Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh, 28 tuổi, chuyên viên Công ty An ninh mạng Viettel, là một trong nhiều người lính được vinh danh tại buổi giao lưu điển hình tiêu biểu Ngời sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, do Bộ Quốc phòng tổ chức tối 12/6 tại Hà Nội.
Anh Tuấn Anh chia sẻ công việc đòi hỏi tham gia vào các nhóm và đóng vai như hacker để tìm ra lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trong, ngoài hệ thống của các tổ chức, tìm cách vá lỗ hổng này. Những lỗ hổng bảo mật được coi là vũ khí tác chiến trên không gian mạng và người như anh được gọi là "hacker mũ trắng".
Nếu "hacker mũ trắng" tìm ra lỗ hổng, báo cáo với tổ chức rồi tìm cách khắc phục thì "hacker mũ đen" có thể lợi dụng để tạo nên các cuộc tấn công trên không gian mạng, gây bất ổn an ninh quốc phòng, làm tổn thất kinh tế. Thực tế ngày càng nhiều cuộc tấn công mạng xảy ra, đặc biệt nhắm vào các công ty dầu, chứng khoán khiến kinh doanh sản xuất đình trệ.
Trên "chợ đen", những lỗ hổng này được rao bán hàng trăm nghìn đến triệu USD, là món hàng luôn được giới tội phạm mạng săn tìm. "Hacker mũ trắng" có thể trở thành "mũ đen" nếu không vượt qua được cám dỗ. Đứng trước lợi ích cá nhân lẫn tập thể, ranh giới đôi lúc rất mong manh nên người lính phải luôn rèn luyện để không dao động, theo thượng úy trẻ.
Anh Tuấn Anh từng được hỏi mua lỗ hổng bảo mật với giá cao, thậm chí mời làm việc với lương tháng hàng trăm triệu đồng. "Cám dỗ luôn thường trực, nhưng mình vẫn chọn gắn bó với Viettel vì đây là nơi nuôi dưỡng ước mơ làm hacker mũ trắng, được trở thành người lính góp sức bảo vệ đất nước trên trận tuyến không tiếng súng, cũng là mong ước từ rất lâu của bố mình", anh nói.
Tại buổi giao lưu, đại tá Mạc Đức Trọng, Cục phó Gìn giữ hòa bình, nguyên Đội trưởng Công binh số 1, kể Đội Công binh số 1 triển khai tới Phái bộ của Liên Hợp Quốc ở Abyei (UNISFA) tháng 6/2022, đúng lúc xảy ra trận lụt lịch sử. Đường độc đạo vận tải hàng hóa từ Bắc xuống Nam bị cản trở bởi hàng loạt "sông cạn" ngập lụt. Người dân nơi Đội Công binh trú quân có nguy cơ đói, Phái bộ cũng sắp cạn xăng dầu, lương thực nên bộ đội quyết tâm thông đường.
Trong một tháng, máy móc công binh đào đắp hàng chục nghìn mét khối đất bùn nhão nhoét. Đội thống nhất dọc đường làm nhiệm vụ gặp người dân sa lầy thì phải giúp ngay để họ không phải ngủ lại trên đường dễ nguy hiểm tính mạng.
Thông đường xong, công binh lại chống ngập, làm hệ thống thoát nước cho hai khu vực ở Abyei - nơi có hàng chục nghìn người sinh sống. Người dân ban đầu ngại ngần, sau thấy bộ đội Việt Nam giúp sức đã truyền thông tin khiến nhiều nơi muốn được hỗ trợ, thậm chí đề nghị đội "ở lại thêm vài năm".
Anh Trọng nói những công việc như thông đường, thoát nước không phải là nhiệm vụ chính của lực lượng mũ nồi xanh, "nhưng là bộ đội cụ Hồ, thấy dân khó không thể không giúp". Đội Công binh ngoài công việc ở phái bộ còn làm 11 lớp học từ cấp một đến ba quanh nơi đóng quân, dựng thư viện, xin được 6 máy tính, góp tiền mua máy phát điện và làm giếng khoan để dân có điện, nước dùng.
