Thứ hai, 19/2/2018, 00:05 (GMT+7)

Những người lính đối mặt với tử thần trong thời bình

Lên ngọn núi cao, xuống dòng nước sâu với lòng quả cảm, những người lính gỡ bom mìn đã hồi sinh nhiều vùng đất chết.

Những ngày cuối năm 2017, thông tin về quả bom lớn được phát hiện nằm dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội) khiến nhiều người dân địa phương lo lắng.

Lúc này, thiếu tá Phạm Phúc Khang - Phó cụm trưởng Cụm dò tìm xử lý bom mìn 1, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, được chỉ huy giao nhiệm vụ tham gia trục vớt và xử lý hủy nổ quả bom nói trên. 

"Đây là quả bom phá có trọng lượng 3.000 bảng (tương đương 1.350 kg), chứa khối lượng thuốc nổ khoảng 830 kg, khi phát nổ sức công phá rất khủng khiếp", anh Khang nhớ lại

Quả bom ở chân cầu Long Biên có thể tạo ra hố nổ sâu 15 m, rộng 25 m và bán kính mảnh văng có thể lên đến 3 km. Qua khảo sát, nó vẫn còn ngòi nổ đầu và ngòi nổ đáy nên việc trục vớt phải cực kỳ thận trọng, tỉ mỉ với đầy đủ biện pháp để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Thiếu tá Phạm Phúc Khang, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn. Ảnh: Giang Huy

Theo thiếu tá Khang, khi bom được thả từ máy bay thì toàn bộ ngòi nổ đã ở tình trạng sẵn sàng. Vì vậy trước khi trục vớt, 8 cán bộ, chiến sĩ của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn và lực lượng của Bộ tư lệnh Thủ đô đã phải sục, xói tạo khoảng hở ở đầu và đáy, để ngòi nổ của bom không va chạm với bất kỳ vật thể nào trong quá trình trục vớt. 

Việc trục vớt bom cũng được làm với tốc độ chậm, nhẹ nhàng để tránh xung đột; nếu di chuyển nhanh thì có thể tạo ra những lực lớn vừa đủ để có thể kích nổ quả bom.

Quá trình trục vớt, huỷ nổ quả bom ở chân cầu Long Biên.

Anh Khang cho biết, khi trục vớt xong, việc vận chuyển bom đi hủy nổ cũng là vấn đề rất khó khăn vì quãng đường xa. Trong khi tất cả các ngòi đều là chạm nổ quán tính nên quả bom phải kê, chèn chắc chắn và êm, chỉ được xếp ngang, không xếp dọc, xe phải đi với tốc độ chậm, đều, tránh lực quán tính lớn. Trong toàn bộ hành trình, Bộ tư lệnh Thủ đô đã bố trí xe dẫn đường và hành quân trong đêm để tránh mọi bất trắc trên đường.

Khi đến khu vực hủy nổ, do mệnh lệnh gấp nên lực lượng xử lý phải bắt tay ngay vào việc chuẩn bị bãi hủy, hố hủy nổ, hầm ẩn nấp, bố trí bom, lượng nổ và hệ thống điểm hỏa cũng như hiệp đồng cảnh giới.

"Sau một tiếng nổ rung chuyển đất đá, vào kiểm tra hố hủy thì lúc này chỉ còn là một hố sâu, đường kính 25-30 m, chiều sâu trên 15 m, toàn bộ cây cối xung quanh đã nghiêng ngả, trơ trụi hết lá. Một cảnh tượng rất khủng khiếp, anh em chúng tôi thì rất mệt mỏi vì qua một đêm hành quân và làm việc liên tục nhưng ai nấy đều nhảy lên sung sướng vì xử lý an toàn tuyệt đối quả bom", anh Khang nhớ lại.

Những người lính rà phá bom mình cho sự sống tái sinh
 
 
Quá trình trục vớt, di dời quả bom nằm dưới chân cầu Long Biên. Video: Thanh Tùng

'Trận đấu' với quả bom lớn nhất Đông Dương

Hơn 10 năm trước, đại úy Bùi Văn Hòe, thuộc Đội dò tìm, Cụm xử lý bom mìn 1, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn được tham gia tháo gỡ quả bom 22.000 bảng Anh (tương đương 10.000 kg) tại đỉnh núi Mèo, huyện Iagrai, tỉnh Gia Lai. Đây là quả bom to nhất Đông Dương còn sót lại sau chiến tranh.

Đại uý Bùi Văn Hoè, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn. Ảnh: Giang Huy
Địa bàn rừng núi hiểm trở, để đến được điểm phát hiện quả bom, anh Hoè và đồng đội phải đi bộ cả ngày men theo đường mòn của người dân bản địa, leo trèo qua ba ngọn núi và nhiều khe suối theo đường mòn. 

