"Trước đây, người ta vẫn nghĩ ‘săn đầu người’ chỉ đơn thuần là việc đi tổng hợp lại các hồ sơ ứng viên tiềm năng rồi gửi cho khách hàng. Tôi cũng đã từng nghĩ vậy khi chưa gia nhập Navigos Search. Chỉ đến khi trực tiếp tham gia làm việc, nhìn thấy những người tư vấn phải lắng nghe nhu cầu của khách hàng, rồi tìm kiếm hồ sơ phù hợp, trực tiếp gặp gỡ ứng viên để hiểu thêm về họ... tôi mới thấy đây không phải là một nghề đơn giản", chị Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành Navigos Search nhớ lại khoảng thời gian mới gia nhập ngành công nghiệp 'săn đầu người'.
Chị luôn nghĩ giá như mình và đội ngũ có thể chủ động hơn, thực sự hoàn thành vai trò là "nhà tư vấn" để đóng góp thêm giá trị cho khách hàng.
"Từ lúc đó, động lực của tôi tiếp tục dấn thân vào nghề là mình phải thay đổi định nghĩa về nghề, phải tạo ra một cái nhìn mới về nghề cho thị trường và cho cả bản thân những người 'thợ săn nhân tài'. Hiện tại, giá trị của nghề được nâng cao nhiều hơn khi chúng tôi trở thành người đồng hành để tư vấn chiến lược tuyển dụng gắn liền với kỳ vọng kinh doanh của khách hàng", nữ Giám đốc điều hành chia sẻ về kỳ vọng khi đến với nghề "săn nhân tài".
Khởi đầu một cách tình cờ, để rồi nhìn ra giá trị đích thực của nghề và quyết định gắn bó như một cơ duyên, không chỉ chị Phương Mai mà còn rất nhiều "thợ săn" khác cùng đang nỗ lực phát triển dịch vụ tư vấn tuyển dụng này tại Việt Nam.
Năm 2009, Trần Thị Kiều Oanh quyết định theo đuổi công việc "săn đầu người" cho một công ty tại TP HCM, sau gần 6 năm gắn bó và phát triển với vị trí trưởng nhóm kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Sau một năm theo đuổi nghề, Oanh dấn thân vào "săn" nhân tài cho nhóm ngành Công nghiệp - Sản xuất vì đặc trưng đa dạng và luôn luôn đổi mới của ngành. Oanh không có chủ định theo nghề, cũng chưa có trường lớp nào đào tạo chính quy công việc này. Cơ duyên tình cờ đến từ cuộc trò chuyện với một người quen đã trở thành bước ngoặt giúp Oanh chuyển đổi sang công việc "săn" nhân tài, hiện nay Oanh là Giám đốc khu vực miền Nam của Navigos Search.
"Nghề này rất hay, được gặp gỡ và tiếp xúc nhiều để hiểu nhu cầu, nguyện vọng của ứng viên, sau đó cũng có tiếp cận với khách hàng, kết nối hai nhu cầu với nhau", sự gợi mở khiến Oanh vừa tò mò vừa hào hứng. Chị không chần chừ thêm một chút nào nữa mà muốn đích thân trải nghiệm ngay.
Trong khi đó, tốt nghiệp ngành Nhật Bản học năm 2002, chị Ngô Thị Ngọc Lan làm việc suốt bảy năm tại các công ty nói tiếng Nhật với các vị trí như đảm bảo chất lượng sản phẩm (QA), nhân sự, tổ chức điều phối... Năm 2009, khi nhận được lời mời từ Navigos Search, chị hoàn toàn không có khái niệm gì về nghề "săn đầu người" - tức tuyển dụng nhân sự giỏi cho các doanh nghiệp.
Thời điểm đó, số lượng công ty trong lĩnh vực này tại Việt Nam rất ít. Nhận lời tham gia phỏng vấn nhưng chị không có suy nghĩ mình sẽ làm gì hay phát triển sự nghiệp như thế nào nếu theo đuổi con đường này.
