Anh Luân tròn 40 tuổi, nhà ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, vốn là dân sơn tràng có hàng chục năm đi rừng.
Chuyến gùi hàng cho hãng tin ABC vừa rồi là chuyến đặc biệt, khi hàng trăm porter được huy động để chuyển cả tấn thiết bị, máy móc từ trung tâm xã vào hang Én.
Sống ở vùng ruộng ít, chỉ toàn rừng và núi đá vôi nên từ nhỏ, anh Luân đã thấy rất nhiều đàn ông trong thôn xóm vào rừng kiếm miếng cơm manh áo. Lớn lên, anh Luân cũng theo con đường này. Những lúc nông nhàn, anh lại vào rừng, đối mặt với nhiều nguy hiểm, nhưng cuộc sống không cải thiện là bao.
Từ năm 2014, anh Luân được tuyển vào làm porter tại công ty Chua Me Đất, phục vụ du khách trong những chuyến thám hiểm hang động lớn nhất thế giới - Sơn Đoòng.
“Mỗi chuyến đi, tôi phải vác khoảng 35-40 kg hàng. Đi rừng lâu năm nên tôi quen mang vác nặng, chừng đó không là gì”, anh Luân cười nói. 40 kg trên gồm đồ ăn, túi ngủ, dụng cụ leo núi… được những porter như anh Luân gùi vượt suối băng rừng để hỗ trợ du khách thám hiểm.
Mỗi tháng, các porter thường đi 2-3 tour, mỗi tour kéo dài 5 ngày, mang về cho họ thu nhập từ 6 triệu đồng. Ông Hồ Khanh, người phát hiện ra hang Sơn Đoòng, nay là tổ trưởng tổ porter, cho hay mỗi tour thám hiểm Sơn Đoòng thường có 24 người phục vụ, gồm tổ trưởng, người gùi đồ, đầu bếp, dẫn đường, trợ lý hướng dẫn viên…
Ngoài dụng cụ phục vụ thám hiểm, đồ ăn được đông đá sử dụng trong 3 ngày. Khi đoàn khách trở ra sẽ có nhóm khác gùi đồ tươi vào hang Én ở giữa chặng để phục vụ du khách."
Hồ Khanh tâm sự, trước ông nghề làm nông và đi rừng có thu nhập thấp, cuộc sống không ổn định, đó là chưa kể rủi ro, nguy hiểm.
“Từ khi tour thám hiểm Sơn Đoòng đi vào hoạt động, cuộc sống của tôi tốt lên rất nhiều”, ông nói. Ngoài làm tổ trưởng porter, những năm gần đây, ông Hồ Khanh còn làm thêm 6 gian nhà homestay phục vụ khách du lịch.
Chung niềm vui được nhận làm porter, anh Nguyễn Hữu Linh, 21 tuổi, bộc bạch nghề porter vất vả nhưng giúp anh trang trải cuộc sống gia đình.
“Để làm porter trước hết cần có sức khỏe. Chúng tôi cũng được đào tạo bài bản và đầy đủ về ứng xử, tiếng Anh, sử dụng thiết bị leo núi, sơ cấp cứu… Mọi thứ chúng tôi mang vào đều phải mang ra. Từ thứ nhỏ nhất như tàn thuốc mỗi người đều có túi riêng để đựng”, anh Linh nói về sự chuyển biến ý thức khi chuyển sang làm nghề porter.
Ông Nguyễn Châu Á, giám đốc công ty Chua Me Đất, cho hay để phục vụ tour thám hiểm Sơn Đoòng, công ty tuyển dụng khoảng 100 người địa phương, mỗi tháng thu nhập trung bình từ 6 triệu đồng trở lên. Mỗi porter được đào tạo sơ cứu, thái độ phục vụ, bảo tồn môi trường. Họ bắt buộc ký cam kết không vào rừng chặt cây, săn bắt thú… nếu vi phạm có thể bị đuổi việc.
"Chúng tôi cũng khuyến khích những người này mở thêm các dịch vụ tại nhà như homestay, quán nước hay lò bánh mì bán cho du khách và công ty”.
Ngoài làm porter cho công ty Chua Me Đất, một số người này còn giúp đỡ trong các chuyến thám hiểm, tìm hang động mới của đoàn chuyên gia hang động Hoàng gia Anh, do ông Howard Limbert dẫn đầu. Ông Limbert cho biết mỗi chuyến khám phá hang động phải mang theo rất nhiều trang thiết bị, gồm dây thừng, máy móc đo bằng laser…
“Những thành công trong khám phá hang động sẽ không có được nếu như không có sự giúp sức của những người bản địa. Họ là những người đầy thân thiện và làm việc chăm chỉ mà tôi từng gặp trong đời. Kỹ năng đi rừng của họ là tài nguyên quý giá đối với nhóm thám hiểm”, ông Limbert nhận xét và nói lời cảm ơn đến những người đi rừng khỏe mạnh.
Với sự trợ giúp của những porter, hai năm qua có hàng trăm du khách thám hiểm hang Sơn Đoòng thành công và an toàn tuyệt đối. Đồng thời, họ cũng hỗ trợ nhóm chuyên gia của Anh thám hiểm các hang động mới, ngày càng xa và khó khăn hơn.
Xem thêm: Hang Sơn Đoòng qua lời kể của khách Việt.
Hoàng Táo