Khi kẻ cưỡng hiếp đưa Diana Villanueva tới cơ sở phá thai 37 năm trước, đám đông biểu tình tụ tập trước phòng khám không chào đón cô.
Nhưng bây giờ, người phụ nữ 53 tuổi theo Công giáo này ước rằng mình chưa từng phá thai, vì nhiều năm qua bị ký ức đó ám ảnh.
"Lúc đó tôi rất sợ có người nhận ra mình, vì mẹ tôi hay đi lễ nhà thờ. Tôi luôn thấp thỏm rằng sẽ chạm mặt người quen ở phòng khám", Villanueva tâm sự hôm 16/6. "Nhưng bây giờ, tôi ước rằng khi đó gặp được người quen, bởi có thể họ sẽ giúp tôi có thêm can đảm không phá thai nữa".
Villanueva đang điều hành một cơ sở chữa lành tinh thần thuộc tổ chức "Vườn nho của Rachel" tại quê hương El Paso, bang Texas, giúp đỡ những người phụ nữ từng hối hận vì phá thai giống mình. Bà mô tả đây là phương thức "chữa lành nỗi đau phá thai", dựa trên lý thuyết của nhà tâm lý học Theresa Burke.
"Thực tế là phá thai để lại ảnh hưởng lâu dài tới chúng ta", bà nói. "Nó khiến ta luôn tức giận. Ban đầu ta chỉ muốn giải quyết vấn đề thật nhanh nên không muốn nghĩ sâu xa hơn mà muốn có ngay giải pháp".
"Nhưng khi đã phá thai, bạn sẽ suy ngẫm lại và lúc này mới thấy hối hận", bà bày tỏ.
Villanueva phát hiện "Vườn nho của Rachel" thông qua nhà thờ. Quan điểm chống phá thai của bà giống nhiều người Mỹ khác, mang đậm màu sắc tôn giáo.
"Rất nhiều phụ nữ nói: 'Cơ thể tôi, tôi có quyền lựa chọn'", Villanueva giải thích. "Nhưng cơ thể ta không thuộc về ta, mà thuộc về Chúa".
Mong muốn của những người như Villanueva được đáp lại khi Tòa án Tối cao Mỹ ngày 24/6 ủng hộ luật của Mississippi do đảng Cộng hòa hậu thuẫn, cấm phá thai sau 15 tuần, mở đường cho các bang tự ban hành luật cấm phá thai.
Texas là một trong số những bang chuẩn bị sẵn luật hạn chế phá thai để có thể ban hành ngay sau phán quyết của Tòa án Tối cao. Năm ngoái, bang đã ban hành luật cấm phá thai nếu phát hiện có tim thai, thường là vào tuần thứ 6 của thai kỳ, thời điểm một số ít phụ nữ thậm chí còn không rõ mình đang mang thai.
El Paso không có bất kỳ cơ sở cung cấp dịch vụ phá thai nào và đang trở thành chiến tuyến trong cuộc tranh cãi giữa ủng hộ và phản đối lệnh cấm phá thai. Ngay cạnh El Paso là thị trấn nhỏ Santa Teresa thuộc bang New Mexico, điểm đến cho những phụ nữ Texas muốn phá thai an toàn, hợp pháp ở bang có quy định tự do hơn.
Tuy nhiên, luật của Texas quy định bất kỳ ai giúp phụ nữ phá thai, kể cả tài xế Uber đưa người đó tới phòng khám, cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Mark Cavaliere, giám đốc Liên minh vì Sự sống vùng Tây Nam, một chương trình chống phá thai, bảo vệ các điều luật này với lý do "những người thực hiện thủ thuật phá thai là kẻ phạm tội bạo lực với phụ nữ và trẻ em".
Theo số liệu của Viện Guttmacher, nhóm nghiên cứu chuyên tổng hợp số liệu thống kê và ủng hộ quyền phá thai, 75% phụ nữ phá thai ở Mỹ năm 2014 sống dưới mức nghèo khổ hoặc thuộc nhóm thu nhập thấp.
Cavaliere, người bố có 5 con, tin rằng phán quyết vụ kiện "Roe chống lại Wade" năm 1973 ủng hộ quyền phá thai của Tòa án Tối cao đã tác động xấu đến phụ nữ. Khi đó, Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố phá thai là một trong những quyền con người căn bản của phụ nữ và là quyền hiến định dựa trên tu chính án số 14. Án lệ này đã được coi là văn bản pháp luật cao nhất ở Mỹ trong vấn đề phá thai.
"Phán quyết đó khiến phụ nữ cảm thấy mình phải thay đổi, chế áp và hủy hoại chức năng bình thường của cơ thể để đáp ứng định nghĩa về thành công vốn dựa trên chuẩn mực của nam giới", ông nói. "Chúng tôi hy vọng bằng cách lật ngược phán quyết này, chúng ta có thể thực sự giải quyết được các vấn đề về quyền và bình đẳng của phụ nữ".
Liên minh vì Sự sống vùng Tây Nam tổ chức nhiều sáng kiến giúp đỡ phụ nữ mang thai. Họ thường đậu xe y tế với trang thiết bị hiện đại bên ngoài các phòng khám sản khoa, cung cấp dịch vụ siêu âm miễn phí và thuyết phục những người muốn phá thai hãy tiếp tục thai kỳ.
Cuối tuần trước, họ tổ chức một sự kiện gây quỹ ở El Paso, với điểm nhấn là giải đua xem ai bò nhanh nhất giữa các em bé. Jazzmin Hernandez, giáo viên, 32 tuổi, không có con, cười khi thấy một em bé vượt qua bạn trong trận chung kết.
"Tôi cho rằng một đứa trẻ hình thành như thế nào không quan trọng. Không gì có thể biện minh cho hành động kết thúc sinh mạng một đứa trẻ", cô nói. "Texas đang làm gương và hy vọng những bang khác sẽ làm theo, cấm phá thai hoàn toàn".
Hồng Hạnh (Theo AFP)