Bước chân vào văn phòng ở Hà Nội, chị ấn tượng khi nhìn thấy mức độ chuyên nghiệp từ bàn làm việc, phong thái của nhân viên đến môi trường, văn hóa gần gũi. Buổi phỏng vấn càng củng cố cho quyết định mạo hiểm với công việc mới khi Lan nhìn thấy một số nét tương đồng của nghề này với các công việc trong quá khứ. Hơn nữa, quản lý trực tiếp nói tiếng Anh khiến chị hào hứng vì trước đó đa phần chỉ sử dụng tiếng Nhật. Sau ngày hôm ấy, Lan gật đầu.
Bắt đầu bằng sự tò mò, Lan và Oanh bước vào một hành trình mới không chỉ của riêng họ mà còn là cả thị trường tuyển dụng.
"Có khác biệt quá lớn về lượng kiến thức và những công việc, ngành nghề trên thị trường tôi chưa từng biết đến hay tiếp xúc bao giờ nên hoàn toàn không có khái niệm", chị hồi tưởng bài học nhớ đời. Thách thức hiểu biết sâu về các ngành nghề đòi hỏi chuyên viên phải tự mình học hỏi hàng ngày chứ không phải hàng tháng bởi mỗi ngày họ phải tiếp xúc với rất nhiều cái mới đòi hỏi kỹ năng học hỏi nhanh và với cường độ lớn. Ở thời điểm chưa bùng nổ "săn đầu người" như hiện nay, lượng khách hàng của Navigos Search đã rất lớn bởi có uy tín và lâu năm trong ngành. Quy mô đa dạng ở cấp độ lĩnh vực, ngành nghề, quốc tịch và tính chất công việc, có lúc Lan cảm thấy bị mất phương hướng vì không nắm bắt được khách hàng muốn gì.
Phải mất vài tháng, trải qua đủ mọi "quả ngọt, trái đắng" trong nghề, nữ nhân viên mới quen dần với công việc và cảm nhận mình yêu trải nghiệm này đến không muốn rời. Với vai trò người kết nối ứng viên và khách hàng, Lan có nhiều cảm xúc khi giúp ứng viên tìm được công việc phù hợp, thậm chí là thay đổi cuộc sống của họ từ chính lựa chọn đó. Bản thân chị cũng thấy sự phát triển của khách hàng bằng lựa chọn chính xác khi được giới thiệu ứng viên tốt.
"Có công ty thay đổi ngoạn mục, lột xác hoàn toàn bằng những ứng viên trọng yếu ở vai trò giám đốc vùng hay vực dậy cả một tổ chức, đưa doanh nghiệp đến thành công đáng ngưỡng mộ trên thị trường ở vai trò CEO", chị chia sẻ.
Những ngày đầu của Oanh cũng không khác Lan là mấy. Mọi thứ đều mới mẻ, từ tìm kiếm khách hàng, chốt hợp đồng, nhận đặt hàng vị trí cần tuyển, kiểm tra yêu cầu của công việc, các chế độ chính sách của doanh nghiệp, nguyện vọng của sếp trực tiếp về vị trí này hay thậm chí là tính cách của ứng viên. Với hai nguồn dữ liệu từ trực tuyến (online) và phi trực tuyến (offline), chuyên viên phải sử dụng các mối quan hệ, kỹ năng tìm người để gặp gỡ ứng viên, xác định lại một lần nữa xem ngoài kinh nghiệm thì ứng viên có phù hợp về tính cách hoặc môi trường văn hóa ở công ty mới hay không. Bước tiếp theo là viết báo cáo về chân dung ứng viên với mô tả cụ thể về những điểm phù hợp với yêu cầu của khách hàng, tính cách và nguyện vọng của họ hay vì sao lại đề xuất ứng viên ấy.
