Năm 1995, nghe theo ý tưởng của anh rể là nhân viên kiểm soát không lưu, Jo Ann Ussery, chuyên gia thẩm mỹ ở Benoit, bang Mississippi, đã mua và vận chuyển xác một chiếc Boeing 727 bị thải hồi về khu đất mà bà sở hữu, rồi dành 6 tháng cải tạo nó thành nhà.
Với chi phí 30.000 USD (khoảng 60.000 USD ngày nay), bà đã hoàn thành "ngôi nhà" mới rộng gần 1.400 m2, với đầy đủ tiện nghi, gồm ba phòng ngủ, hai phòng tắm cùng một bồn tắm nước nóng ở buồng lái.
Ussery sống trong chiếc máy bay trong nhiều năm. Đến năm 1999, bà đưa "ngôi nhà" đặc biệt này tới một khu đất gần đó để trưng bày, nhưng chiếc máy bay bị rơi khỏi xe tải trong quá trình vận chuyển và hỏng đến mức không thể sửa chữa được.
Quá trình thực hiện dự án một cách hoàn hảo của Ussery đã truyền cảm hứng cho nhiều người Mỹ biến xác máy bay thành nhà ở. Bruce Campbell, kỹ sư điện có bằng phi công tư nhân, khi đó đã vô cùng kinh ngạc khi nghe câu chuyện của bà trên sóng phát thanh.
"Lúc đó tôi đang lái xe về nhà, thật ngạc nhiên là tôi đã không mất lái vì quá tập trung vào câu chuyện của Ussery. Sáng hôm sau, tôi lập tức gọi cho bà ấy", Campbell nhớ lại.
Campbell sau đó đã biến một chiếc Boeing 727 thành ngôi nhà của mình trong khu rừng ở Hillsboro, Oregon và sống ở đó đến nay. "Giờ tôi sẽ không bao giờ chọn sống trong một ngôi nhà bình thường", ông nói.
Ông đã chi tổng cộng 220.000 USD (khoảng 380.000 USD ngày nay), trong đó khoảng một nửa là để mua chiếc Boeing của hãng Olympic Airways ở Hy Lạp để biến nó thành nhà ở.
Campbell đã dành vài năm để cải tạo chiếc máy bay "cũ kỹ và thô kệch" thành một ngôi nhà có thể ở được, với một chiếc sofa kiêm giường ngủ và vòi hoa sen tự chế từ ống nhựa.
Vào mùa đông lạnh giá, Campbell thường rời khỏi ngôi nhà máy bay, chuyển tới Miyazaki, miền nam Nhật Bản, nơi ông sở hữu một căn hộ nhỏ. Ông thậm chí suýt mua chiếc Boeing thứ hai tại Nhật, song dự án phải tạm dừng vì hãng hàng không quyết định sử dụng chiếc máy bay lâu hơn.
Vào mùa hè, ông thường xuyên đón khách, cung cấp chỗ ở miễn phí trên chiếc máy bay. Ông cũng tổ chức các sự kiện công cộng lớn với các quầy hội chợ. "Có các gian giải trí, các buổi hòa nhạc lớn trong rừng, nghệ sĩ biểu diễn ở cánh phải, khách khiêu vũ ở trước và sau. Không gian nhỏ nhưng rất thú vị", Campbell nói.
Trong khi đó, Joe Axline ở Brookshire, Texas, thậm chí ở trong hai chiếc máy bay cạnh nhau là MD-80 và DC-8 trong hơn một thập kỷ.
Axline đang lên kế hoạch cải tạo chiếc DC-8 thành rạp chiếu phim, phòng nghe nhạc. Ông gọi kế hoạch của mình là "Dự án Tự do".
"Tôi chi chưa đầy 250.000 USD cho toàn bộ dự án, do sở hữu khu đất và xây dựng hệ thống cấp thoát nước cho riêng mình", Axline tiết lộ. "Điều duy nhất còn lại là điện".
Ông cũng từng đón các con đến sống trong nhiều năm. "Sống trong một ngôi nhà bình thường ở Mỹ lãng phí rất nhiều không gian. Trên máy bay, phòng ngủ của tôi rộng 17 m2, có hai TV và nhiều không gian đi lại. Phòng khách ổn, phòng ăn cho 4 người", Axline nói.
Axline cho biết nhiều tài xế đi qua con đường cạnh đó đã dừng lại vì tò mò về "ngôi nhà máy bay" của ông. "Hầu như gặp ai tôi cũng vẫy chào và mời tham quan nếu họ có thời gian".
Tỷ phú kiêm đạo diễn Howard Hughes cũng từng chi một khoản lớn để tu sửa chiếc Boeing 307 thành "căn hộ". Ca sĩ nhạc đồng quê người Mỹ Red Land từng sống hàng thập kỷ trong xác một chiếc DC-8.
Tuy nhiên, Axline cho biết không phải ai cũng có thể từ bỏ cuộc sống tại những ngôi nhà bình thường để chuyển tới ở hoàn toàn trong máy bay. "Cần có tinh thần chuẩn bị, niềm đam mê và ham muốn làm điều này, bởi sẽ xảy ra nhiều vấn đề có thể khiến bạn nản lòng", ông nói.
Đây dường như cũng là lý do một số bạn bè của Campbell quan tâm đến lối sống này trong nhiều năm, nhưng chưa ai làm theo.
"Tôi đã gửi họ những hướng dẫn chi tiết và rõ ràng cho từng bước, song không tạo được thêm động lực cho họ", ông nói. "Nhưng đừng nản lòng, đừng để bất kỳ ai làm lung lay lòng tin. Hãy sắp xếp mọi công việc hậu cần, và cứ bắt tay vào công việc".
Đức Trung (Theo CNN)