Chiều 22/3, các nghệ nhân hội tụ ở đình Thét thuộc xã Kim Đức, thành phố Việt Trì để biểu diễn trong buổi ra mắt dự án Giới thiệu di sản âm nhạc hát xoan của nhạc sĩ Nguyễn Quang Long - người dành tâm huyết nghiên cứu âm nhạc dân gian. Đình hàng trăm năm tuổi, gắn liền với việc diễn xướng từ buổi sơ khai của phường xoan Thét - một trong bốn cái nôi của xoan Phú Thọ, cùng An Thái, Kim Đái và Phù Đức.
Sau trận mưa mau cuối xuân, sân đình tạnh ráo, trời mát mẻ, các nghệ nhân trải chiếu giữa sân chuẩn bị cho buổi hát. Sáu đào xoan diện áo dài truyền thống, chít khăn mỏ quạ. Hai kép trống cũng áo dài khăn đóng chỉnh tề. Các đào kép làm lễ bên trong đình trước giờ diễn.
Dưới sự dẫn dắt của trùm phường - người đứng đầu một phường hát xoan - Bùi Thị Kiều Nga, họ lần lượt giới thiệu một số bài tiêu biểu của Hát thờ, Hát quả cách và Hát hội - ba chặng chính trong môn nghệ thuật này. Bài Đóng đám thuộc chặng Hát thờ, xưa kia thường hát cho vua và quan viên nghe mỗi khi mở hội làng. Bài Đối dãy cách, thuộc chặng Hát quả cách, ca ngợi quê hương đất nước và con người lao động ở tất cả ngành nghề sĩ nông công thương. Bài Bỏ bộ, thuộc chặng Hát hội - hát giao duyên trai gái.
Không nhạc đệm, chỉ có tiếng trống, lời hát và các điệu múa đơn giản nhưng làm rộn cả một góc sân đình. Các nghệ nhân cho biết đó chính là hình thái nguyên bản của hát xoan mà các thế hệ từ xa xưa truyền lại.
Buổi biểu diễn là một trong những hoạt động quen thuộc của phường xoan Thét mỗi dịp lễ hội hay khi có khách từ xa tới. Phường xoan Thét hiện có khoảng hơn 80 người, trong đó 16 nghệ nhân được cấp bằng. Các thành viên chủ yếu làm ruộng, làm công nhân các nhà máy trong vùng hay ngành nghề khác. Tuy nhiên, vì đam mê và mong muốn bảo tồn nghệ thuật truyền thống, họ tranh thủ thời gian tham gia phường hát.
Mỗi khi có lịch biểu diễn, trùm phường Kiều Nga lại đôn đáo tập hợp mọi người. Chỉ ít phút trước giờ hát, Nguyễn Văn Tuấn, 39 tuổi, lái taxi về đỗ vội trước cửa sân đình sau một cuốc khách. Khoác lên mình bộ áo dài khăn đóng, anh Tuấn trong phút chốc nhập vai kép xoan, đảm nhận gõ trống và dẫn cách cho các đào hát.
Trong khi đó, đào Lê Thị Hoa, 44 tuổi, đóng cửa spa đang quản lý để góp mặt trong buổi diễn. Chị thấm những câu hát xoan từ thuở nhỏ. Năm 2013, khi xã bắt đầu mở lớp học cộng đồng, chị đăng ký theo học. Giữa năm 2016, chị đi xuất khẩu lao động nhưng những câu hát vẫn theo bên mình. "Khi làm ở bên Nhật, tôi vẫn rất nhớ hát xoan, thi thoảng lại mở YouTube ra để học hoặc xem các chương trình ở quê nhà", Lê Thị Hoa nói. Cuối năm 2022, chỉ ba ngày sau khi về nước, chị trở lại sinh hoạt cùng phường xoan.