Trong báo cáo chi tiết, Oanh liệt kê theo từng ứng viên tiềm năng, ai là lựa chọn số một hay số hai. Chuyên viên tư vấn tuyển dụng cũng sắp xếp cuộc phỏng vấn, chờ phản hồi của khách hàng và điều chỉnh hướng tuyển ứng viên nếu chưa tìm được người phù hợp chứ không chờ để thuyết phục chỉ một ứng viên. Ngay cả khi ứng viên đã được tuyển thành công, Oanh vẫn tiếp tục đồng hành để đánh giá mức độ hài lòng của cả hai bên.
"Nói đơn giản công việc của chúng tôi là tìm khách hàng có nhu cầu và dựa vào đó tìm ứng viên phù hợp để kết nối", chị cho biết.
Ở Navigos Search còn có mảng dịch vụ thuê ngoài quy trình tuyển dụng, gọi tắt là RPO. Lúc này, công ty "săn đầu người" trở thành đối tác tuyển dụng của một công ty, thường tập trung vào những nhiệm vụ tuyển dụng lớn trong khoảng thời gian ngắn. Hầu như công ty nào cũng có bộ phận nhân sự và tuyển dụng nhưng cũng có đơn vị mở rộng sản xuất, mới xây nhà máy, nhận đầu tư nước ngoài hoặc startup mới gọi vốn thành công và phải mở rộng đội ngũ nhanh thì lúc này sẽ cần đến RPO. Giám đốc điều hành Nguyễn Phương Mai cho biết ngoài kỹ năng tìm kiếm, kết nối, gặp gỡ để hiểu ứng viên thì chuyên viên tư vấn cần phải thực hiện các hoạt động khác như tổ chức sự kiện, tiếp thị số để tìm kiếm các nguồn ứng viên từ trên mạng. Chuyên môn của RPO càng phải đòi hỏi có chiều sâu bởi lúc này họ ở vị trí như một nhân sự nội bộ của khách hàng, tức phải tương tác với các bộ phận khác nhau dù ngồi ở xa hay thậm chí là đến công ty khách hàng ngồi cùng. Việc có thể hòa nhập về văn hóa, giao tiếp và hợp tác cùng các bộ phận, chức năng để có thể tuyển dụng cho khách hàng là một trong các tiêu chí quan trọng.
Oanh đánh giá thử thách và khó khăn của nghề nằm ở khả năng tự học và tự tìm hiểu rất nhiều. Chị cũng rèn luyện được thêm những kỹ năng khác như tiếp nhận - truyền đạt thông tin, đặt câu hỏi - khai thác những vấn đề hay thông tin nào đó, phân tích - giải quyết vấn đề hay giao tiếp, đàm phán và thương lượng. Theo Oanh, yếu tố đóng vai trò then chốt là chuyên viên tư vấn tuyển dụng phải có khả năng chủ động học hỏi và kiên trì. Nhiều người không có kinh nghiệm nhưng chịu khó, nhạy nắm bắt thông tin, xử lý tình huống cũng như đam mê ngành tuyển dụng đều có khả năng thành công cao.
Năm 2014, Oanh chuyển sang làm việc tại Navigos Search với vai trò trưởng nhóm ngành Công nghiệp - Sản xuất. Chị đánh giá lĩnh vực này bao gồm nhiều ngành con nên sẽ học được nhiều cái mới, công việc không lặp đi lặp lại.
Oanh không quên cảm giác lâng lâng khi giúp được các ứng viên đang thất nghiệp khiến họ cảm kích vì có thể trang trải cho cuộc sống. "Có lần tôi giới thiệu công việc cho ứng viên người Philippines đang thất nghiệp và phải nuôi vợ con, khi thành công anh rất mừng và cảm ơn rối rít. Làm được việc này tôi cảm thấy rất vui và đó là một trong số những động lực khiến tôi gắn bó lâu với nghề", chị chia sẻ.
