![]() |
Võ Thị Thảo, sinh viên cao học chuyên ngành tâm lý học và tâm bệnh học tại trường Lyon lumière 2 của Pháp đã gửi cho VnExpress.net bài viết này để nói rõ hơn về hội chứng tự kỷ.
"Giới trẻ Việt Nam đang càng ngày càng lạm dụng cụm từ tự kỷ để gán mác vào chính bản thân mình, bạn bè hay một thành phần nào đó có chút biểu hiện của sự kỳ lạ, cô lập, ít nói, hoặc một chốc lát của biểu hiện cảm xúc buồn trầm, cô độc, hoặc đôi khi chả có gì, chỉ là trêu đùa, vì nó như thời thượng, mốt…
Tôi thuộc thế hệ giữa của 8x, tôi không còn quá trẻ, và cũng không phải là quá đi cái tuổi teen cập nhật thông tin hàng ngày. Bạn bè của tôi những người ít tuổi hơn, nhiều tuổi hơn một chút thi thoảng dùng cụm từ 'tự kỷ' một cách tùy tiện. Tuy nhiên tôi không bao giờ dùng nó dưới mục đích như vậy, tôi cũng nói với những người tôi gần gũi nhất, cảm thấy có thể nói được nhất là không nên dùng hai từ đó để trêu đùa – một cách chân thành nhất.
Chúng ta cần hiểu "tự kỷ" là gì?
Cụm từ "tự kỷ" được dùng ngày nay là chỉ một sự rối nhiễu về mặt cảm xúc của con người được nêu ra trong 3 nét chính:
- Không bình thường trong giao tiếp có ngôn ngữ và giao tiếp không ngôn ngữ ( giao tiếp không nói bằng lời như cử chỉ, ánh mắt, điệu bộ, …).
- Không bình thường trong những mối tương tác xã hội
- Sự tập trung chú ý hạn chế
Đây là những tiêu chuẩn được đưa ra lần đầu tiên bởi Lorna Wing (năm 1982 trong The handicaps of autistic children). Bạn cũng có thể tìm hiểu kỹ hơn trong bảng phân loại bệnh về tâm thần của Tổ chức y tế thế giới.
"Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ có thể xảy ra không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo và địa vị xã hội. Tự kỷ được thể hiện ra ngoài bằng các khiếm khuyết về tương tác xã hội, giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, hành vi, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại", (Theo chuyên trang tự kỷ của Liên hiệp quốc)
Bệnh này thường biểu hiện trước 3 tuổi. Đứa trẻ tự tách rời với thực tế và môi trường xung quanh. Đứa trẻ mới sinh không thể hiện rõ bệnh, hoặc có biểu hiện nhưng thực tế cha mẹ ít khi phát hiện ra nếu không phải là người có chuyên môn, nhưng từ tháng thứ 18 trở đi, cha mẹ và những người săn sóc cháu có thể thấy rõ các triệu chứng của bệnh.
Cho tới nay nguyên nhân bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhưng theo dự đoán thì nó bắt nguồn từ các yếu tố sau: rối loạn sinh hóa của cơ thể, dị dạng nhiễm sắc thể và một số hội chứng cần phải nghiên cứu thêm. Trong quá trình tìm các phương pháp chữa trị, ngày nay người ta đặc biệt chú ý về mặt trị liệu tâm lý.
Tự kỷ đáng chú ý vì con số người mắc được phát hiện tăng nhanh chóng ở các nước, và vì những khiếm khuyết của mình, người bệnh rất ít có khả sống và phát triển một cách độc lập, trở thành gánh nặng cho các gia đình.
Có thể thấy sự gia tăng này qua những con số. Chẳng hạn tại Pháp, theo thống kê thì bệnh tự kỷ có vào khoảng 100.000 người mắc bao gồm cả trẻ em và người lớn, 3/4 trong số đó là nam giới. Con số này chỉ là ước tính trong thực tế.
Ở Maroc có khoảng 60.000 bệnh nhân tự kỷ. Còn theo Cơ quan kiểm soát và Phòng bệnh Mỹ, cứ 110 trẻ em nước này thì có một em mắc tự kỷ (năm 2009). Cứ 50 gia đình thì có một gia đình có trẻ bị bệnh.
![]() |
Người tự kỷ có tất cả các biểu hiện của cả 5 dạng khuyết tật gồm nghe-nói, nhìn, thần kinh, trí tuệ, vận động. |
Tại Việt Nam, số trẻ được chẩn đoán tự kỷ cũng đang tăng mạnh từng năm, tuy chưa có báo cáo số liệu xã hội rõ ràng. Tuy nhiên tại nước ta, tự kỷ hay bị hiểu lầm là rối loạn thần kinh, cảm xúc, chậm phát triển trí tuệ, hoặc do chính những người chăm sóc gây nên.
Trong điều luật 3 của Luật Người khuyết tật Việt Nam, những dạng người khuyết tật được nêu ra (nghe, nói - nhìn - thần kinh - trí tuệ - vận động) không trùng với mô tả về người tự kỷ, mà thực chất người tự kỷ đều có ít nhiều của tất cả các dạng khuyết tật này.
Chăm sóc và dậy dỗ cũng như song hành với những người bệnh tự kỷ không phải là một điều dễ dàng, và không phải là điều được gọi là "hạnh phúc". Những gia đình có con, cháu, anh, chị em mắc bệnh tự kỷ đã cực kỳ vất vả để có thể hiểu được, có thể chăm sóc được, và yêu thương được con em mình. Yêu thương là từ được tôi viết ra đây bởi chúng ta cần dùng đúng từ và đúng nghĩa, con cái luôn cần được tình yêu thương của sự đùm bọc gia đình, bố mẹ, tuy nhiên những đứa trẻ, những người con "tự kỷ" của chúng ta mà chúng ta không biết nên yêu thương chăm sóc thế nào cho con như những người con bình thường khác. Nỗi đau là sự dằn vặt theo năm tháng cạnh con và yêu con, đấu tranh giữa sự vứt bỏ chán ghét vì sự kỳ lạ (về mặt tâm lý) nhưng ngược lại là bản năng yêu thương mẫu tử, của đồng loại, con người.
Tôi không dám dùng từ "hạnh phúc" bởi có hạnh phúc nào của cha mẹ khi nhìn đứa con thân yêu lớn lên một cách vất vả như vậy, tôi chỉ dùng từ này khi nụ cười của người mẹ người cha nhìn đứa con chơi một cách hồn nhiên, khi con được cha mẹ, người thân dạy cho biết nói một từ có nghĩa, khi đứa trẻ lần đầu biết vẽ một khuôn mặt người, hay lần đầu đứa trẻ quay lại thưa khi cha mẹ gọi… sự hạnh phúc tưởng như là tất yếu lại là kỳ tích với những người tự kỷ.
Những nỗi đau và những niềm vui luôn là sự thầm lặng, chúng ta không thể nói chúng ta tự hào vì con chúng ta, bạn chúng ta, anh chị em chúng ta bị bệnh này, nhưng chúng tôi cùng cố gắng hết sức mình để hiểu, để tôn trọng và để góp sức cùng với nỗi đau, niềm vui thầm lặng của chính bản thân họ, để họ cùng hòa nhập với chúng ta, thế giới nơi chúng ta cùng nhận biết. Chúng ta cũng không có cái quyền thương xót họ, vì chúng ta đều là con người công bằng với nhau, chỉ là một chút chậm lại, một chút kiên trì, một chút lắng nghe để chúng ta có cùng tiếng nói.
Võ Thảo