Jefferson Saunders, 73 tuổi, chuyển từ Mỹ đến Việt Nam sinh sống từ năm 2016 sau khi kết hôn với người vợ gốc Việt. Ông hài lòng với cuộc sống ở TP HCM, nơi ông cảm thấy nhiều nét tương đồng với thành thị Mỹ trong những thập niên trước, với sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại. Chi phí sinh hoạt ở Việt Nam cũng hợp lý hơn nhiều so với Mỹ, giúp ông cảm thấy nhịp sống dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng yên ả và sóng gió đến với ông từ chính một số người sống trong xóm nhỏ ở quận Bình Thạnh. Saunders vô cùng khó chịu và bức xúc khi chứng kiến những người thẳng tay xả rác ra đường, tè bậy vào tường nhà khác, hay các cuộc nhậu nhẹt đến khuya đi kèm loa kéo hát hò ầm ĩ.
"Tôi biết rằng đó là những người mà cả xóm chẳng ai ưa. Họ không tôn trọng người khác và cũng không tôn trọng chính gia đình mình. Thế nhưng có vẻ mọi người trong xóm đều làm ngơ không nói. Người Việt Nam dường như không thích đụng chạm", ông kể lại với VnExpress.
Là người thẳng tính, Saunders đã góp ý trực tiếp với họ về nếp sống mà ông cho rằng không lành mạnh và thiếu tôn trọng cộng đồng, nhưng không phải ai cũng có thái độ cầu thị. Vài hàng xóm đã trả đũa bằng cách ném rác vào vườn nhà ông, hay thậm chí là leo lên tường nhà để phóng uế. Ông đã phải lắp thêm camera xung quanh nhà để ngăn những hành vi xấu xí.
Saunders cho biết một hàng xóm khi bị nhắc nhở đã nổi khùng lên với ông và không thèm nói chuyện với ông suốt 6 năm qua. "Nhưng tôi không quan tâm. Cuộc sống sẽ có những người không thích bạn dù cho bạn không làm gì sai, và bạn phải chấp nhận điều đó", ông nói.
Alexander, quốc tịch Canada, cũng gặp nhiều xích mích, va chạm với hàng xóm khi mới chuyển đến TP HCM sinh sống hơn 4 năm trước, đặc biệt là về nề nếp sinh hoạt khác biệt.
Thầy giáo tiếng Anh này từng rất khó xử khi hàng xóm yêu cầu công an khu vực đến làm việc với chủ chỗ trọ vì anh làm rơi tàn thuốc lá sang nhà họ. Một lần khác, anh bất ngờ khi hàng xóm mang gà sống về nhốt trong lồng ngoài ban công, gây ra mùi hôi khó chịu vì chất thải.
Nhưng không giống như Saunders, rút kinh nghiệm từ 5 năm sống và làm việc tại Trung Quốc, anh chọn "dĩ hòa vi quý", tránh cuộc sống lâu dài của mình bị ảnh hưởng bởi những xích mích không đáng có.
"Dù rất khó chịu trong các tình huống này, tôi luôn chọn tránh va chạm tối đa với hàng xóm, giải quyết vấn đề theo hướng ôn hòa nhất trong khả năng. Một phần nhờ cách xử lý như vậy mà tôi đã không phải chuyển chỗ ở suốt 4 năm qua", anh chia sẻ.
Khảo sát do Tập đoàn nhân sự Navigos công bố năm 2019 ghi nhận Việt Nam là nơi có nhiều ứng viên quốc tế mong muốn đến làm việc nhất Đông Nam Á với tỷ lệ 30%, xếp sau là Singapore với 24% và Thái Lan với 17%. Trong số này, khoảng 50% ứng viên muốn đến Việt Nam vì hứng thú với văn hóa lẫn môi trường làm việc tại đây.
Dù vậy, khoảng 60% trong số ứng viên nước ngoài chọn đến Việt Nam cho hay họ bị "sốc văn hóa" do thiếu sự chuẩn bị về tâm lý lẫn kỹ năng ứng xử. Các yếu tố chủ yếu dẫn đến sốc văn hóa là rào cản ngôn ngữ, khác biệt giữa thực tế với kỳ vọng và thiếu thấu hiểu cộng đồng.
Nghiên cứu về sốc văn hóa của người nước ngoài tại Việt Nam, được xuất bản ngày 23/4 trong tập san hội thảo quốc tế lần thứ 19 của Hiệp hội Học Ngôn ngữ bằng Máy tính châu Á (AsiaCALL), cho thấy sự chào đón và hỗ trợ từ cộng đồng mang tính quyết định đến quá trình thích nghi môi trường sống mới.
