"Khi kinh tế đi xuống và các khoản đầu tư biến động, tôi bắt bắt đầu lo lắng", DiPastena cho biết, "Tôi không muốn tiêu hết tiền tiết kiệm đâu".
Ông là người thiết kế đồ họa tự do. Đầu năm 2020, DiPastena coi như mình đã nghỉ hưu một nửa và có vài khách hàng. Sau đó, đại dịch xuất hiện, công việc nhanh chóng biến mất. Dù vậy, ông vẫn cảm thấy ổn với kế hoạch nghỉ hưu và tài chính vẫn vững mạnh.
Nhưng đến năm nay, sự tự tin của ông bắt đầu giảm dần. Sau khi chỉ số S&P 500 tăng 27% trong năm 2021, nửa đầu 2022 lại là một trong những năm tệ nhất trong hơn 50 năm qua. DiPastena cho rằng cách tốt nhất để vượt qua cơn bão này là quay lại làm viêc.
"Giá trị các khoản đầu tư của tôi cứ giảm dần. Sau đó, một trong các cố vấn tài chính nói với tôi rằng ‘Chúng ta có thể làm thế này thế kia’. Nó như thể là ‘Điều tốt nhất tôi có thể làm bây giờ là đi kiếm một công việc", DiPastena nói.
Và thế là tháng trước, ông làm việc toàn thời gian trong vai trò chuyên viên sản phẩm – lĩnh vực khác hoàn toàn nghề nghiệp trước đây. "Tôi cảm thấy mình có thể làm đầy lại số tiền tiết kiệm và sau này sẽ có nhiều tiền hơn dự tính", ông nói.
Đại dịch đã tạo ra làn sóng về hưu. Một số tự nguyện. Một số do mất việc. Tuy nhiên, giá nhà và chứng khoán tăng vọt năm ngoái đã giúp nhiều người có tài chính vững vàng.
Còn giờ đây, kinh tế Mỹ bất ổn hơn nhiều. Chứng khoán bị bán tháo, lạm phát lên đỉnh 40 năm và nguy cơ suy thoái ngày càng cao.
"Sang năm nay, chúng ta chứng kiến thị trường chứng khoán rơi vào vùng giá xuống. Kể cả nếu bạn đầu tư trái phiếu, giá trị của chúng năm nay cũng đang thuộc nhóm tệ nhất lịch sử. Tình hình thay đổi quá nhanh", Sarah House - nhà kinh tế học tại Wells Fargo cho biết.
Danh mục đầu tư giảm không phải là vấn đề duy nhất. Khi lập kế hoạch về hưu, có rất nhiều biến số và rủi ro. Một trong số đó là lạm phát.
Lạm phát Mỹ lên đến 9,1% tháng 6 cao hơn rất nhiều so với mức mà các chuyên gia tài chính sử dụng trong mô hình tính toán. Kyle Newell – một chuyên gia tài chính cá nhân ở Florida cho biết: "Thông thường, lạm phát giả thiết chỉ vào khoảng 2% - 3,5% thôi".
Bà Connie Weyant (59 tuổi) cảm nhận rất rõ tác động của giá cả tăng lên khoản tiết kiệm về hưu của mình. Sau 40 năm làm viêc cho chính quyền địa phương, Weyant nghỉ hưu năm 2019.
"Tôi đã có một nghề nghiệp tuyệt vời. Tôi yêu công việc này, đã tiết kiệm đủ cho việc nghỉ hưu và mua một căn nhà để làm việc đó", Weyant cho biết. Bà hiện sống ở Fairfax (Virginia), có lương hưu và tiền đầu tư, đã trao đổi với chuyên gia tài chính cá nhân của mình trước khi rời thị trường lao động.
Nhưng Weyant không nghĩ là mọi thứ giờ đắt đỏ đến vậy. "Cũng như mọi người, chi phí của tôi tăng vọt, trong khi tôi vẫn chi tiêu cơ bản như trước đây", bà nói.
Khi phòng tắm trong nhà cần cải tạo, bà nhận ra mình sẽ phải chi nhiều tiền hơn do gián đoạn chuỗi cung ứng và giá nguyên vật liệu tăng. "Tôi thấy sốc khi nhìn chi phí", Weyant cho biết.
Đầu năm nay, bà bắt đầu tìm việc. Hồi tháng 4, bà chuyển sang làm bán thời gian với công việc mình đang làm tình nguyện. "Đi làm vừa vui, vừa giúp bù lại phần nào mức giảm trong khoản đầu tư của tôi", bà nói.
Bill Donaldson thì đã làm cả đời cho một công ty lớn ở Phoenix, bắt đầu từ một kỹ sư phần mềm, sau đó lên chức vụ quản lý. Vài năm trước khi đại dịch xuất hiện, ông đã nghĩ đến việc nghỉ hưu. Ông không cảm thấy công việc thú vị như trước nữa và tài chính cũng đã vững vàng. Khi được cố vấn tài chính khuyến khích, ông đã nộp đơn xin nghỉ hưu tự nguyện vào đầu năm 2020.
"Công ty cho phép tôi nghỉ hưu và vẫn được trả lương trong 6 tháng tới. Điều đó không tệ", ông nói.
Donaldson 56 tuổi khi nghỉ hưu. Ông dự định dùng các tài khoản đầu tư, tiết kiệm khác để sống. "Đầu năm nay, khi thị trường chứng khoán lao dốc và giá cả bắt đầu tăng, tôi nghĩ rằng mọi chuyện sẽ thách thức hơn một chút", ông nói.
Donaldson vốn cũng luôn cân nhắc làm việc bán thời gian trong khi nghỉ hưu để duy trì sự năng động và thử nhiều điều mới. Vì thế, khi một nhà tuyển dụng tìm đến ông để đề xuất công việc toàn thời gian trong một công ty hàng không vũ trụ, ông đã nhận lời. "Nó giúp tôi xóa bỏ hết lo ngại về việc phải nhìn tiền bạc giảm dần", ông nói.
Hà Thu (theo CNN)