Ảnh minh họa: TTXVN |
Người có tuổi nghề cao nhất, hơn 10 năm là Nguyễn Mạnh Bình, 39 tuổi, "giám đốc" của Xưởng dệt thổ cẩm Bình - Mạnh, khu Tân An, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Là người Kinh, nhưng ngay từ nhỏ Bình được sống trong sắc màu thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Mông, Dao. Chính sắc màu rực rỡ ấy đã cuốn hút đưa anh đến với cái nghiệp bây giờ.
Học nghề từ năm 1997, đến nay anh Bình đã đầu tư gần 600 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, mở lớp truyền dạy nghề cho bà con các dân tộc với ước mơ đưa nghề dệt thổ cẩm trở thành một làng nghề truyền thống ngay trên quê hương. Xưởng dệt của anh có 35 lao động làm việc ổn định, mức thu nhập từ 1-1,5 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, anh còn truyền thụ nghề tới các gia đình ở xã lân cận, giúp họ tăng thêm thu nhập.
Sản phẩm của anh giờ đã có mặt ở các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Tuyên Quang... Mặc dù việc kinh doanh sản phẩm thổ cẩm còn nhiều khó khăn, song anh Bình lạc quan: "Duy trì sản xuất để giữ và bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, để nó không bị mai một đi, đó là điều đáng quý giá nhất".
Cùng ở huyện Hàm Yên, anh Bàng Đức Trị, dân tộc Cao Lan, Phó chủ tịch HĐND xã Hùng Đức, cũng "mắc nợ" với nghiệp thêu dệt. Năm 2006, anh học nghề dệt thổ cẩm và thêu tay ở huyện Yên Bình (Yên Bái) rồi về truyền dạy cho người Dao trong thôn.
Thôn Xuân Đức có 104 hộ đều là đồng bào dân tộc Dao, trong đó có gần 70 hộ tham gia dệt thổ cẩm và thêu tay. Sản phẩm bà con làm ra khá đắt hàng. Một chiếc khăn tay cũng bán được 50.000 - 80.000 đồng, ga trải giường trên một triệu đồng.
Mặt hàng bán chạy nhất hiện nay là vỏ gối, túi khoác, túi đựng điện thoại di động, khăn tay. Anh Trị cho biết, các nhà hàng dân tộc ở Hà Nội thường lên đặt mua khăn tay, khăn trải bàn... với số lượng lớn, còn khách hàng ở Hà Giang thường đặt mua sản phẩm thêu hình cột cờ Lũng Cú, đem bán tại điểm du lịch, cửa khẩu Thanh Thuỷ hoặc bán sang Trung Quốc.
Anh Trị nhận được sự trợ giúp của Chi cục Hợp tác xã trong việc đầu tư trang thiết bị, mở lớp dạy nghề cho nhân dân trong xã. Cuối năm 2007, lớp dạy nghề dệt thổ cẩm và thêu ren đầu tiên cho 85 phụ nữ Dao thôn Xuân Đức được tổ chức. Anh Trị trực tiếp truyền dạy nghề cho bà con. Lớp học được hỗ trợ 35 khung cửi, 10 quay sa và kim, chỉ thêu, sợi dệt.
Ở Thượng Lâm (Na Hang), một cơ sở sản xuất kinh doanh hàng thổ cẩm do anh Hoàng Văn Nghinh làm Chủ nhiệm đã nổi tiếng khắp vùng. Anh Nghinh từ bỏ nghiệp võ vốn đã mang lại cho anh nhiều thành công lớn để trở về quê tìm cách khôi phục nghề trồng bông, dệt vải của người Tày.
Anh Nghinh tâm sự: "Kinh tế thị trường đang làm nghề dệt thổ cẩm ở Na Hang dần bị mai một. Ký ức về những cánh đồng bông trắng và dáng vẻ cần mẫn của những người bà, người mẹ, người em gái bên khung dệt đã trở thành động lực để tôi thực hiện ý định thành lập làng nghề thổ cẩm".
Một doanh nghiệp Canada đã đặt hàng trong 3 năm liền, trị giá trên 500 triệu đồng và một doanh nghiệp Nhật Bản đặt làm những tấm thổ cẩm có hoa văn hình người phụ nữ Tày bên nhóm tre. Có bạn hàng, anh Nghinh bắt tay vào các công việc, cùng cán bộ khuyến nông mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng bông; cùng hội phụ nữ thành lập các nhóm phụ nữ dệt thổ cẩm.
Anh đón nghệ nhân từ Mai Châu (Hòa Bình) về dạy trang trí hoa văn. Dù ở giữa núi rừng, anh Nghinh đã chủ động nối mạng lnternet và học cách vào mạng để khai thác, trao đổi thông tin và tìm kiếm đối tác làm ăn.
(Theo TTXVN)