Trong suốt 15 ngày đêm, những người lính công binh sống bằng cơm cá khô, rau rừng với nước suối, tối ngủ trong lán, trại dựng tạm cạnh quả bom. Do ở trong rừng sâu nên ban ngày ấm nhưng đêm xuống lạnh thấu xương. Quả bom nằm dưới mặt đất hơn một mét nên các anh phải dùng ba lăng để kéo, kê kích lên mặt đất, xẻ tà núi để lộ diện quả bom ra sau đó thực hiện tháo gỡ.

Cần mẫn làm việc, cẩn thận và không một chút sai sót, sau 15 ngày đêm nỗ lực, nhóm đã xì tháo xong hơn 4.000 kg thuốc nổ từ quả bom khổng lồ. 

15 ngày trong rừng sâu gỡ quả bom to nhất Đông dương
 
 
Đại uý Bùi Văn Hoè kể lại quá trình xử lý quả bom to nhất Đông Dương 10 năm trước. Video: Thanh Tùng

Khi bom còn vỏ không, anh Hoè cùng đồng đội thuê xe reo, 2 đầu lắp tời và cáp, leo từ chân núi lên. Lính công binh lắp cáp vào gốc cây rừng để tời xe lên, còn khi xuống thì cũng vòng cáp vào cây rồi tời nhả dần. Hơn 3 ngày như vậy, họ mới đưa được quả bom xuống núi.

"6 người xử lý quả bom tại hiện trường, ngoài ra còn có lực lượng gùi gạo, dụng cụ, và một đại đội công binh của huyện Iagrai dùng ba lô hàng ngày gùi thuốc nổ về để đảm bảo an toàn", anh Hòe cho hay.

Những hình ảnh xử lý quả bom to nhất Đông Dương ở đỉnh núi Mèo, huyện Iagrai, tỉnh Gia Lai

Nghề đối mặt với tử thần 

Trung tâm Công nghệ Xử lý Bom mìn - nơi thiếu tá Phạm Phúc Khang và đại uý Bùi Văn Hoè công tác, trực thuộc Bộ tư lệnh Công binh và được thành lập ngày 24/9/1996.

Đây là đơn vị đầu ngành toàn quân nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tham mưu cho Bộ Quốc phòng về lĩnh vực bom, mìn, vật nổ; trực tiếp vận động quốc tế tài trợ, liên kết, hợp tác triển khai các chương trình, dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Theo đại sứ Stephan Husy - Giám đốc Trung tâm rà phá bom mìn nhân đạo quốc tế (GICHD), trong khi ở nhiều nước khác, hoạt động rà phá bom mìn thường do Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế thực hiện khâu chủ yếu thì trong nhiều thập kỷ qua, Chính phủ Việt Nam với nguồn lực của chính mình đã chủ động trong lĩnh vực này, góp phần đem lại cuộc sống an toàn hơn cho người dân tại khu vực đang bị ô nhiễm bom mìn.

Tai nạn bom mìn vẫn xảy ra vì người dân thiếu hiểu biết
 
 
Ông Đặng Xuân An, Chính uỷ Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn. Video: Thanh Tùng

Chính ủy Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn Đặng Xuân An cho biết, Việt Nam là một trong số những nước có tình trạng ô nhiễm bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh nặng nề nhất thế giới. Hàng chục triệu tấn bom, đạn được sử dụng trong các cuộc chiến tranh và xung đột biên giới kéo dài từ những năm 1946 đến 1989 đã để lại trong lòng đất một khối lượng bom, mìn vật nổ khổng lồ. Ước tính có tới 800.000 tấn bom, mìn còn sót lại nằm rải rác trên cả nước, ảnh hưởng đến 6,6 triệu ha đất đai, chiếm 20% diện tích cả nước.

Đó là những hiểm hoạ ẩn sâu trong lòng đất, hàng ngày, hàng giờ có thể gây đau thương, mất mát cho những người dân vô tội. Những người mẹ vẫn phải rơi nước mắt vì mất con. Với họ, chiến tranh chưa kết thúc.

Để làm sạch ô nhiễm bom mìn trên toàn quốc, Việt Nam cần kinh phí hơn 10 tỷ USD; và với tốc độ rà phá như hiện nay, khoảng 300 năm nữa mới loại bỏ được hết các loại bom, mìn chưa nổ.

"Trong hàng chục năm qua, bộ đội công binh đã nỗ lực hơn rất nhiều lần so với khả năng, tuy nhiên, do lượng tồn sót lớn, trên diện rộng, trong các dạng môi trường, địa hình khác nhau, nên đến nay các lực lượng vẫn đang tiếp tục nỗ lực để khắc phục hậu quả chiến tranh", ông Đặng Xuân An nói.

