Tết Tân Sửu có nhiều khác biệt khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại những ngày cuối năm. Với nhiều người, Tết sẽ thiếu trọn vẹn vì không thể về nhà, sum họp với gia đình. Mỗi gia đình không may phải xa cách trong dịp Tết đều có một câu chuyện, một cảm xúc, một nỗi niềm khác nhau.
Anh Phạm Quang Đức, quê ở tỉnh Hải Dương lần đầu đón Tết ở bệnh viện vì bị tai nạn lao động. Nằm trong phòng bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, anh chạnh lòng khi nghĩ đến thời khắc giao thừa và cô con gái mới 4 tháng tuổi. "Tết năm nay, vừa phải chữa bệnh và ở quê cũng đang có dịch nên không thể về nhà ăn Tết. Ban đầu cứ ngỡ đây sẽ là cái Tết vui nhất, nào ngờ tôi và bố đành đón xuân mới trong bệnh viện. Ở đây, ngày nào nhớ con là tôi lại gọi điện thoại để nói chuyện, nhìn hình ảnh, vì đã xa nhà hơn 1 tháng nay", anh Quang Đức tâm sự.
Buồn là vậy nhưng khi nhắn nhủ với mẹ, vợ và con gái nhỏ, anh Quang Đức vẫn không quên dặn dò ở nhà yên tâm đón Tết đầy đủ như bình thường, không phải quá lo lắng. Tất cả đều chỉ mong dịch chóng qua, bệnh mau khỏi để trở về nhà đoàn tụ.
Những ngày qua, TP HCM ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng. Sân bay Tân Sơn Nhất, bến xe miền Đông, miền Tây cũng không còn cảnh chen chúc như mọi năm vì nhiều người lao động, gia đình đã chọn ở lại ăn Tết. Chị Vũ Thị The, công nhân ở TP HCM cũng không về Hải Dương đón Tết. "Ngày nào tôi cũng gọi điện thoại cho mẹ, dặn bà đi đâu cũng phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và đứng xa người khác. Các cụ có tuổi rồi nên việc không được ở gần phụng dưỡng thật sự rất áy náy. Tôi hy vọng dịch nhanh qua để tôi có thể thu xếp về quê với gia đình", chị The kể.
Quê nhà cũng nằm ở vùng tâm dịch ở Hải Dương, nên sau khi địa phương này công bố dịch với nhiều ca nhiễm, gia đình anh Hữu Thanh, quận 7, TP HCM quyết định huỷ vé máy bay, lỡ hẹn với người thân. Anh Thanh nói: "Không chỉ kế hoạch đón Tết mà lịch trình công việc của tôi dịp Tết này ở quê cũng phải gác lại. Nhưng vì an toàn của các con và gia đình, cũng là vì trách nhiệm với xã hội, quyết định ở lại Sài Gòn đón Tết được 2 vợ chồng đồng lòng"
Những người như anh Đức, chị The, anh Thanh sẽ chia sẻ câu chuyện của mình trong chương trình "Tết cách ly - Không cách lòng". Chương trình nằm trong chiến dịch do VPBank phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức.
Chương trình "Tết cách ly - Không cách lòng" gồm các phóng sự ghi lại nỗi niềm của người đón Tết xa nhà, những gia đình tạm chia xa trong các khu cách ly hay những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm kiên cường chống dịch bệnh.
Chương trình phát trực tuyến trên các kênh số: fanpage VPBank, VTV24, VTV, trang chủ báo điện tử VTV.vn và ứng dụng VTV Go vào lúc 20h30 các ngày từ 8 - 10/2 (tức ngày 27 - 29 Tết) và phát lại trong các bản tin của VTV24 trên truyền hình các ngày mồng 1, 2 và 3 Tết nguyên đán.
Vào 20h30 ngày 10/2 (29 Tết) tại trường quay VTV sẽ diễn ra gala livestream "Tết cách ly - Không cách lòng". Khán giả sẽ được lắng nghe câu chuyện trong tâm dịch qua phóng sự về đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên tại Hải Dương và thưởng thức các tiết mục nghệ thuật của ca sĩ Minh Vương, Quán quân The Voice Kids 2019 Kiều Minh Tâm và ca sĩ Hà Lê.
Đại diện VPBank cho biết: "Tết âm lịch là một trong những nét văn hóa truyền thống lâu đời. Tuy nhiên, do diễn biến bất ngờ của dịch bệnh Covid-19 nên một bộ phận người dân không thể sum vầy với gia đình trước thềm năm mới. ‘Tết cách ly - Không cách lòng’ thay cho lời động viên, chia sẻ với những gia đình không được đoàn viên bên nhau trong mùa xuân này. Chúng ta luôn hướng về nhau, hướng về những điều tốt đẹp nhất và về ngày Việt Nam chiến thắng dịch bệnh.
Trong năm 2020, VPBank trao tặng gần 20 tỷ đồng ủng hộ Chính phủ phòng chống dịch bệnh và hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long; Tặng 1.000 suất quà cho các chiến sỹ biên phòng Cao Bằng tại biên giới; Tặng 2 xe cứu thương cho bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cũng như đề ra nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng trong sản xuất, kinh doanh...
Nha Trang