Người lính nhớ mãi niềm vui lần đầu nhìn thấy hơn 1.700 học sinh cấp ba được thực hành trên máy tính thật, trước đây thầy giáo chỉ vẽ trên bảng. Lần đầu tiên được dùng điện sáng, có nước sạch để uống, người dân hạnh phúc xem như "điều lớn lao", còn với anh Trọng và đồng đội là "việc nhỏ". Thị trưởng nơi họ đóng quân trước ngày về hưu đã ngỏ ý xin bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Võ Nguyên Giáp để treo trong nhà.
Từ Abyei, những người dân qua sóng truyền hình đã gửi lời cảm ơn tới đại tá Mạc Đức Trọng cùng đồng đội. "Xin chào anh Mạc, chúng tôi nhớ anh", lời nhắn gửi khiến người lính mũ nồi xanh rớm nước mắt. Anh nói điều tiếc nuối nhất trước khi rời đi là chưa dựng được căn nhà tươm tất cho cô Catherine, giáo viên trường Mầm non khu vực Abyei.
20 năm khám chữa bệnh ở huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, bác sĩ quân y Nguyễn Văn Quốc Trí nhớ nhất ngày cuối năm 2022, sản phụ người Lào được khênh trên mền võng, vượt 20 km núi rừng tìm đến Phòng khám quân dân y A San. Người chị đẫm mồ hôi do chuyển dạ lâu nhưng chưa thể sinh.
Kiểm tra thấy huyết áp hạ, anh Trí nhận định ca sinh khó, không thể chuyển về tuyến sau vì khó đảm bảo an toàn. Bác sĩ quân y giữ sản phụ lại, dùng thuốc nâng huyết áp, tiêm thuốc trợ lực rồi hộ sinh, cuối cùng một bé gái Lào chào đời trên đất Việt Nam an toàn. Người chồng trước khi đưa vợ con về Lào đã tìm bác sĩ Trí nhờ đặt tên cho em bé.
"Tôi nghĩ mỗi đứa trẻ chào đời đều là giây phút thiêng liêng, là hạnh phúc của cha mẹ nên đặt tên cháu là Hạnh Phúc", anh kể, thêm rằng vùng biên giới nhiều gian khó nên luôn "chủ động đến với dân, không chờ dân khó khăn tìm đến bộ đội". Anh Trí là y sĩ, phấn đấu lên bác sĩ sau nhiều năm học hỏi.
Trên sân khấu, bác sĩ Trí hội ngộ bệnh nhân Hốih Tèo người Cơ Tu từng được anh cứu sống. Năm ngoái, Hốih Tèo cùng ba người trong gia đình bị ngộ độc nấm, được đưa đến phòng khám trong tình trạng nôn mửa, đau bụng dữ dội, hạ huyết áp. Bác sĩ không thể chuyển bệnh nhân vượt 50 km rừng núi về tuyến sau nên đã giữ lại, truyền dịch tốc độ nhanh, cho uống than hoạt tính... Sau ba tiếng cấp cứu, bốn người nhà Hốih Tèo qua cơn nguy kịch, trước khi về còn được anh hướng dẫn cách phân biệt nấm độc và nấm thường.
"Nhờ bác sĩ mà cả gia đình em thoát chết, khỏe mạnh", Hốih Tèo nói, tặng bác sĩ Trí túi nấm lớn, giãi bày đã phân biệt rõ các loại nấm để không bao giờ trúng độc. Với anh Trí, túi nấm mang ý nghĩa nhiều hơn một món quà, là niềm hạnh phúc khi người dân qua cơn nguy biến đã nâng cao hiểu biết để bảo vệ sức khỏe.
Hoàng Phương