Nhân viên vận hành trang thiết bị mặt đất này phải tiếp xúc trực tiếp với hành khách từ vùng dịch, dẫn họ từ máy bay đến khu sân đỗ riêng trong Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn. Anh chưa từng nhận một nhiệm vụ kỹ thuật vừa đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn theo quy định của quốc tế về y tế, vừa nhiều rủi ro về sức khỏe.
Trước đây, anh Giang có thời gian rèn luyện trong quân đội nên coi phòng chống Covid-19 cũng như một mặt trận bảo vệ Tổ quốc. Anh không cho phép bản thân mất bình tĩnh quá lâu trước nhiệm vụ mới. "Đã cầm súng bảo vệ biên cương, mình không còn cảm thấy sợ hãi nữa. Bởi xét cho cùng, đây cũng là một mặt trận và mình là một người lính", anh nói.
Cán bộ y tế cũng như cấp trên đã trang bị kiến thức và thiết bị bảo hộ đầy đủ, đảm bảo an toàn tối đa cho nhân viên sân bay. Do đó, khó khăn với anh Giang không phải quy trình hay biện pháp bảo vệ bản thân, mà làm sao để trấn an tâm lý đồng đội của mình.
"Nhân viên có nhiều người khi đón chuyến bay từ Vũ Hán nói với tôi rằng: 'Em còn trẻ, em chưa muốn chết. Đây là đầu tiên em làm chuyện này'. Tôi đáp: 'Đây cũng là lần đầu tiên anh làm, nếu mình không làm thì ai sẽ làm, lấy ai đón đồng bào về? Em hãy suy nghĩ, nếu đây là người nhà, em có đón chuyến không?'", anh hồi tưởng.
Không chỉ anh Giang, cả đội cùng động viên nhau vượt qua rào cản về tâm lý ban đầu, để hoàn thành công việc. Từ tâm thế lo lắng, có phần sợ hãi, họ ngày càng hoàn thiện quy trình đón chuyến bay và chuyên nghiệp hơn.
Khi mở cửa những máy bay đưa khách Việt về tránh dịch, thấy mọi người an toàn, anh Giang rất xúc động. "Tôi hiểu họ đã rất khó khăn khi phải sống giữa tâm dịch, đối diện với hiểm nguy bệnh tật, chết chóc. Nên khi họ vừa đặt chân về đất mẹ, tôi là người Việt Nam đầu tiên họ gặp, nên phải hân hoan, vui tươi chào đón, dành cho họ những tình cảm đẹp đẽ nhất", anh tự hào nói về công việc của mình.
Nguyễn Hoàng Mỹ, Trưởng phòng An ninh hàng không thuộc Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, cũng trực tiếp tham gia đón tiếp những chuyến bay giải cứu người Việt giữa đại dịch.
Làm trong ngành hàng không 13 năm, đây là lần đầu tiên anh Mỹ bắt gặp những hình ảnh thực sự xúc động. Ví dụ, một nữ nhân viên của phòng an ninh vừa vệ sinh khử khuẩn sau khi đón tiếp một đoàn bay. Xong việc, cô đang ăn dở ổ bánh mỳ thì nghe tin có một em bé sơ sinh đi cùng người thân lớn tuổi mà không có bố mẹ về. Nữ nhân viên này liền mặc đồ bảo hộ, thay khẩu trang, găng tay mới, và nhanh chóng đến hiện trường để chăm sóc và cho em bé uống sữa.
"Tôi thấy đó là tấm gương, là sự hết mình vì công việc, vì đồng bào của người trẻ. Dù cô ấy không thấy có gì bất thường, nhưng nam giới chúng tôi xem đấy là một hình ảnh khó quên trong những ngày này", anh Mỹ tâm sự.
Đồng cảm nhận, Ngô Thanh Tùng, nhân viên nam duy nhất trong tổ phục vụ hành khách, tuy không thực hiện đón tiếp tất cả các chuyến bay giải cứu người Việt từ vùng dịch, anh nhận thấy lần nào làm nhiệm vụ cũng rất đặc biệt.
