Thứ tư, 22/1/2025
Thứ tư, 20/9/2017, 02:08 (GMT+7)

Những người giữ lửa làng nghề làm trống Trung Thu

Cả làng còn năm nhà giữ nghề làm trống Trung Thu, và cung cấp trống cho thị trường khắp 63 tỉnh thành.

Làng Ông Hảo (còn gọi là làng Hảo), xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên từ lâu nổi tiếng với nghề làm trống Trung Thu. Trống được làm ra với nhiều kích thước khác nhau. Hiện cả làng còn vài hộ làm trống theo đầy đủ các công đoạn.

Loại gỗ để làm trống trước kia hay dùng là gỗ mít, nhưng nay sử dụng chủ yếu là gỗ trám, bồ đề, hoặc mỡ. Cả thôn có trên 1.300 nhân khẩu nhưng đến nay chỉ còn năm gia đình làm nghề.

Không biết từ khi nào nghề bưng trống, thuộc da trở thành nghề truyền thống của làng. Nhân công lao động chính là những người trên 50 tuổi, bởi thanh niên hầu hết đi làm ở khu công nghiệp hoặc đi buôn bán xa bởi thu nhập từ nghề làm trống rất khiêm tốn. 

Trước kia chưa có máy móc để làm thân trống, các công đoạn phải làm tay, mất rất nhiều thời gian. Nay có máy cắt, tiết kiệm được tối đa vật liệu, thời gian gia công nhanh và hiệu quả công việc cao.

"Khoảng 6 năm trước, cứ vào đầu tháng 7 là cả làng nhộn nhịp tiếng đục đẽo, tiếng thử trống,... Nay, ít người làm nên làm quanh năm chỉ có hàng tiêu thụ đợt giáp Tết Trung Thu", anh Nguyễn Văn Tự nói.

Thân trống sau khi trải qua nhiều công đoạn sơn, phơi, làm kín,...sẽ được mang đi bưng (làm mặt trống).

Da trâu là nguyên liệu làm mặt trống, tiếng trống có vang, có trong hay không một phần là nhờ da. Da khi mua về, sẽ được xẻ từng tảng làm 3 - 4 mảnh sao cho thật đều rồi ngâm trong nước vôi để tẩy màu. Ngâm khoảng 5 - 7 ngày thì vớt ra phơi khô.

Công đoạn bưng da được xem là công đoạn cần nhiều kinh nghiệm nhất. Cả làng chỉ còn vài người làm được công việc này. "Một ngày bưng được khoảng 40 chiếc trống lớn, công việc tưởng chừng nhàn nhưng rất mất thời gian. Người làm phải có kỹ thuật bưng sao cho chiếc trống phát ra âm thanh, và không bị rách da bọc", ông Vũ Văn Khởi nói.

Để mặt trống được căng, được kín, người làm nghề phải dùng toàn thân để căng mặt da cho chắc chắn, một phần cũng là để da tràn kín khắp thân trống.

Cuối cùng là công đoạn quét sơn và đóng tai.

"Giá thành của mỗi chiếc trống chỉ dao động 25.000 - 30.000 đồng/chiếc, gia đình tôi là một năm xuất đi hàng chục ngàn chiếc, tính thu nhập bình quân trừ các chi phí chỉ khoảng 100 triệu đồng/năm", chị Là, chủ hộ gia đình sản xuất lớn tại làng Hảo chia sẻ.

Những chiếc trống thành phẩm đủ mọi kích thước sẵn sàng đến các tỉnh thành trên cả nước. 

Ông Lê Đình Tuấn, trưởng ban văn hóa xã Liêu Xá cho biết:"Đầu tháng 7, nườm nượp xe tải đến đầu làng để mua trống chở đi tiêu thụ. Mỗi năm có gia đình xuất đi 50.000 sản phẩm. Trống của làng Hảo được phân phối ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, từ trong nam đến ngoài bắc".

Do nhu cầu thị trường, nhiều năm gần đây mà nghề làm mặt nạ, đầu sư tử bằng giấy bồi xuất hiện ở làng Hảo. Trước kia, người làng chủ yếu làm mặt nạ chú Tễu. Nhưng nay, mẫu mã đã đa dạng hơn. Những chiếc mặt xanh đỏ vẽ hình các con vật ngộ nghĩnh như: cáo, thỏ, Chí Phèo, Thị Nở, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, đầu sư tử ... với nhiều kích cỡ.
Theo chị Vũ Thị Thoàn, người có kinh nghiệm làm trống 40 năm: "Mỗi năm làm ra hàng vạn sản phẩm, 3/4 số sản phẩm như vậy đã được giao đi khắp các tỉnh thành từ đầu tháng 7 âm lịch, còn lại chỉ để bán lẻ cho các mối quanh huyện".

Ngọc Thành

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net