Với "lính gỡ bom" như anh Khang, anh Hoà, sau khi những quả bom ở chân cầu Long Biên, ở đỉnh núi Mèo... được vô hiệu hoá, các anh lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ, gần đây nhất là đến Lạng Sơn, Cao Bằng...

Anh Hoè cho biết, việc vô hiệu hoá bom mìn ở khu vực biên giới là nhiệm vụ khó khăn, không chỉ vì địa hình đồi núi hiểm trở, mà đây còn là những bãi mìn ken đặc với nhiều loai mìn khác nhau như mìn đồng chinh, mìn hướng nổ,.... chỉ cần con người bước chân lên là có thể phát nổ ngay.

Là đội trưởng, anh Hòe đề xuất bố trí các bãi mìn giả định tại đơn vị để anh em làm quen với các loại mìn cũng như cách dò gỡ, xử lý. Anh cũng hướng dẫn mọi người làm tốt công tác chuẩn bị với thiết bị mang theo, trực tiếp thực hiện mẫu các bước của quy trình rà phá để đồng đội làm theo.

"Dò mìn là một nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm, chỉ một chút lơ là, chủ quan thì hậu quả sẽ khôn lường. Do vậy chúng tôi phải dựa vào địa hình thực tế để áp dụng cẩn thận quy trình đã được học, ví dụ như khoanh vùng bằng ván, rải lót ở dưới, đi đến đâu dò đến đó và phát cây, khoanh vùng đốt để tránh được những quả mìn đồng chinh. Đi đến đâu làm sạch đến đó theo hình thức cuốn chiếu", anh Hoè nói.


Bộ đội công binh luôn đối mặt với nguy hiểm trong công việc

Người thân luôn bất an, lo lắng

Đại uý Bùi Văn Hoè kể, có những chuyến đi làm nhiệm vụ của anh kéo dài đến 6-7 tháng mới về nhà một lần. Những năm gần đây có điện thoại thì liên lạc dễ hơn, còn trước đây lâu lâu anh mới ra điểm bưu điện xã gọi về gia đình. Mỗi lần có điện của anh gọi về, gia đình rất phấn khởi và yên tâm vì "con mình an toàn" nhưng rồi sau đó lại lo lắng.

Nghề dò tìm, tháo gỡ bom mìn trên đất liền vốn đã gian khó, thực hiện công việc này dưới dòng nước sâu còn nguy hiểm hơn nhiều. Anh Hoè và đồng đội vẫn thường trêu nhau là người trần mắt thịt nhưng làm việc dưới âm phủ, vì dưới nước tối om. "Có lần khi xuống dưới, dây cấp hơi của tôi bị mắc kẹt vào đá, lúc đầu tôi rất hoảng loạn, sau đó lấy lại bình tĩnh, lần theo dây tháo gỡ dần dần", anh Hòe nhớ lại.

Thiếu tá Phạm Phúc Khang may mắn có gia đình ủng hộ công việc của anh, nhưng anh hiểu rõ nỗi bất an thường trực trong lòng người thân, nhất là những khi anh nhận nhiệm vụ nguy hiểm.

"Dù bố mẹ, vợ con không nói ra, nhưng tôi biết họ luôn dõi theo bước chân của tôi mỗi khi đi dò tìm, xử lý bom mìn. Họ chỉ thực sự thở phào khi tôi về nhà bình an. Từ khi lựa chọn đời quân ngũ, tôi biết những khó khăn mà mình sẽ phải đối mặt, nhưng tôi chưa bao giờ chùn bước, vì nhiệm vụ của người lính là bảo vệ cuộc sống bình yên cho cho nhân dân", anh nói.

Gia đình luôn lo lắng khi chúng tôi đi rà phá bom mìn
 
 
Đại uý Bùi Văn Hoè chia sẻ về nguy hiểm trong công việc hàng ngày. Video: Thanh Tùng
  • Hơn 40 năm sau chiến tranh, bom mìn, vật nổ sót lại đã lấy đi sinh mạng của hơn 50.000 người, làm bị thương hơn 60.000 người, chủ yếu là lao động trụ cột trong gia đình và trẻ em. 63 tỉnh, thành trên toàn quốc đều bị ô nhiễm bom mìn, tính riêng diện tích đất liền là 6,1 triệu ha, chiếm hơn 18% đất đai cả nước.
  • Từ năm 1975 đến 1990, đã có hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ hi sinh khi làm nhiệm vụ rà phá bom mìn. Từ năm 1990 đến nay, hàng trăm người khác cũng đã hi sinh.

Bản đồ ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam

Hoàng Thùy