Cô gái 28 tuổi ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) kể hôm đó bị nhóm bốn thanh niên đeo mặt nạ quỷ mặc quần áo nhuộm đỏ giả máu, tay cầm dao nhựa, từ bên đường nhảy ra hù dọa. Thấy cô kinh hãi đến tột độ, ngã lăn ra đường, họ cười phá lên rồi bỏ đi, tìm con mồi khác để trêu tiếp.
Chưa bị hù dọa như Trúc Anh nhưng chị Kim Thanh (31 tuổi) ở quận Gò Vấp (TP HCM) khó chịu khi nhiều người trẻ bắt chước, tổ chức lễ hội Halloween ở Việt Nam bằng những trò đùa phản cảm. Tối 30/10 năm ngoái, thấy cảnh một người nằm đắp chiếu, cắm nhang xung quanh trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) chị sững lại vì nghĩ có tai nạn, nhưng khi biết là trò đùa, cơn giận bùng lên.
"Mọi thứ đã đi quá xa khi họ đem chuyện chết chóc ra đùa cợt. Hành động rất lố, đi ngược thuần phong mỹ tục. Tôi hy vọng cơ quan chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn", chị Thanh nói.
Sự khó chịu với Halloween của gia đình anh Đức Hiển, 35 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đến từ việc sợ con trai 4 tuổi tiếp xúc với đồ chơi tạo hình ma quỷ kinh dị, rùng rợn.
Cuối tháng 10 năm ngoái, vợ chồng anh nhận nhiệm vụ hóa trang cho con theo chủ đề Halloween theo yêu cầu của giáo viên. Đưa con lên phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) tìm áo choàng và mũ phù thủy, nhưng anh Hiển sốc khi hầu hết sản phẩm bày bán đều là hình bộ xương, đầu lâu, mặt quỷ, các bộ phận cơ thể người được tô máu giả cho đến kiếm, dao nhựa. Chưa kể, không gian lớp học cũng trang trí các hình nộm giả ma, bộ xương trắng, một số học sinh được bố mẹ vẽ phẩm đỏ giả máu lên mặt.
"Nhiều tạo hình người lớn còn sợ. Thú thực tôi muốn con tránh xa các hình ảnh phản cảm này, sợ ảnh hưởng đến nhận thức còn non yếu của trẻ", anh Hiển nói.
Halloween (All Hallows' Evening) hay còn gọi là lễ hội ma quỷ, lễ hội hóa trang diễn ra vào ngày 31/10 có nguồn gốc từ phương Tây. Các hoạt động phổ biến trong lễ hội Halloween là trick-or-treat (trẻ em hóa trang đến gõ cửa nhà hàng xóm để xin bánh kẹo), dự tiệc hóa trang, đốt lửa, khắc bí ngô để đèn lồng, xem phim hoặc kể chuyện kinh dị.
Du nhập vào Việt Nam khoảng hơn 10 năm nay, Halloween là một trong những ngày hội được ưa chuộng nhất trong năm của giới trẻ.
Nhưng sự khó chịu với cách hưởng ứng lễ hội Halloween như Trúc Anh, chị Kim Thanh hay gia đình anh Đức Hiển trở nên phổ biến. Khảo sát của VnExpress với hơn 1.800 độc giả bằng câu hỏi "Người Việt có nên tổ chức lễ hội Halloween không?" cho kết quả 63% nói không, 32% đồng ý và 5% có ý kiến khác.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, tâm lý không thích lễ hội Halloween của nhiều người Việt là dễ hiểu bởi khác biệt về văn hóa.
Các lễ hội của Việt Nam thường hướng đến những điều tốt đẹp, vui vẻ, hướng về cội nguồn. Ví dụ, mặt nạ trong lễ Trung thu cũng phải hài hước, ưa nhìn. Trong khi các tạo hình cho Halloween có phần rùng rợn. Bên cạnh đó, một số người Việt hưởng ứng lễ hội không hiểu rõ nguồn gốc, ý nghĩa mà mà chỉ bắt chước hình thức hoặc cố tình hiểu sai dẫn đến những hành vi gây khó chịu với cộng đồng.