Khi dịch bệnh hoành hành tại Trung Quốc, anh Tùng được phân công đón hành khách từ Vũ Hán. Tiếp đó là chuyến bay đặc biệt từ Incheon về khi Hàn Quốc trở thành ổ dịch lớn thứ hai châu Á, và chuyến từ London (Anh), Paris (Pháp) và Frankfurt (Đức) khi dịch bùng phát tại châu Âu.
Lên mạng xã hội để theo dõi, anh thấy nhiều phản ứng, hành xử trái chiều về các chuyến bay đưa người Việt về nước. Nhưng anh nhận định rằng, nhờ có những chuyến bay đặc biệt này, bản thân mới cảm nhận được tình quê hương của những người Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài, họ tha thiết mong về đất mẹ ra sao.
"Có những hành khách vì niềm vui trở về đã quên cả hành lý mang theo. Chúng tôi đã liên hệ để trao lại hành lý và họ đã nói những lời cảm ơn khiến chúng tôi rất xúc động", nam nhân viên chia sẻ.
Anh còn nhớ cả những em bé sơ sinh trở về với người thân, không có bố mẹ bên cạnh trên chuyến bay giải cứu công dân từ Hàn Quốc. Bố mẹ của các em nhỏ phải ở lại nước ngoài vì mưu sinh. "Khi nhìn những ánh mắt trẻ thơ như vậy, tôi lại càng cố gắng thực hiện công việc nhanh chóng hơn, để các cháu bé có thể sớm đến khu cách ly an toàn và được chăm sóc tốt hơn", anh nói.
"Trải qua những lần tác nghiệp, chúng tôi thực sự đã chiến thắng nỗi sợ, và làm việc vui vẻ hơn", anh Tùng bày tỏ.
Nhân viên mặt đất này cho rằng nhiều đồng nghiệp có thể còn gặp khó khăn, vất vả hơn mình: "Có những hôm họ đã hoàn thành nhiệm vụ, lên xe trở về nhà nhưng khi được báo có chuyến bay sắp hạ cánh họ lập tức trở lại sân bay. Tuy nhiên, khi vào vị trí làm việc, chuyến bay lại bị hoãn. Mọi sự thay đổi đó, chúng tôi đều biết là tình huống cấp bách, và chấp nhận như lẽ tất yếu".
Từ đầu tháng 2 đến 23/3, sân bay quốc tế Vân Đồn đã đón 24 chuyến bay từ các vùng dịch trên thế giới, với tổng số 3.526 hành khách. Nhận định về công tác đón các chuyến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Âu về Việt Nam, ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cho rằng quy trình sân bay đang triển khai hoàn toàn tối ưu để tránh lây nhiễm chéo cho nhân viên và hành khách.
Hiện quy trình đón hành khách từ vùng dịch được thực hiện tại sân đỗ máy bay ngoài trời - môi trường thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo và không làm ảnh hưởng tới hoạt động của nhà ga. Xe bus lần lượt chở các hành khách từ bãi đỗ xa vào làm thủ tục: kiểm tra thân nhiệt, hoàn thành tờ khai y tế điện tử, thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan, lấy hành lý để lên các xe quân sự chở thẳng đến các khu vực cách ly. Ngay cả chi tiết nhỏ nhất như không cho khách dừng dọc đường đi toilet cũng được tính toán, sân bay phải làm toilet di động cho khách sử dụng...
Nếu có hai chuyến bay đến cùng một lúc, nhân viên mặt đất dựa trên nguyên tắc xong chuyến này mới tiếp chuyến kia, để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các chuyến. Quy trình ngày càng được tối ưu hoá, nên gần đây sân bay đã đón liên tiếp ba chuyến bay về từ châu Âu và chỉ mất khoảng hai tiếng để giải quyết xong mọi thủ tục.
"Điều tôi mong muốn lớn nhất để thực hiện các chuyến bay tốt hơn đó là làm sao có lịch bay cụ thể và sớm nhất có thể, để việc chuẩn bị dễ dàng hơn, tránh đột xuất vì hầu hết các lực lượng ở xa sân bay. Khi thông báo gấp thì tập trung lực lượng rất khó", ông Sáu mong mỏi.