Trên sườn dốc của Everest, biến đổi khí hậu khiến băng tuyết mỏng đi, lộ ra thi thể của hàng trăm người leo núi đã chết trên đường chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới 8.849 m.
Aditya Karki, thiếu tá quân đội Nepal, là chỉ huy nhóm leo núi gồm 12 quân nhân và 18 nhà leo núi đang thực hiện chiến dịch dọn dẹp đỉnh Everest và các đỉnh Lhotse, Nuptse liền kề. Đây là chiến dịch cho quân đội Nepal tiến hành từ tháng 4 với mục tiêu giảm tác động của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Đây là lần thứ 4 Nepal tiến hành hoạt động này kể từ khi khởi động chương trình năm 2019.
Nhóm đã tìm được 5 người chết, trong đó một người chỉ còn là bộ xương. "Do ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu, xác chết và rác rưởi đang lộ ra khi lớp tuyết mỏng đi", Karki nói.
Hơn 300 người đã thiệt mạng từ khi những người thám hiểm đầu tiên đặt chân lên Everest những năm 1920 và riêng mùa leo núi năm nay đã có 8 người chết. Nhiều thi thể ở lại trên núi, số thì bị tuyết che lấp, số thì bị kẽ nứt trên sông băng nuốt chửng. Thậm chí người ta còn đặt biệt danh cho những thi thể mặc trang phục bắt mắt nằm lại trên đường leo núi để đánh dấu các địa điểm, như "Giày xanh" hay "Người đẹp ngủ trong rừng".
Theo Karki, những người leo núi thường bị ảnh hưởng tâm lý tiêu cực nếu nhìn thấy người chết trên đường chinh phục. Nhiều thi thể nằm ở vùng tử thần, nơi không khí loãng, nồng độ oxy thấp làm tăng nguy cơ say độ cao.
Nhóm của ông đã mất 11 tiếng mới giải phóng được thi thể bị băng giá bao phủ. Họ tưới nước sôi lên lớp băng để nó mềm đi, sau đó dùng rìu xẻ băng ra.
"Công việc này vô cùng vất vả", Tshiring Jangbu Sherpa, một người trong nhóm, nói. "Giải phóng thi thể là một phần, đưa người chết xuống núi lại là thử thách khác". Tshiring thuộc dân tộc Sherpa, nhóm người bản địa chuyên làm dịch vụ dẫn đường và khuân vác hành lý cho những nhà leo núi.
Tshiring cho hay một số thi thể vẫn nguyên vẹn, mặc đầy đủ quần áo, cùng đinh móc, dây an toàn. Công việc nhặt xác ở đỉnh Everest gây tranh cãi trong cộng đồng leo núi bởi tốn hàng nghìn USD và cần tới 8 người cứu hộ cho mỗi thi thể.
Thi thể có thể nặng tới 100 kg và ở độ cao hàng nghìn mét, khả năng mang vác nặng sẽ kém đi. Nhưng Karki cho rằng công việc này rất cần thiết. "Chúng tôi phải đưa được càng nhiều thi thể xuống núi càng tốt", ông nói. "Nếu cứ để mặc họ ở đấy, núi sẽ biến thành nghĩa trang".
Người chết thường được cho vào túi đựng xác, đặt lên máng trượt để kéo xuống núi. Tshiring từng đưa một thi thể xuống chân núi từ độ cao 8.515 mét trên đỉnh Lhotse, ngọn núi cao thứ tư thế giới, và mô tả đây là một trong những thử thách khó khăn nhất ông từng thực hiện.
"Xác chết thường bị đông cứng trong tư thế tay chân dang rộng", Tshiring nói. "Chúng tôi trước hết phải khiêng xác xuống một khu trại, sau đó mới có thể dùng máng trượt kéo xuống".
Rakesh Gurung, quan chức Bộ Du lịch Nepal, cho hay những thi thể được tìm thấy đang ở thủ đô Kathmandu chờ xác minh nhân thân. Những người không thể xác minh có thể sẽ được hỏa táng.
Bất chấp những nỗ lực tìm xác, núi Everest vẫn đầy bí ẩn. Thi thể của George Mallory, nhà leo núi người Anh mất tích năm 1924, mãi tới năm 1999 mới được tìm thấy. Bạn ông, Andrew Irvine, vẫn mất tích cùng chiếc máy ảnh.
Chiến dịch dọn dẹp sử dụng ngân sách hơn 600.000 USD, tuyển dụng 171 hướng dẫn viên và người khuân vác để đem xuống núi hơn 11 tấn rác. Trên đường lên đỉnh núi, người ta bỏ lại lều, thiết bị leo núi, bình gas rỗng, thậm chí cả phân.
"Núi đem lại vô số cơ hội cho người leo núi như chúng tôi", Tshiring nói. "Tôi thấy mình phải trả ơn núi, phải dọn dẹp rác rưởi và thi thể để trả lại sạch sẽ cho ngọn núi".
Các đoàn thám hiểm hiện nay được yêu cầu dọn sạch rác mà họ mang tới, nhưng rác từ thời xa xưa vẫn còn đó.
"Rác năm nay có thể được những người leo núi mang xuống", Karki nói. "Nhưng ai là người dọn rác bỏ lại từ trước?"
Hồng Hạnh (Theo AFP)