"Không phải lúc nào chúng tôi cũng tuyển dụng thành công mà cũng có không ít thất bại", Lan kể. Nhiều năm trước, thời điểm mới bắt đầu vào nghề, chị tự nhận mình ở trong tâm lý thích đi khuyên bảo, thuyết phục người khác. Khách hàng là công ty đa quốc gia với tên tuổi lớn trên thị trường cần tìm Giám đốc cho nhà máy. Một ứng viên chấp nhận đề nghị vì ở công việc hiện tại anh không có cơ hội phát triển lên cao. Tuy nhiên, khi khách hàng đã quyết định chọn ứng viên này thì anh được mời ở lại công ty đang làm việc với mức lương cao hơn. Lan đã thuyết phục ứng viên rằng anh muốn tìm công việc vị trí cao nhưng sẽ dậm chân tại chỗ nếu không thay đổi. Chị dùng mọi lý do như công việc hấp dẫn, công ty mới đang trên đà phát triển và có tiếng vang trên thị trường, bất kỳ người giỏi nào cũng muốn gia nhập. Cuối cùng, ứng viên đã nhận lời.
Lan đinh ninh mình sẽ giúp ứng viên thay đổi cuộc sống và đáp ứng đúng nguyện vọng của anh. Trên thực tế, mọi thứ đều như chuyên viên tư vấn chia sẻ nhưng sự khác biệt về môi trường, văn hóa làm việc hoàn toàn khác so với công ty cũ khiến ứng viên quyết định từ bỏ công việc chỉ sau hai tháng ngắn ngủi. "Tôi cảm thấy hối hận dù ứng viên không trách móc gì về mình", chị mô tả cảm xúc và thừa nhận vì mình chưa tìm hiểu kỹ công ty khách hàng, không biết đặt câu hỏi cho ứng viên mà chỉ chăm chăm thuyết phục bằng cách vẽ ra một bức tranh màu hồng về những gì mình biết. Bài học sâu sắc của Lan là luôn phải cố gắng tìm hiểu tất cả các mặt của doanh nghiệp. Hơn hết, chị tránh thuyết phục ứng viên mà luôn cung cấp đầy đủ thông tin cụ thể, khai vấn để ứng viên là người đưa ra lựa chọn cho bản thân.
"Nhà tư vấn là người kết nối, mang lại cơ hội cho khách hàng, ứng viên, biết đặt câu hỏi để cả hai bên tự đưa ra câu trả lời", đút rút giúp Lan ngày càng hoàn thiện trong vai trò chuyên viên và không bao giờ cảm thấy hối hận vì tư vấn nhầm cho ứng viên thêm một lần nào nữa.
"Săn đầu người" không phải là nghề quá khó vì không yêu cầu phải có chỉ số thông minh xuất sắc hay giải được những phương trình phức tạp. "Nhưng không dễ để thành công", chị chiêm nghiệm bởi thất bại là chuyện thường gặp của công việc và nếu lúc ấy bỏ cuộc thì sẽ không bao giờ có được những thành công tiếp theo. Thành quả chỉ đến sau vài ba năm, lúc chuyên viên "săn nhân tài" đã vượt qua những cuộc "thử lửa" cam go, khắc nghiệt và vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng, không bỏ cuộc dù khó khăn đến đâu chăng nữa.
"Ở Navigos Search có rất nhiều nhân tài bởi yêu cầu đầu vào tuyển dụng rất cao nên từ nhân viên từng bước tiến đến vị trí quản lý như hiện nay tôi nghĩ là do mình kiên trì và đã có nhiều người xuất sắc nhường lại vị trí cho mình vì họ đã lựa chọn một chân trời hay công việc khác", Lan khiêm tốn chia sẻ.
