Vài giờ sau, ông Michael McKinlay xếp thức ăn lục lọi được từ thùng rác lên chiếc bàn ở góc tường nhà thờ. Đêm đó, ông tìm được một gói nấm mỡ, một khay taco kèm sốt đã hết hạn sử dụng chưa đầy 24 tiếng.
Người qua đường có thể tùy ý lấy số thực phẩm xếp trên chiếc bàn này. Chiếc bàn nhanh chóng trống trơn trước khi trời sáng.
Ông McKinlay được xem là một "người cứu hộ thực phẩm", chuyên lục lọi thực phẩm bỏ đi trong thùng rác để sử dụng hoặc đem cho những người giống họ, vốn không thể kham nổi giá tiêu dùng ngày càng tăng cao trong thời kỳ lạm phát. Nhóm người như ông McKinlay đang tăng về số lượng ở thành phố Toronto, Canada.
Quy tắc đầu tiên của những người lục rác là không công khai địa điểm nơi họ thu thập thực phẩm. Những món được tìm nhiều nhất là rau củ, khoai tây, đồ đóng gói, đồ ăn chế biến sẵn mới hết hạn vài giờ, không được bán hết trước khi siêu thị, cửa hàng đóng cửa.
Có những đêm, dãy thùng rác phía sau một siêu thị đầy ắp những phần gà nướng, những hộp thức ăn sẵn còn nóng hổi. Nhưng cũng có buổi số thùng rác này trống trơn, khi các hộp đồ ăn thừa đã bị đổ thẳng vào máy nén rác cạnh đó.
McKinlay tiến đến hai thùng rác khác ở gần cửa sau siêu thị và phát hiện nhiều loại rau, khoai tây đóng gói. Ông cùng người hàng xóm, vốn là một nghệ sĩ, cẩn thận soi đèn vào từng món đồ, vui mừng vì có thể dễ dàng cắt bỏ những phần rau héo úa.
McKinlay cho hay ông đã trải qua khóa đào tạo về an toàn thực phẩm và được cấp chứng chỉ. Ông là thành viên nhóm Facebook Hội Lục rác ở Toronto, có gần 8.000 thành viên, nơi mọi người đăng ảnh về những chuyến săn thực phẩm hay lời khẩn cầu xin thực phẩm, đồng thời lên án những hành vi lãng phí.
Nhóm được thành lập từ 6 năm trước, nhưng tăng gấp đôi thành viên chỉ trong hai tháng gần đây. "Câu trả lời phổ biến về lý do gia nhập nhóm là 'quá nghèo để có thể mua thực phẩm'", Chantal Townsend, người sáng lập nhóm, nói.
Ngoài nhóm này, trên Facebook còn nhiều hội nhóm khác hoạt động tương tự, không chỉ tại mỗi Toronto mà còn mở rộng ra các địa phương khác như Ontario. Trên TikTok, tài khoản TorontoTrashPanda có hơn 3.500 người theo dõi nhờ thường xuyên đăng video lục lọi thùng rác.
"Mạng xã hội có thể đã thúc đẩy ngày càng nhiều người làm công việc này", Shane Ironmonger, 19 tuổi, nói. Shane lấy cảm hứng từ các video của TorontoTrashPanda và cùng bạn đồng hành đi lục rác khoảng hai lần mỗi tuần, nhắm vào các thùng gom rác cỡ lớn. Anh mất việc gần đây, nhưng đã nghĩ đến hoạt động này trước cả khi thất nghiệp.
Ironmonger thường quyên tặng những món nhặt được cho thanh thiếu niên vô gia cư. "Chúng tôi không có việc làm, nên rất nghiêm túc trong chuyện này. Tôi muốn giúp nhiều người khó khăn", Ironmonger nói, khoe tìm thấy rất nhiều bánh mì và hộp ngũ cốc yến mạch.
Anh thỉnh thoảng bán lại những món này để có tiền đổ xăng, trả phí giao thông công cộng. Có những nhóm Facebook riêng, nơi những người như Ironmonger có thể tặng lại hoặc bán với giá cực rẻ những món tìm được ở thùng rác.
Khác với Ironmonger, ông McKinlay không bán thực phẩm thu nhặt được. Ông muốn cung cấp thức ăn cho nhiều người nhất có thể và hy vọng hành động của mình có thể thuyết phục các siêu thị Canada triển khai giải pháp tiết kiệm thực phẩm hiệu quả.
Ông McKinlay, 53 tuổi, làm công việc giao đồ ăn trước khi bị đau tim hồi đầu năm 2022. Các bác sĩ yêu cầu ông phải phẫu thuật và thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường thực phẩm tươi sống.
Nhưng McKinlay, người hiện sống dựa vào trợ cấp xã hội, không thể chi trả cho những thực phẩm này. "Tôi gần như phải ăn rau héo tìm được trong thùng rác, không thể mua súp lơ với giá 4 USD một bông", ông nói.
Khi về nhà, McKinlay chần qua và cấp đông thực phẩm tìm được trong thùng rác. Ông cho hay "chưa từng ăn uống lành mạnh như vậy trong đời".
Hàng xóm của McKinlay mới bắt đầu đi lục rác. Công việc của nghệ sĩ này từng mang lại thu nhập 5.000 USD mỗi ngày, nhưng tình hình tài chính gần đây trở nên căng thẳng.
"Tôi không làm việc này trừ khi cần thiết, nhưng đi lục rác cũng khá gây nghiện", người nghệ sĩ giấu tên nói.
Linh mục Adekunle Lawal rất cảm động khi chứng kiến những người như Michael để đồ ăn thu thập được tại chiếc bàn ở góc nhà thờ trên phố Dundas. Ông cho biết một số người luôn cố gắng trả tiền cho những thực phẩm lấy trên bàn bằng cách bỏ những đồng xu lẻ vào hòm thư nhà thờ.
Đức Trung (Theo Toronto Star)