nó liên quan tới văn hóa. Thế nên, chúng tôi phải tốn công sức hơn để phổ cập giáo dục cho mỗi gia đình và trẻ em. Làm thế nào để giúp những đứa trẻ làm quen với bóng đá từ khi còn rất nhỏ và chơi bóng theo cách nào mới là đúng”.
Byer hiểu tiến trình này mất thời gian và cần sự kiên nhẫn.
“Một trong những chỉ tiêu lớn không phải là việc Trung Quốc vượt qua vòng loại World Cup, mà là họ đã thường xuyên vượt qua vòng loại U17 thế giới hay vòng loại U16 khu vực hay chưa? Chúng tôi phải thiết lập một nền văn hóa bóng đá, nó sẽ có lợi cho sự phát triển của môn thể thao này, nó cũng giáo dục các gia đình rằng trẻ em cần phải tham gia các hoạt động thể chất để học tập tốt hơn”.
“Bạn luôn có thể thuê rồi sa thải một HLV, nhưng bạn không thể thuê hay sa thải cha mẹ. Bạn luôn ở với họ. Thế nên, nếu bạn hiểu tầm quan trọng của họ, thì bạn sẽ hướng sự tập trung đến họ. Chẳng có lối đi tắt nào để trở thành một cường quốc bóng đá. Tất cả đều phải bắt đầu từ bọn trẻ. Nếu không đi đúng hướng ngay từ đầu thì sẽ là một con đường rất dài với Trung Quốc. Nhưng hãy nghĩ về điều này. Có 100 triệu đứa trẻ dưới sáu tuổi trên đất nước này. Dù vậy, ngay cả khi đi đúng hướng, chẳng có gì đảm bảo rằng sẽ có những cầu thủ đẳng cấp thế giới trưởng thành từ số 100 triệu đứa trẻ đó”.
Cuối cùng, tham vọng của bóng đá Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc vào quyết tâm của từng cá nhân các cầu thủ.
Ở ngoại ô Thượng Hải, có một khu tổ hợp thể thao chất lượng cao, nơi có những tài năng trẻ giỏi nhất của Trung Quốc trong những môn bơi lội, đua thuyền hay cầu lông. Đó cũng là nơi tập luyện của CLB Thượng Hải SIPG.
Trên sân lúc này là trận đấu tập giữa các thành viên thuộc đội trẻ Thượng Hải SIGP dưới sự quan sát của HLV người Đan Mạch Mads Davidsen. Ông đến Trung Quốc năm năm trước, làm việc dưới quyền HLV trưởng Sven-Goran Eriksson. Các cầu thủ trẻ phải tập trung và thi đấu với cường độ cao, điều mà Davidsen tin rằng đó là một phần của xã hội họ đang lớn lên trong đó.
“Ở Đan Mạch, chúng tôi có một xã hội tốt đẹp. Nếu bạn không thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, bạn có thể vào đại học. Ở Đan Mạch, chúng tôi thường kháo nhau làm cách nào để tạo ra nạn đói ở thiên đường. Nhưng với các cầu thủ Trung Quốc thì ngược lại. Chẳng có thiên đường nào. Đây là cơ hội để họ đổi đời. Tôi có một nhóm các cầu thủ lúc nào cũng sốt sắng với việc tập luyện, họ muốn tập luyện, làm việc chăm chỉ”.
“Họ ở đây với nhiệm vụ trên vai. Họ muốn xây dựng sự nghiệp, không chỉ cho bản thân. Trong văn hóa Trung Quốc, khi bạn lớn lên, bạn phải chăm sóc cha mẹ. Đó là một trách nhiệm lớn. Nó đặt lên vai bạn. Bạn là con, bạn phải chăm sóc cha mẹ”.
Davidsen không nghĩ thời gian ông ở Trung Quốc là bàn đạp để tìm kiếm việc làm khác ở châu Âu. Ông nghĩ bản thân đang ở đúng chỗ để giúp quốc gia này chớp lấy thời cơ, ông tin rằng sự quan tâm với bóng đá sẽ không bao giờ phai nhạt.
"Miễn là chính phủ còn giữ nguyện vọng của họ, 100% tôi sẽ ở lại. Thứ duy nhất thay đổi điều đó, theo tôi nghĩ, là khi chính sách thay đổi. Nếu họ đột nhiên thay Chủ tịch nước hoặc thay đổi đường lối, dĩ nhiên là bạn chẳng để biết điều gì sẽ xảy đến. Nhưng miễn là Tập Cận Bình còn gắn tên ông ta với bóng đá, quá trình này sẽ tiếp diễn", Davidsen nhấn mạnh.
Vĩnh San