Giám đốc điều hành Navigos Search Nguyễn Phương Mai cũng đồng thuận rằng sự kiên trì và vững vàng vừa là thách thức, cũng vừa là cám dỗ không dễ vượt qua khi theo đuổi công việc này. Đó là khi tư vấn viên làm tốt và khách hàng muốn mời họ về làm việc. "Tôi xem đó là chuyện bình thường trong kinh doanh, thậm chí khi nhân viên của tôi được ‘săn đón’ nhiều thì nếu nhìn một cách tích cực chứng tỏ các bạn ấy thực sự giỏi trên thị trường. Nếu đào tạo được người giỏi để họ đi ra bên ngoài thì cùng đồng nghĩa mình đã giúp phát triển thị trường tuyển dụng tốt hơn. Mặt khác, có những bạn trước đây là nhân viên của mình, khi đã đi qua công ty khác, vì họ đã biết dịch vụ của Navigos Search thế nào nên các bạn còn đề xuất công ty chọn chúng tôi là đối tác, chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ tốt và mang lại lợi ích cho đôi bên", "nữ tướng" chia sẻ quan điểm.
Để giúp nhân viên xây dựng tâm lý vững vàng, ngay khi về tiếp quản vị trí Giám đốc điều hành năm 2014, chị Mai xây dựng môi trường văn hóa hỗ trợ, tạo bước tiến nghề nghiệp cho từng tư vấn viên. Bản đồ sự nghiệp của mỗi người được vẽ ra rõ ràng để ai cũng thấy được quá trình phát triển của bản thân, không đơn thuần là các con số, vị trí cao hơn mà còn là tích lũy những kỹ năng sống, xây dựng thương hiệu cá nhân và nhà tư vấn chuyên nghiệp cho khách hàng.
Hiroaki Shibata, Quản lý cấp cao mảng tuyển dụng cho doanh nghiệp Nhật tại Navigos Search đánh giá nghề "săn đầu người" có tiềm năng lớn tại Việt Nam. Riêng ở mảng doanh nghiệp Nhật của anh chứng kiến lượng khách hàng lớn bởi đầu tư trực tiếp (FDI) của quốc gia này vào Việt Nam rất cao. Nhiều startup muốn mở công ty tại Việt Nam đã tìm đến đội ngũ của anh. Hiroaki Shibata có thể làm việc đồng điệu cùng nhiều khách hàng nhưng về mặt ứng viên, anh cần các đồng sự người Việt vì không thể nói tiếng Việt và chưa am hiểu văn hóa bản địa. Việc này tạo thành một mắt xích quan trọng trong tập thể Navigos Search - khi mọi người hỗ trợ đắc lực cho nhau với cùng mục tiêu là giúp khách hàng thành công trong tuyển dụng người phù hợp với các vị trí công việc, đặc biệt là các vị trí cấp cao.
Quản lý cấp cao người Nhật vẫn nhớ rõ câu chuyện một khách hàng muốn mở văn phòng mới tại Việt Nam và cần tuyển rất nhiều vị trí. Anh trao đổi kỹ về các yêu cầu và mô tả công việc phù hợp. Chỉ trong ba tháng, với sự phối hợp trơn tru trong nội bộ Navigos Search và khách hàng, họ đã tuyển được bảy vị trí quản lý và giúp khách hàng phát triển việc kinh doanh tốt đẹp. Hiroaki Shibata xem đó là thành công của cả tập thể.
Theo Giám đốc khu vực miền Bắc - Ngô Thị Ngọc Lan, Navigos Search có cơ chế giúp mọi người có thể học hỏi và phát triển tốt hơn để không tạo ra sự nhàm chán. "Thường thì khi làm mãi một công việc, bạn sẽ khó giữ được ‘lửa’ nếu gặp đâu đó những trắc trở. Công ty tạo cơ hội cho nhân viên phát triển qua những vị trí, mảng công việc mới để luôn thấy tươi mới, bản thân tôi cũng vậy".
Tất cả những giá trị nòng cốt về mặt nhân bản đã níu giữ Lan ở lại công ty sau một thập kỷ mà chưa bao giờ có ý nghĩ rời đi dù ở bên ngoài là rất nhiều những lời mời chào hấp dẫn. "Tôi luôn tự hỏi những thứ có vẻ rất hào nhoáng ngoài thị trường kia có chắc là những gì mình thực sự mong muốn hay không". Đứng trước câu hỏi ấy, Lan nhận ra rằng vị trí lên càng cao thì những thứ liên quan đến giá trị vật chất không phải là yếu tố tiên quyết nữa. "Điều mà tôi quan tâm là ý nghĩa của công việc và giá trị mình có thể đóng góp cho công việc hay doanh nghiệp đó".
