Cầm tên tay ảnh hai thiếu nữ có gương mặt tròn, 16 tuổi, bà Dinh bày tỏ lo lắng hai cô bé đã bị bán sang bên kia biên giới để làm vợ đàn ông Trung Quốc. Dua và Di mất tích hồi tháng hai lúc đi chơi ở Mèo Vạc, vùng núi nghèo cách biên giới Trung Quốc bằng khoảng cách một hòn đá ném, theo AFP.
"Tôi mong con bé gọi về báo tin nó vẫn bình yên, nói rằng 'đừng lo cho con, con đi rồi nhưng vẫn an toàn'", Dinh vừa nói vừa khóc.
Bà là một trong vô số những người mẹ có con gái biến mất sang Trung Quốc, nơi tình trạng mất cân bằng giới tính đã thúc đẩy ngành buôn bán cô dâu trái phép phát triển.
Đa số người dân ở vùng núi phía bắc Việt Nam đều có đôi câu chuyện buồn về nạn buôn bán cô dâu. Học sinh trung học bàn về chuyện có người thân bị bắt cóc. Chồng nhớ lại cảnh vợ biến mất trong đêm. Hay những người mẹ như Dinh, lo lắng sẽ không bao giờ được gặp lại con.
"Tôi đã dặn con bé chớ ngồi sau xe hay gặp gỡ người lạ ngoài chợ", Dinh vừa nói vừa nhìn vào tủ quần áo của con gái trong ngôi nhà nền đất. Bà không biết tin con kể từ khi Dua mất tích, không thể liên lạc với con bằng điện thoại di động mà cô bé mới mua vài tuần trước khi biến mất.
Nạn nhân thường xuất thân trong cộng đồng nghèo, bị bạn trai lừa bán hay bắt cóc sang biên giới bằng những lời hứa hẹn kết hôn hay tìm việc lương cao. Giống như nhiều người mất tích, Dua và Di là người dân tộc thiểu số H'mong, một trong những cộng đồng dân tộc nghèo nhất Việt Nam.
Những kẻ buôn người thường nhằm vào các cô gái đi chợ phiên cuối tuần, nơi các thiếu nữ ăn mặc đẹp, bắt chuyện với những chàng trai trẻ, ngắm nhìn những chiếc điện thoại thông minh sản xuất ở Trung Quốc, hay mua sắm son môi và kẹp tóc lấp lánh.
Hoặc nạn nhân đã bị tán tỉnh từ nhiều tháng qua Facebook trước khi bị dụ dỗ sang Trung Quốc. Đó là cách chúng lợi dụng phong tục bắt vợ truyền thống của người H'mong, khi chú rể bắt cóc cô dâu mà không cần sự đồng ý của cô gái.
Một số nạn nhân bị lôi kéo bởi lời hứa hẹn về tương lai tươi sáng hơn đa số những cô gái chọn lựa ở lại Hà Giang, với truyền thống bỏ học sớm, tảo hôn và bán mặt cho ruộng đất.
"Họ qua biên giới để kiếm tiền nhưng rất dễ rơi vào bẫy của bọn buôn người", Le Quynh Lan, chuyên gia của tổ chức phi chính phủ Plan International tại Việt Nam cho hay.
Từ năm 2012 tới 2017, Việt Nam ghi nhận hồ sơ 3.000 vụ buôn người, nhưng con số thực tế "chắc chắn cao hơn", bà Lan nói, bởi khu vực biên giới rất khó kiểm soát.
Ly Thi My không ngờ con gái mình sẽ bị bắt cóc, vì Di rất nhút nhát, hiếm khi ra chợ chơi hay thích trò chuyện với bọn con trai. Chỉ hai tuần sau khi chụp ảnh với Dua, hai cô gái biến mất ở cánh đồng gần nhà và không bao giờ trở lại.
"Chúng tôi nghĩ rằng con bé đã bị lừa bán sang Trung Quốc làm cô dâu. Chúng tôi không biết nó đang ở đâu", bà My nói.
Bà sợ nhất là hai thiếu nữ bị buộc phải làm vợ người khác, hoặc bị ép bán dâm trong các nhà thổ ở Trung Quốc - quốc gia mà số đàn ông đang nhiều hơn phụ nữ 33 triệu.
Trieu Phi Cuong, một cán bộ đội điều tra tội phạm ở Mèo Vạc cho hay rất dễ để vượt qua vùng biên dài 1.300 km.
"Địa hình khu vực này gồ ghề, khó theo dõi", Trieu nói lúc đang đứng ở cửa khẩu biên giới đánh dấu bằng vài cây cột cao ngang hông, gần đó có một người đàn ông Việt Nam đang bán một chuồng chim bồ câu cho khách hàng Trung Quốc.
Nhiều nạn nhân thậm chí không biết mình đã sang tới đất Trung Quốc, hoặc không ý thức được mình đã bị bán.
Lau Thi My, 35 tuổi, chán ngấy ông chồng suốt ngày say xỉn và đánh đập vợ, đã mang theo con trai sang Trung Quốc. My được một người hàng xóm hứa hẹn tìm cho việc làm lương cao ở Trung Quốc, nhưng cuối cùng, cô trở thành con mồi của kẻ buôn người.
My bị tách khỏi con, bị trao tay bán ba lần cho những kẻ môi giới khác nhau, trước khi được một người đàn ông Trung Quốc mua làm vợ giá 2.800 USD.
"Anh ta nhiều lần nhốt tôi lại, tôi ghét anh ta", My nói. Cô đã bỏ trốn sau 10 năm ở cùng người chồng Trung Quốc, với số tiền gom góp ít ỏi.
Bây giờ, My quay lại với ông chồng người Việt - kẻ vẫn nát rượu, ở trong ngôi nhà mà cô đã bỏ trốn 10 năm trước. My vẫn đau đáu với nỗi đau xa con.
"Tôi đã quay lại, thân tàn ma dại, còn con trai vẫn ở Trung Quốc. Tôi rất nhớ cháu", My nói.