Những người đồng cảm với anh Trường cho biết vì kiểu thời tiết này mà họ khổ vì các bệnh hô hấp. "Cái mũi và họng không lúc nào được bình thường. Nhà cửa nhớp nháp đổ mồ hôi. Quần áo không biết mặc cái gì vì thiếu nắng mà luôn ẩm và hôi", một người bình luận.
Những ngày qua trên các mạng xã hội liên tục xuất hiện những lời phàn nàn của người dân thủ đô vì thời tiết nồm ẩm. "Đi đâu không biết, nhưng cứ vừa về tới Hà Nội là hắt hơi, sụt sịt, vài hôm là khó thở", chị Đặng Hà Anh, 49 tuổi, giáo viên Trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình nói.
Bố chị qua đời vì bệnh phổi. Mấy năm nay mẹ chị cũng bị các bệnh liên quan đến mũi họng. Bác sĩ nói mức độ hen của chị dễ nguy hiểm tính mạng, dù uống thuốc và cẩn trọng trong sinh hoạt, nhưng cứ khỏi vài hôm lại tái và thường xuyên được yêu cầu nhập viện.
Năm 2016, Hà Anh sang Hàn Quốc công tác ba tháng và nhận ra các bệnh da và mũi của mình biến mất. Lúc đó chị mới thực sự nhận thức khí hậu và môi trường sống ở Hà Nội ảnh hưởng tới sức khỏe của mình.
Không lâu sau, một người bạn thân lựa chọn Cam Lâm, Khánh Hòa làm nơi nghỉ hưu đã truyền cảm hứng cho chị thay đổi môi trường sống. Năm 2022, gia đình chị chia tay Hà Nội, chuyển vào đây.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Khắc Trưởng, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết thời tiết nồm ẩm làm con người dễ bị viêm đường hô hấp hơn. Các bệnh liên quan đến đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới gia tăng như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản. Những ngày gần đây Bệnh viện ghi nhận số lượng bệnh nhân tới khám hô hấp tăng 30%.
Theo ông, nồm ẩm kết hợp với ô nhiễm không khí sẽ làm cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn, có thể dẫn viêm phổi. "Cả người lớn và trẻ em đều bị tác động tiêu cực bởi kiểu thời tiết này", bác sĩ nói.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết Hà Nội đang trải qua kiểu thời tiết tương đối điển hình của mùa đông xuân miền Bắc, với nhiệt độ thấp, độ ẩm cao trên 90%, gió lặng làm bụi lơ lửng trong không khí không được khuếch tán và rửa trôi.
Các chỉ số quan trắc cho thấy nồng độ bụi mịn PM 2.5 cao và chỉ số chất lượng không khí (AQI) liên tục ở mức rất xấu. Từ đầu mùa đông tới nay, nhiều ngày Hà Nội dẫn đầu thế giới về chỉ số ô nhiễm không khí, vượt cả các điểm nóng của thế giới như thành phố Lahore (Pakistan) hay và Dhaka (Bangladesh). Gần nhất hôm 4/3, chỉ số của IQAir (một ứng dụng theo dõi chất lượng không khí) cho thấy Hà Nội một lần nữa đứng đầu bảng ô nhiễm.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia cho biết nồng độ bụi mịn PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội giai đoạn 2018-2020 vượt gần hai lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
"Thành phố đang phải đối mặt vấn đề ô nhiễm không khí, gây ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng và thiệt hại về kinh tế", báo cáo nêu, dẫn chứng trung bình mỗi năm Hà Nội có thêm hơn 1.000 ca nhập viện do bệnh tim mạch, gần 3.000 ca nhập viện do bệnh hô hấp, lần lượt tương đương 1,2% và 2,4% tổng số ca.
Báo cáo cũng chỉ ra giai đoạn 2011-2015 chi phí khám, chữa bệnh hô hấp, thiệt hại kinh tế do ảnh hưởng của chất lượng không khí kém tương đương 2.000 tỷ đồng một năm.
Những năm qua tiến sĩ Tùng đã chứng kiến không ít người chuyển nơi sinh sống khỏi Hà Nội do sức khỏe ngày một xấu đi. "Đằng sau những quyết định chia tay Hà Nội là một nguyện vọng tha thiết được sống trong bầu không khí trong lành. Tôi tin nếu giải quyết được vấn đề không khí ô nhiễm, mùa nồm sẽ bớt khắc nghiệt hơn", ông nói.
Ông Lê Quang Bình, điều phối viên mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống khẳng định bốn mùa xuân, hạ, thu, đông hay thêm mùa nồm nữa là chu kỳ tự nhiên, con người không thể thay đổi. Nhưng cái con người có thể thay đổi là những tác nhân gây ô nhiễm không khí.
"Những người phải rời khỏi Hà Nội là do sự gây hại của khí hậu và môi trường đến sức khỏe đã vượt quá lợi ích, tình yêu và sự gắn bó với thành phố họ sinh ra, lớn lên. Đây là chỉ dấu cho thấy chúng ta cần thay đổi", ông Bình nói.
Theo ông, ở cấp vĩ mô thành phố cần gìn giữ và mở rộng diện tích cây xanh. Việc di dời các khu công nghiệp ra khỏi đô thị là chính sách đúng nhưng thay vì xây chung cư thương mại nên ưu tiên các tiện ích công cộng. Việc phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo như Hà Nội đang làm cũng là một hướng đi đúng, bên cạnh đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng cũng như cải thiện mạng lưới giao thông công cộng.
Là một người Hà Nội gốc nhưng anh Lâm Nguyễn, 40 tuổi, đang chuẩn bị cuộc di cư thứ hai. Năm 2020, anh rời khỏi một khu đô thị ở cửa ngõ phía đông thành phố đến Đại Lải (Vĩnh Phúc), cách một tiếng lái xe.
"Tôi quyết định chia tay Hà Nội là khi thấy sức khỏe giảm rõ rệt, ngủ dậy mệt mỏi, nặng đầu. Đi khám tôi bị chóng mặt ngoại vi, một bệnh do môi trường gây ra. Bên cạnh đó bệnh viêm mũi dị ứng có xu hướng nặng hơn khi trời nồm", anh nói.
Thời điểm đó anh đang là phó khoa tại một trường đại học lớn nhưng vẫn quyết định nghỉ để "bỏ phố về rừng". Ba năm sống ở đây anh đỡ nhiều viêm mũi dị ứng và cải thiện các vấn đề sức khỏe khác. Con trai khỏe hơn và cả nhà không ai thành F0 trong thời dịch.
Anh Lâm quyết định xa Hà Nội hơn nữa. "Vào mùa rét và nồm ẩm thế này vẫn cần đi nơi khác", anh nói và cho biết cuối tháng 3 sẽ vào Quy Nhơn sống thử một thời gian.
Chị Hà Anh cũng quyết định an cư ở Nha Trang sau một thời gian sống ở đây thấy sức khỏe chị và mẹ đều cải thiện. "Vốn dĩ tôi định cố thêm hai năm nữa mới nghỉ hưu nhưng suốt những ngày qua các vấn đề sức khỏe lại trầm trọng nên hè này tôi sẽ nghỉ luôn", chị nói.
Đạo diễn Ninh Quang Trường cho biết anh khó chia tay Hà Nội vì nhiều lý do nhưng có một việc trong khả năng và có thể làm ngay để thành phố đáng sống hơn "đi xe đạp, đi xe công cộng và đi bộ nhiều hơn".
Phan Dương