Shahram Mashaoodi, giáo viên, phiên dịch viên sống ở thủ đô Tehran, cho biết anh cùng nhiều người khác lo lắng về những gì có thể diễn ra tiếp theo sau khi Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran phóng tên lửa tập kích hai căn cứ có lính Mỹ đồn trú ở Iraq hôm 8/1.
"Tôi nghe lãnh tụ tối cao nói rằng vụ tập kích là 'cái tát vào mặt' Mỹ. Tôi nghĩ vậy là đủ rồi", Mashaoodi nói khi đứng trên con phố ở vùng ngoại ô Tehran. "Tôi hy vọng chiến tranh không nổ ra. Tôi cho rằng tình hình có thể tốt hơn nếu được giải quyết bằng ngoại giao, bởi sau tất cả, chính người dân vô tội sẽ chịu đau khổ và tổn thương".
Tuy nhiên, Mashaoodi không tin rằng vụ tập kích của Iran đủ sức buộc lực lượng Mỹ phải rời Iraq. "Họ nên rời đi nhưng họ sẽ không làm vậy. Họ đã bỏ ra hàng triệu USD để xây dựng cơ sở, căn cứ quân sự ở Iraq và đó là số tiền lớn. Tôi nghĩ họ sẽ tận dụng và sẽ không rời Iraq khi chưa đạt được mục tiêu", Mashaoodi nhận định.
Solmaz Ghaznavi, giáo viên mỹ thuật, người từng ám ảnh với cuộc chiến tranh Iran -Iraq khi còn nhỏ, lo lắng về tác động của bất kỳ xung đột Mỹ - Iran nào tới trẻ em nước này. "Nói chung, tôi phản đối chiến tranh bất kể bên nào khởi xướng", cô nói.
Saba Vosough, sinh viên ngành kỹ sư dầu khí, cũng phản đối chiến tranh nhưng nghi ngờ về khả năng tránh được xung đột hoàn toàn. "Cá nhân tôi phản đối chiến tranh bởi dân thường luôn là người tổn thương đầu tiên. Dù chiến tranh toàn diện hoặc với quy mô nhỏ, nếu chúng tôi tấn công hai, họ sẽ đáp trả 4. Không thể không có phản ứng nào", Vosough nói.
Sinh viên ngành kế toán Rojan Parvnia cho rằng dù có nhiều điểm khác nhau, người Mỹ và người Iran vẫn có một điểm chung. "Người Mỹ cũng nói rằng 'Phản đối chiến tranh'. Họ không muốn chiến tranh xảy ra giống như điều người Iran mong muốn", Parvnia cho biết.
Không riêng ở quê nhà, nhiều người Iran sống ở Anh cũng thấy lo lắng về căng thẳng Mỹ - Iran trong những ngày gần đây. Kim, 27 tuổi, là một người Anh gốc Iran. Bố mẹ cô đã chuyển tới Anh khi họ ở độ tuổi 20 nhưng cô vẫn còn nhiều người thân ở Iran. "Tôi sợ rằng mình không thể gặp lại ông bà", Kim nói.
Sau vụ Mỹ hạ sát tướng Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và vụ tập kích căn cứ quân sự Mỹ của Iran, mối quan hệ giữa hai quốc gia giờ rất mong manh. Nhiều người Anh gốc Iran như Kim thấy lo lắng về tình hình ở đất nước mà họ xem là quê hương.
"Quê hương rất quan trọng với tôi và tôi thấy lo lắng cho người thân của mình ở đó. Tất cả chúng tôi đều lo cho họ, cho sự an toàn và tương lai của họ. Tôi cho rằng sẽ không an toàn nếu người mang trong mình hai dòng máu Anh - Iran trở về quê hương vào thời điểm này. Thậm chí tôi cũng không an tâm nếu bố mẹ tôi tới đó", Kim nói với đài Radio 1 Newsbeat.
Parsa Shahab, 21 tuổi, một sinh viên lớn lên ở Tehran nhưng đang theo học ngành tài chính ở Anh, đồng ý với Kim rằng tình hình hiện tại khá nguy hiểm đối với người Iran sống ở nước ngoài. Shahab cho biết chị gái mình đang ở Iran vào thời điểm tướng Soleimani bị hạ sát và anh đã khuyên chị quay về Anh để đảm bảo an toàn.
"Nhiều bạn đại học của tôi dự định quay về Iran sau khi kỳ thi kết thúc nhưng đã hủy kế hoạch do lo sợ về chuyện sẽ xảy ra, các vụ không kích và tấn công ở Iran", Shahab nói.
Shahab cho biết căng thẳng hiện tại cũng ảnh hưởng tới nhiều sinh viên Iran phải sống phụ thuộc vào tiền gửi từ gia đình ở quê nhà. "Tiền Iran bị mất giá nên nhiều sinh viên gặp nhiều khó khăn tài chính ở Anh. Người Iran sống ở nước ngoài như chúng tôi cũng phải đối mặt với tình trạng bất ổn", anh nói.
Kim đổ lỗi cho quyết định hạ sát tướng Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy khu vực này vào tình trạng nguy hiểm. "Tôi hoàn toàn không phải người ủng hộ tướng Soleimani, nhưng rõ ràng vụ hạ sát đã khiến thế giới nguy hiểm hơn. Do đó, bạn cần phải nghĩ tới dân thường vô tội sẽ phải gánh chịu hậu quả từ hành động thiếu cẩn trọng của ông ấy", Kim nói.
Sau hành động đáp trả của Iran, Ali Reza Shahrestani, 23 tuổi, thấy lo lắng về ảnh hưởng của nó tới kinh tế nước này. Ali là một doanh nhân hợp tác làm ăn với nhiều doanh nghiệp ở Anh và Iran. "Không ai muốn đầu tư vào khu vực có chiến tranh. Nó quá rủi ro. Do đó bạn cần có lựa chọn thay thế. Và nhiều người kinh doanh đang tìm kiếm một nơi đầu tư khác", Shahrestani chia sẻ.
Tuy nhiên, doanh nhân này cho biết căng thẳng hiện tại giữa Tehran và Washington giúp tạo ra sự đoàn kết của người dân Iran. "Có những người không thích tướng Soleimani, nhưng tất cả người dân ở Iran vẫn cố gắng đoàn kết và đứng bên nhau khi bị tấn công. Bạn có thể thấy điều đó trên phố", Shahrestani cho hay. Anh không ngạc nhiên với phản ứng của Iran bởi "họ luôn bảo vệ" người dân của mình.
Một số nhà bình luận cho rằng vụ tập kích của Iran nhưng không gây thương vong cho lính Mỹ có thể giúp hạ nhiệt tình hình và Shahab, Kim cùng Shahrestani đều mong muốn như vậy. "Chúng tôi đã có nhiều tiến bộ trước khi Trump đắc cử và tôi hy vọng có thể trở lại thời gian đó. Nhưng rất khó để biết chuyện gì sẽ xảy ra", Kim nói.
"Iran và Mỹ đã căng thẳng trong thời gian dài nên sẽ khá vô lý nếu giữa hai nước không có thêm bất kỳ căng thẳng nào. Nhưng tôi hy vọng sẽ thấy sự ổn định trong mối quan hệ giữa Iran với Mỹ và châu Âu. Điều đó tốt cho tất cả", Shahab nói thêm.
Thanh Tâm (Theo CNN, BBC)