Trung Quốc đang đối mặt với mùa mưa lũ tồi tệ nhất trong hơn 20 năm qua. Từ đầu tháng 6, mưa lũ tấn công các tỉnh từ phía tây nam đến vùng duyên hải phía đông đất nước, khiến 3,7 triệu người phải sơ tán hoặc di dời vì lụt lội. Zeng Hailin, sống tại một ngôi làng ở tỉnh An Huy, là một trong số đó.
Mất việc trong một xưởng may đồng phục ở tỉnh Chiết Giang vì Covid-19, Zeng trở về quê, cách nơi làm việc khoảng vài giờ đi xe. Nhưng khó khăn của Zeng không dừng lại ở đó. Vào tháng 7, sau nhiều tuần mưa xối xả, nước từ con sông nhỏ gần nhà dâng cao, khiến Zeng bật tỉnh lúc nửa đêm vì hoảng sợ.
"Nước bất ngờ dâng lên đến ngực tôi", Zeng nhớ lại. "Tôi không thể bế nổi mẹ khỏi giường. Tôi không đi được vì mặt đất trơn tuột đầy bùn".
Zeng cuối cùng đặt người mẹ 81 tuổi nằm liệt giường vào một cái chậu nhựa lớn, đẩy bà tới xuồng cứu hộ và đưa bà tới ở tạm nhà người thân, còn anh đang trú tại một trường công lập địa phương, trong khi chờ nhà mới.
Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc ước tính gần 55 triệu người ở 27 địa phương bị ảnh hưởng trong các đợt lũ lụt năm nay. Hơn 40.000 nhà sập, ít nhất 158 người chết hoặc mất tích.
Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết vào thời điểm lũ lụt tồi tệ nhất giữa tháng 7, mực nước 433 con sông dâng vượt mức báo động. Một số con sông bị vỡ đập hoặc nước tràn bờ, gây ngập lụt khắp các thôn xóm, như những gì đã xảy ra ở làng Hà Khẩu, ngoại ô thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy.
"Con đường phía trước nhà tôi biến thành sông. Chúng tôi mắc kẹt trong nhà nhiều ngày, sống nhờ ít bánh mì, nước và mì ăn liền", Tang Anfeng, một người dân làng Hà Khẩu, nói.
Giống hầu hết những người trong làng, nhà của Tang giờ nằm giữa những cánh đồng lầy lội, ruộng rau ngập trong nước lũ. Đám rêu sẫm màu trên tường lan đến gần trần nhà là lời nhắc về mực nước dâng lên trong nhà Tang tới ba lần trong tháng 7.
Tang, một phụ nữ ngoài 60 tuổi, cho biết vùng này thường gặp mưa lũ hàng năm, nhưng những năm trước, nước cùng lắm chỉ dâng đến mắt cá chân.
"Khi nào trời mưa lớn là họ lại xả nước khỏi đập. Nước đó tràn vào làng và chúng tôi là người gánh chịu", bà nói.
Năm 1958, chính quyền bắt đầu xây dựng con đập đầu tiên trong số 9 đập và kênh dẫn gần Hà Khẩu nhằm điều tiết lũ theo mùa bằng cách cho nước chảy vào hồ chứa. Bây giờ, các con đập còn cung cấp điện và nước sinh hoạt cho những thành phố lân cận, nhưng mỗi khi mưa lớn, nhà chức trách buộc phải xả lũ.
Cũng giống như những quốc gia có nhiều con sông lớn, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt lớn hơn và các kỹ sư thủy lợi sẽ phải tính toán kỹ càng hơn về nơi xả lũ để tránh nguy cơ vỡ đập.
"Dự đoán về biến đổi khí hậu cho thấy những năm tới, mưa bão sẽ ngày càng dữ dội hơn", Brian Eyler, người nghiên cứu về quản lý sông ngòi Trung Quốc ở Trung tâm Stimson, tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, Mỹ, nói. "Chúng ta đang sống ở những nơi mà sông ngòi được kiểm soát để cho phép chúng ta sống ở đó. Nhưng các biện pháp kiểm soát không thể ứng phó được với tự nhiên, bởi tự nhiên luôn chiến thắng chúng ta".
Mưa theo mùa nghiêm trọng hơn cũng đang khiến những thành phố nhiều sông ngòi của Trung Quốc phải tính toán lại về chính sách quản lý nước. Những chuyên gia như Yu Kongjian, kiến trúc sư nổi tiếng về cảnh quan kiêm giáo sư đại học Bắc Kinh, cho rằng việc quá ỷ lại vào "cơ sở hạ tầng xám", sử dụng các vật liệu không hấp thụ nước như bê tông và hệ thống nhân tạo như cống, để đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa sẽ không thể bền vững khi đối mặt với lũ lụt.
Năm 2014, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn đã ban hành hướng dẫn tối đa hóa hệ thống thoát nước tự nhiên trong đô thị, bao gồm xây vườn trên sân thượng, sử dụng vật liệu xây dựng dễ thấm, trong dự án có tên "thành phố bọt biển". Trung Quốc muốn đưa 20% diện tích đất ở 658 thành phố đạt tiêu chuẩn thoát nước của "thành phố bọt biển" vào cuối năm nay, với chi phí ước tính mỗi năm 57,5 tỷ USD.
"Ý tưởng về 'thành phố bọt biển' là giữ nước, làm sạch nước, làm đầy lại các tầng giữ nước ngầm. Đó là việc sử dụng thiên nhiên để điều tiết nước và xử lý nước mưa như nguồn tài nguyên thay vì đổ ra đại dương", Yu nói. "Đó không chỉ là cách ứng phó lũ lụt mà còn là ý tưởng về cách tạo ra một cơ sở hạ tầng sinh thái mà nước là yếu tố chính".
Sáng kiến vẫn đang ở giai đoạn đầu. 19 trong số 30 thành phố bọt biển thí điểm vẫn báo cáo hệ thống cống và kênh rạch bị ngập năm 2017.
"Những người không làm việc trong lĩnh vực quy hoạch đô thị hoặc thủy lợi có thể nhận thức sai về dự án thành phố bọt biển. Họ có thể tưởng rằng thành phố bọt biển là chìa khóa giải quyết được mọi vấn đề", Faith Chan, một chuyên gia về quy hoạch đô thị, nói.
Tuy nhiên, Yu vẫn lạc quan về dự án này.
"Nó sẽ mất thời gian, nhưng 'thành phố bọt biển' là giải pháp mà bất kỳ cấp chính quyền thành phố nào ở Trung Quốc cũng nên thử để thay thế cơ sở hạ tầng xám", Yu nói.
Lượng mưa nhiều hơn đồng nghĩa với việc 450 triệu người dân Trung Quốc sinh sống dọc sông Trường Giang và các nhánh của nó luôn đối mặt với tình thế bấp bênh. Những người sống ở vùng hạ lưu thuộc tỉnh An Huy, nơi đa số là cộng đồng nông thôn thưa thớt, hiểu rõ sự thật khó khăn này.
"Nếu đập không xả lũ xuống nơi chúng tôi ở, sẽ có nhiều người chết hơn", Li Hanian, một người dân làng Hà Khẩu, nói.
"Chúng tôi chỉ biết đập xả lũ khi nước tràn vào nhà, không có ai báo trước", Ma Youxi, một nông dân trong làng, kể về trận lũ bất ngờ hồi tháng 7. Anh không kịp cứu bầy cừu, may mắn là đàn trâu vẫn còn vì chúng biết bơi.
Hồng Hạnh (Theo NPR)