Không chỉ đào Hoa, con gái chị - Lê Thị Thảo - hiện cũng theo mẹ đi hát. Thảo sinh năm 2006, từ lúc ba, bốn tuổi đã được mẹ đưa đến các buổi tập. Theo chị Hoa, bé nghe và thuộc lòng giai điệu từ lúc nào. Về nhà, có khi chị Hoa hát sai lời, con gái lại nhắc mẹ sửa.
Sau khi UNESCO đưa hát xoan vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp năm 2011, nhiều hoạt động bảo tồn ở các phường xoan gấp rút được thực hiện. Trước đó, các nghệ nhân chủ yếu truyền miệng trong gia đình nhưng năm 2013, nhiều lớp học cộng đồng ra đời, trở thành nơi truyền nghề cho các thế hệ. Ở phường Thét, mỗi tuần các nghệ nhân dành hai buổi tối đào tạo con em. Đến nay, có tới bốn, năm thế hệ trong làng cùng hát xoan.
Nghệ nhân Ưu tú Lê Thị Nhàn, 67 tuổi, cho biết trong gia đình bà, con gái, cháu nội, cháu ngoại đều biết hát. Các cháu nhỏ chưa biết chữ nhưng thấy các bà, các mẹ biểu diễn cũng có thể nhẩm lời và đưa tay múa theo. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Ngà biết hát xoan từ năm chín tuổi, mẹ cũng là Nghệ nhân Ưu tú ở phường Phù Đức. Khi lấy chồng về làng Thét, bà tiếp tục theo đuổi nghề và truyền cho con cháu. Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Kiều Nga - 61 tuổi, có bố mẹ đều là nghệ nhân hát xoan - nói: "Chúng tôi cứ tự nhủ nhau, tuổi cũng cao rồi, nhớ nhớ quên quên, nhưng hát xoan thì không thể nào quên được. Xoan hình như ăn vào máu chúng tôi rồi".
Ngoài lễ hội đầu xuân, hiện các nghệ nhân đi biểu diễn giao lưu văn hóa ở Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Nội. Họ còn thường diễn phục vụ các đoàn khách đi lễ hội đền Hùng ghé qua để thưởng thức văn hóa dân gian.
Gắn bó phường xoan nhiều năm, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long ấp ủ thu âm, đăng tải các bài xoan gốc lên mạng với mong muốn lan tỏa nghệ thuật dân gian. Dự án mới của anh giới thiệu 16 bài xoan bao gồm ba bài thuộc chặng hát Thờ và 13 bài thuộc chặng Quả cách. Nhạc sĩ, ca sĩ Phan Thanh Cường đảm nhận phần thu âm theo cách dân dã để tạo cảm giác nguyên bản nhất. Phần hình được êkíp ghi tại bốn di tích có liên quan mật thiết với hát xoan: Miếu Lãi Lèn (phường xoan Phù Đức), đình Thét (phường Thét), đình Kim Đái (phường Kim Đái), đình An Thái (phường An Thái).
Theo Nguyễn Quang Long, Thét là một trong bốn phường có vị trí đặc biệt quan trọng trong nguồn gốc hình thành và quá trình nuôi dưỡng, phát huy nghệ thuật hát xoan. Nhạc sĩ nhiều lần thực hiện các dự án giới thiệu cả bốn phường. Tuy nhiên, đặc thù của nghệ thuật dân gian là tính dị bản. Lần này, nhạc sĩ chọn duy nhất phường Thét để thực hiện trọn vẹn 13 bài trong chặng Quả cách.
Hát xoan, còn được gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình), hát Lãi Lèn, hát Đúm hay hát Thờ, là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các vua Hùng. Theo Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản Việt Nam, gốc của hát xoan ở vùng Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc.
Hát xoan hội tụ đa yếu tố nghệ thuật như nhạc, hát nói, hát ngâm, múa. Ngày nay, hát xoan đã trở thành một trong những nét sinh hoạt độc đáo của tỉnh Phú Thọ, thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân.
Ngày 24/11/2011, UNESCO đưa hát xoan vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Với những nỗ lực của tỉnh Phú Thọ, năm 2017, hát xoan được rút khỏi danh sách này để chuyển sang Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Song Ngư