Nghiên cứu cho biết bạn bè là người địa phương hoặc hàng xóm có xu hướng thấu hiểu, cảm thông nhiều hơn người lạ, giúp người nước ngoài mới đến Việt Nam vượt qua sốc văn hóa, giảm căng thẳng tâm lý và hiểu được văn hóa, con người bản địa. Các tác giả còn đề cập trường hợp người nước ngoài tham gia phỏng vấn cho hay cách làm quen hiệu quả nhất với cộng đồng là "đi nhậu".
"Người trả lời phỏng vấn thừa nhận nhờ nhậu với hàng xóm ở TP HCM mà anh ấy hiểu hơn về địa phương, dù phải chấp nhận hy sinh một chút sức khỏe và kỷ luật bản thân", hai tác giả viết trong nghiên cứu.
Bora Hyung, 40 tuổi, cựu quản lý truyền thông cho một khách sạn 5 sao ở quận 1, TP HCM, cho biết trong 5 năm sống ở Việt Nam, cô nhận thấy nhiều nếp sinh hoạt của những người xung quanh rất khác so với ở quê nhà Hàn Quốc.
Một số hàng xóm thả chó chạy rông ngoài đường khiến cô nhiều phen hoảng sợ, hay những người đàn ông cởi trần làm việc, đi lại thản nhiên ngoài phố làm cô thẹn đỏ mặt. Tuy nhiên, Bora cho hay cô cảm thấy may mắn vì chưa từng rơi vào những xung đột đáng tiếc với hàng xóm.
Cô luôn cảm thấy sự chào đón và thân thiện của xóm giềng, đồng nghiệp người Việt. Nhiều người sẵn sàng dành thời gian cá nhân để chỉ cho cô quán ăn, dắt cô đi chợ và giới thiệu thêm về thành phố. Sự thân thiện này là điểm khác biệt rất lớn so với những năm cô làm việc tại Dubai, thuộc Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
"Ở Trung Đông, tôi hầu như không quen ai ngoài đồng nghiệp. Phần lớn cư dân xung quanh là người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới, nên những nếp văn hóa khác biệt đan xen dày đặc. Chuyện làm quen với hàng xóm càng thêm phức tạp", Bora kể lại, cho hay những khác biệt văn hóa tại Việt Nam vẫn dễ thích nghi hơn.
Jefferson Saunders nói sau nhiều năm sống ở Việt Nam, ông cũng không còn quá bận tâm với vài trường hợp xích mích cá biệt, mà thay vào đó trân trọng những điều tích cực trong cuộc sống và tìm cách làm thân với hàng xóm, láng giềng. Ông thường mang bầu, mướp hay chuối thu hoạch từ mảnh vườn rộng khoảng 100 m2 trước nhà tặng cho láng giềng.
Cũng nhờ kết thân cùng hàng xóm, Arturas Balynas, giáo viên tiếng Anh gốc Litva đang sống tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đã hiểu được nhiều hơn những đặc trưng văn hóa ở Việt Nam. Anh kể rằng từ khi đến Việt Nam hơn 4 năm trước, anh chưa từng chọn khu vực tập trung nhiều người nước ngoài để thuê trọ.
Arturas nói bản thân anh thích trải nghiệm những điều mới mẻ và mục đích từ đầu khi đến Việt Nam là đi tìm một khởi đầu hoàn toàn mới, khác với nhịp sống hối hả ở London, nơi anh đến làm việc và sinh sống từ năm 19 tuổi. Người đàn ông 39 tuổi gốc Litva do đó cũng không ngại với khác biệt văn hóa ở miền đất mới.
Sau 4 lần đổi chỗ trọ để thuận tiện hơn cho công việc, Arturas nhận thấy hàng xóm của mình hầu hết đều thân thiện và hòa đồng. Nhiều người mời anh vào nhà uống trà buổi sáng, dù hai bên phải dùng Google Dịch để hiểu được nhau.
"Có lần ngồi uống trà với một người cùng xóm, khi biết tôi đang có ý định chuyển chỗ trọ có giá thấp hơn, ông ấy đã gọi điện cho chủ nhà và thay mặt tôi trả giá, giảm được gần một triệu đồng mỗi tháng, dù tôi không có ý nhờ vả. Sự thân thiện của hàng xóm Việt Nam khiến tôi vô cùng bất ngờ", Arturas kể lại.
Thanh Danh - Minh Tâm