Sáng 18/10, người Lệ Thủy bắt đầu dọn nhà, cào bùn sau trận lụt từ ngày 6/10 thì mưa lại ập đến. Tới trưa, nước tràn vào nhà hơn một mét. Ở xóm Xuân Hội, xã Liên Thủy, ngư dân 46 tuổi Đặng Văn Tình hối hả ôm đồ đạc chăn màn lên lầu 2 của căn nhà đã không còn nhìn thấy tầng 1, thì nghe tiếng gọi "Ai cứu với!".
Nhà anh Tình cũng ngập gần như cùng lúc với chòm xóm, nhưng may mắn có tầng 2 và cái thuyền đánh cá sông. Nghe tiếng gọi lẫn trong gió rít, dù chẳng chỉ đích danh tên mình, cũng không rõ vọng lại từ đâu, anh Tình lập tức chạy xuống tháo dây neo thuyền đi tìm người cầu cứu.
"Đâu nờ?!", anh Tình vừa chèo thuyền, vừa ngoái cổ bốn bề kêu to, không dám nổ máy sợ lạc mất tiếng gọi. Mười phút sau, lấp ló giữa những ngọn cây xoan già đã lụt đến ngọn, Tình thấy cụ già và đứa nhỏ nhà hàng xóm ôm nhau trên bè, người bố ngụp nước đẩy bè, chỉ hở cái cổ. Anh Tình đỡ cả ba người, chở đến căn nhà 2 tầng gần đó trú lũ rồi quay đầu đón nốt vợ con họ.
Nổ thuyền xuôi về nhà, Tình nghĩ ngợi 5 giây, rồi quàng cái áo phao đi tiếp, không nghe rõ sau lưng lời vợ gọi với theo. "Mình không ngồi nhà hong khô chân trong cảnh này được", anh cười nói, bóp vụn gói mì tôm ăn tạm ngay trên thuyền, giữa những chuyến đò cứu hộ. Chiếc thuyền đi đánh cá sông hàng ngày được anh chuyển thành thuyền sơ tán dân, phát nhu yếu phẩm cho bà con vùng lũ.
Giữa biển nước Lệ Thủy, con thuyền như một chấm nhỏ lênh đênh chỉ chực bị nhấn chìm. Nhưng anh Tình lại thấy may, vì linh động, nhỏ bé mà thuyền luồn lách được vào từng con ngõ nhỏ cano không thể tiếp cận. "Có ai không?", tiếng anh ngân dài, đợi tiếng hồi đáp, hoặc chỉ là cánh tay nhô ra từ mái nhà vẫy lại.
Giữa những chuyến chở người đi sơ tán, Tình thấy vợ anh đi thuyền lướt qua mình. Chị Thủy dặn hai cậu con trai đứa lớp 10, đứa lớp 11, coi nhau, liệu cơm nước, rồi cũng nhảy lên một chiếc thuyền cứu trợ đi qua nhà. Giờ Tình mới hiểu, lúc mình rời nhà, lời vợ nói với theo là gì.
"Anh em qua Cam Thủy bên kia lộ, chở đồ ăn phát cho bà con đi!", chị Thủy nói rồi cùng chiếc thuyền chở theo trăm gói gạo, mì, sữa lao đi. Anh Tình và bạn cùng thuyền đổi hướng nhắm quốc lộ 1A mà đi, nơi nước lũ đã ngập gần một mét, cô lập toàn huyện từ mọi hướng.
Nhiều đoàn thiện nguyện kịp đến với Lệ Thủy theo con đường tránh ven biển, tập kết đồ cứu trợ tại những căn nhà còn chưa ngập. Hàng chục con thuyền của người dân quanh vùng như Tình, đã tập trung nhận đồ, rồi băng dòng nước đi tìm những bàn tay vẫy. Người bạn đi cùng chỉ tay vào một mảng trắng xám lô nhô giữa biển nước, nói nhỏ "nhà em chỗ kia kìa"...
5h chiều, khi Tình phát những gói đồ cuối trong ghe để về nhà, ánh đèn pin cùng tiếng ùng ục của động cơ chạy dầu vẫn sôi sục khắp các nẻo đường. Những chiếc tàu cá lớn hơn của ngư dân vẫn tiếp tục hành trình.
Tình chