Xi Xiaoxin, 35 tuổi, chưa từng nghĩ bản thân sẽ khó thụ thai. Cô lấy chồng năm 2012 và thời điểm đó, mọi việc Xi muốn làm là du lịch khắp thế giới cùng chồng. Sau ba năm vui chơi, hai người tính đến chuyện có con, nhưng lúc này mới phát hiện mang thai là chuyện vô cùng khó khăn.
"Gần đây tôi mới nhận ra có con khó thế nào", Xi nói. Cô là một trong hàng trăm nghìn phụ nữ Trung Quốc ở thành thị đang chật vật vì vô sinh. Giống như nhiều thành phố lớn trên thế giới, tình trạng phụ nữ Trung Quốc trì hoãn việc làm mẹ ngày càng phổ biến bởi phí sinh hoạt đắt đỏ, thời gian làm việc dài, chính sách thai sản không thân thiện và chi phí chăm sóc trẻ em cao. Một số chuyên gia cho rằng các yếu tố môi trường như ô nhiễm cũng là một tác động gây vô sinh, đặc biệt với nam giới.
Nhưng câu chuyện vô sinh không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân, mà tới cả quốc gia. Tỷ suất sinh con của Trung Quốc năm 2017 ước tính là 1,6 trẻ/một phụ nữ, tương đương Canada nhưng thấp hơn Mỹ và Anh. Tỷ lệ này thấp hơn so với tiêu chuẩn 2,1 cần thiết để giữ dân số ổn định, theo The World FactBook – tài liệu cung cấp thông tin về lịch sử, con người, chính phủ, kinh tế thế giới của Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA).
Các nhà chức trách Trung Quốc muốn tăng tỷ lệ sinh, nhưng kim tự tháp dân số của nước này đang lộn ngược, số người trong độ tuổi lao động đang ít dần so với người hết độ tuổi lao động. Chính phủ Trung Quốc đang quyết tâm đảo ngược tình trạng này, bằng cách thay đổi mạnh mẽ chính sách dân số vốn có truyền thống giữ tỷ lệ sinh thấp. Năm 2015, Trung Quốc xóa bỏ chính sách một con tồn tại trong nhiều thập niên và năm nay, Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình – cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện chính sách trên, đã bị giải thể.
Quyết định cho phép mỗi gia đình sinh hai con đi cùng với nhu cầu gia tăng về điều trị khả năng sinh sản ở phụ nữ lớn tuổi. Xi và chồng không hề nghĩ về việc làm bố mẹ khi còn trẻ.
"Cho tới vài năm nay, mỗi khi nhìn thấy bố mẹ đang già đi, tôi lại lo lắng rằng trong tương lai, họ sẽ rất buồn và cô đơn vì không có cháu để bế bồng", Xi nói.
Trung Quốc không công bố dữ liệu chính thức về tỷ lệ vô sinh ở nước này. 6 năm trước, một báo cáo của Hiệp hội Dân số Trung Quốc cho biết vô sinh đang ảnh hưởng tới 40 triệu đàn ông và phụ nữ nước này. Vô sinh không được coi là vấn đề nghiêm trọng ở khu vực nông thôn, nơi người ta thường kết hôn sớm.
Phoebe Pan điều hành một nhóm giúp đỡ phụ nữ điều trị vô sinh trên WeChat, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc.
"Tôi biết rất nhiều phụ nữ Trung Quốc đang choáng váng bởi cái gọi là vô sinh và các vấn đề liên quan", Pan cho biết. Cô thường xuyên viết bài chia sẻ kinh nghiệm điều trị hội chứng buồng trứng đa nang của bản thân. Đây là một vấn đề liên quan tới hormone có thể dẫn tới hiện tượng vô sinh ở phụ nữ. Theo Pan, tuổi tác là nguyên nhân chính gây ra vấn đề này.
Sự kỳ thị của xã hội Trung Quốc cũng là một yếu tố. Nhiều phụ nữ tâm sự với Pan rằng rất xấu hổ khi nghĩ tới việc bàn luận về vô sinh với gia đình và bạn bè. Nỗi xấu hổ này gây ra sự thiếu nhận thức về tình trạng bệnh của phụ nữ Trung Quốc trẻ.
Xi đã thử vô số cách điều trị vô sinh trong ba năm nay, từ uống thuốc bắc đắng nghét trong ba tháng, tiêm thuốc rụng trứng trong ba tháng và phẫu thuật nội soi tử cung. Năm nay, cô quyết định thử phương pháp thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm (IVF) trong một bệnh viên nhà nước. Phí điều trị có giá 4.700 USD, tương đương 4 tháng lương tại những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Loại hình chữa trị này không được bảo hiểm nhà nước thanh toán.
Cô nhận thấy quá trình điều trị ở các bệnh viện công rất khó chịu. Xi và chồng phải dậy sớm, tới bệnh viện khám hàng tuần và dành 4 giờ ở đó, đa số mất thời gian chỉ để xếp hàng.
"Thời gian thăm khám thực sự chỉ có 5 phút", Xi nói, lo lắng về chi phí thụ tinh.