Giải thích vì sao Halloween đôi lúc bị biến tướng ở Việt Nam, bà Minh nêu ba điểm. Một là do mạng xã hội phát triển, nhiều người liên tục chia sẻ thông tin. Hai là tâm lý tò mò, mong có những trải nghiệm mới của thanh thiếu niên nhưng không phân định đúng, sai, dễ dẫn đến hành vi quá khích. Và cuối cùng là do quy định về tổ chức lễ hội của cơ quan quản lý chưa cao.
"Về bản chất Halloween mang ý nghĩa tích cực, phù hợp với văn hóa phương Tây. Nhưng khi trò chơi khăm trở nên quá đà có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của những người xung quanh, tạo tâm lý khó chịu, ghét bỏ. Chưa kể, để trẻ nhỏ học theo hành vi lệch chuẩn sẽ để lại những hậu quả khôn lường", bà Minh cảnh báo.
Trúc Anh, sau lần ngã xây xát khắp người, không dám ra đường một mình vào đêm Halloween. Còn với Kim Thanh, ác cảm về những khuôn mặt trang điểm kinh dị trong đêm Halloween khiến chị mong chúng sớm biến mất. Riêng với gia đình anh Đức Hiển, chứng kiến con trai khóc thét khi thấy bạn cùng lớp hóa trang thành bộ xương quấn khăn trắng quanh người, đầu đội mũ có gắn dao, anh bàn tính với vợ không cho con tham gia các lễ hội tương tự. Thậm chí, gia đình còn tính cho bé nghỉ học vài ngày để không ảnh hưởng đến tâm lý.
"Tôi luôn tôn trọng và khuyến khích con tham gia các lễ hội văn hóa Việt, nhưng lễ hội ngoại nhập như Halloween thì không. Nếu chưa thể cấm thì nên thay đổi để phù hợp với văn hóa thay vì dị hợm như hiện nay", anh Hiển nói.
Nhưng một số chuyên gia văn hóa cho rằng, việc du nhập các lễ hội ngoại nhập là điều tất yếu và không thể cấm cản, nhất là trong bối cảnh người trẻ ngày nay có nhiều cách tiếp cận chủ động, sáng tạo.
Ông Nguyễn Sỹ Toản, Trưởng khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cho rằng càng cấm giới trẻ càng tò mò. "Cứ để cái mới đi vào và chủ động trong việc tiếp nhận, tuyên truyền. Quan trọng là tạo ra một sân chơi có quy tắc", ông nói.
Theo chuyên gia, lễ hội ngoại nhập nào cũng có ưu điểm và hạn chế. Một số người thấy không phù hợp, khó học hỏi cũng là điều bình thường, nhưng cũng không nên thấy khác biệt mà xem đó là xấu. Về bản chất, các lễ hội ít nhiều có ý nghĩa tích cực, đó là lý do tồn tại được ở nhiều quốc gia, quan trọng là cách định hướng, tổ chức của nhà quản lý, thay vì vội kết luận là lai căng, dị hợm chỉ vì một số cá nhân cố tình làm lố.
Không bài xích, ghét bỏ, Thu Hương (35 tuổi) ở Hà Nội cho rằng việc tiếp xúc với các lễ hội ngoại nhập giúp cô có cơ hội hiểu thêm các văn hóa mới, nhưng cần phù hợp với truyền thống.
Lấy ví dụ như mỗi lần đến ngày Halloween, Hương cùng bạn bè thường tổ chức bữa tiệc cho các con bằng bí đỏ, tự làm mũ phù thủy, hình nộm có hình dáng ngộ nghĩnh đáng yêu. Trong bữa tiệc, phụ huynh sẽ giải thích cho trẻ về nguồn gốc lễ hội, các hoạt động nên triển khai và điều không nên làm, tránh những hành vi quá lố.
"Lễ hội văn hóa là sinh ra để giúp đời sống tinh thần thêm phong phú, khiến mọi người thấy vui vẻ, thoải mái chứ đừng tạo khác biệt gây ức chế, khó chịu", Hương nói.
Quỳnh Nguyễn - Phương Anh