Công việc của một chuyên viên "săn đầu người" nhiều áp lực nhưng Lan cho rằng không đến mức phải hy sinh gia đình cho sự nghiệp. Một trong những tiêu chí của Navigos Search mà chị tự hào là tạo điều kiện cho nhân viên phát triển, đồng thời cân bằng với cuộc sống riêng. "Chưa bao giờ nhân viên hay bản thân tôi cảm thấy không có thời gian cho cá nhân hay gia đình, tất cả đều do mình sắp xếp và là do sự lựa chọn của mỗi người. Với các bạn mới vào thì bắt buộc phải dành nhiều thời gian hơn để làm quen quy trình nhưng các bạn cũ thì mọi thứ sẽ nhanh hơn bởi sự quen thuộc", chị cho biết.
Là công ty hàng đầu về tìm kiếm nhân sự giỏi cho các doanh nghiệp, nên Navigos Search rất chú trọng phát triển về con người. Nhân viên nào gặp khó khăn không chỉ về công việc mà bất cứ vấn đề gì ở cuộc sống cũng có thể nhận được sự hỗ trợ. Giám đốc điều hành Nguyễn Phương Mai từng dành ba ngày liên tiếp gác lại tất cả công việc chuyên môn và dành trọn vẹn để nhân viên đặt hẹn gặp gỡ "một - một", trao đổi thân tình về bất cứ chủ đề gì, kể cả chuyện gia đình, cuộc sống riêng. Với chị, đó là cách để thấu hiểu và đồng hành cùng đội ngũ của mình. Còn với nhân viên, đó là cơ hội tìm cách tháo gỡ những khúc mắc để cuộc sống nhẹ nhàng, bớt áp lực hơn. Ở đây, sếp và nhân viên không có khoảng cách, họ không ngại ngùng tìm đến nhau vì mục tiêu có một cuộc sống tốt hơn, có giá trị hơn cho xã hội.
Hạnh phúc của nữ giám đốc chỉ đơn giản là lúc đưa ra lời tư vấn nào đó giúp khách hàng giải quyết được vấn đề. Hay là khi giúp nhân viên giải quyết chuyên môn, hướng dẫn kỹ năng và thấy họ tiến bộ. "Có hôm, vừa kết thúc buổi họp với khách hàng, nghe nhân viên kể họ hạnh phúc vì tự thấy bản thân phát triển hơn, ngày càng được khách hàng tin tưởng thì tôi không ngủ được vì vui", khóe mắt chị Mai ngấn lệ khi kể về niềm hạnh phúc giản đơn của một người trân trọng và yêu quý công việc mà mình theo đuổi.
"Khi tham gia vào các buổi gặp gỡ với khách hàng, lắng nghe về các dự định phát triển kinh doanh của họ, tôi thấy giá trị của nghề được nâng cao nhiều hơn khi mình đóng vai trò tư vấn chiến lược tuyển dụng gắn liền với kỳ vọng kinh doanh của họ", chị Mai chia sẻ về kỳ vọng khi đến với nghề. Với nền tảng là một cộng đồng tương hỗ lẫn nhau, chị Mai kỳ vọng trong 2-3 năm, Navigos Search sẽ được biết đến là một nhà cung cấp giải pháp nhân sự chứ không dừng lại ở "săn đầu người" như hiện tại. Điều này có nghĩa khách hàng chỉ cần đến đây, tất cả các vấn đề về nhân sự như tuyển, giữ và phát triển đều được giải quyết. Và khi đó, công việc của chuyên viên "săn đầu người" không chỉ đơn thuần là tìm nhân tài nữa.
Nội dung: Trương Sanh
Thiết kế: Đức Trần
Hình ảnh: Hữu Khoa