Vô sinh là chủ đề của một chương trình thực tế mới có tên "Show Vô sinh UFO", đặt giả thiết trong tương lai, người ngoài hành tinh du hành tới Trái Đất qua vật thể bay không xác định (UFO) để tìm hiểu tại sao con người đang ngấp nghé bờ vực tuyệt chủng.
Chương trình bắt đầu phát trực tuyến tại Trung Quốc từ đầu năm nay, do bác sĩ Wei Siangyu thực hiện. Bác sĩ Wei từng thực hiện một chương trình tương tự có tên "Show tạo siêu em bé của bác sĩ Nhân Ái" ở Singapore. Trong tập đầu tiên, nhóm của Wei tới thăm một đôi vợ chồng ở Thượng Hải, cho họ lời khuyên về cách thụ thai. Lời khuyên bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, tập Thái Cực Quyền, sắp xếp lại phong thủy phòng ngủ và cách ly tiếng ồn. Những người dẫn chương trình cau mày khi mở tủ lạnh trong nhà và phát hiện nhiều đồ ăn cay nóng, có đường. Hai tập đầu tiên thu hút 46 triệu lượt xem trực tuyến, công ty của Wei cho biết.
Nhu cầu thực hiện IVF tăng cao ngày nay làm nổi bật mơ ước mà nhiều đôi vợ chồng từng bị cấm đoán trong hơn 30 năm. Tính đến năm 2016, chỉ có 451 bệnh viện ở Trung Quốc được chính phủ cho phép thực hiện IVF, tương đương 3,3 cơ sở cho mỗi 10 triệu người Trung Quốc, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Công nghiệp Qianzhan. Báo cáo ước tính khoảng 800.000 phụ nữ và đàn ông không được tiếp cận với các phương pháp điều trị vô sinh đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, tỷ lệ thành công tại các bệnh viện Trung Quốc không cao như ở nước ngoài vì công nghệ lạc hậu. Với tỷ lệ thụ thai chỉ 30 - 40%, Trung Quốc đang xếp sau các quốc gia như Mỹ, Thái Lan và Malaysia với tỷ lệ thụ thai 60 - 65%.
Điều này khiến nhiều người Trung Quốc lựa chọn ra nước ngoài điều trị vô sinh, mà Mỹ và Thái Lan là những lựa chọn hàng đầu. Tiến sĩ Hal Danzer, một chuyên gia sản phụ khoa ở Los Angeles, có đa số khách hàng là người Trung Quốc. Ông cho hay việc có con muộn không phải yếu tố duy nhất.
"Tôi thấy nhiều doanh nhân Trung Quốc làm việc 12 giờ một ngày, sáu ngày một tuần, chế độ ăn uống không khoa học. Họ bị thừa cân, nghiện thuốc lá, uống quá nhiều rượu bia. Tinh trùng yếu ớt", Danzer nói.
Fang, bác sĩ một bệnh viện công ở tỉnh Chiết Giang, người từ chối tiết lộ tên đầy đủ, điều hành một trong nhiều cửa hàng trực tuyến kinh doanh sản phẩm hỗ trợ sinh sản trên Taobao, mạng bán lẻ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Mỗi tháng, Fang bán được hàng chục nghìn gói ngâm chân thảo dược tự chế và nhu cầu về sản phẩm này vẫn tăng mạnh trong những năm nay, vượt qua dự tính của ông.
Dù Fang thừa nhận ngâm chân không phải phép thuật, nhưng ông cho rằng nó cải thiện sức khỏe tổng thể của khách hàng, và khiến việc mang thai dễ dàng hơn. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, bàn chân được coi là nơi cực kỳ quan trọng để duy trì sức khỏe.
Ngoài quan tâm đến y học cổ truyền, những người điều trị vô sinh còn quan tâm đến công nghệ tiên tiến như các ứng dụng theo dõi kỳ rụng trứng. Một ứng dụng hàng đầu ở Trung Quốc là Fengkuangzaoren (Điên cuồng tạo người), nó có biểu tượng con tinh trùng màu hồng trên mặt đồng hồ, cung cấp cho người sử dụng cách theo dõi nhiệt độ cơ thể, kỳ rụng trứng, kinh nguyệt, để tư vấn ngày dễ thụ thai nhất. Công ty phát triển sản phẩm này cho hay tính năng cốt lõi của nó là công cụ hỗ trợ thuật toán tính tổng chi phí và tỷ lệ thành công nếu thực hiện IVF, cũng như giới thiệu khách hàng tới những bệnh viện ở trong và ngoài nước.
Ứng dụng đã thu hút được 8 triệu người dùng và giúp đỡ 70.000 gia đình thành công trong 4 năm qua. Với tinh thần nỗ lực không ngừng, những phụ nữ như Xi sẽ không bao giờ từ bỏ hy vọng. Cô là một người dùng tích cực trên ứng dụng này, thành viên của 7 nhóm WeChat chia sẻ kinh nghiệm IVF. Xu chỉ mới bắt đầu kỳ điều trị IVF đầu tiên, và một con đường rất dài vẫn đang chờ đợi vợ chồng cô.
"Dù quá trình này gây căng thẳng và mệt mỏi, nhưng tôi tin rằng, dù còn một tia hy vọng, chúng tôi sẽ đi tới cuối con đường và sẽ có con khi kết thúc hành trình", Xi nói.
Hồng Hạnh (theo CNN)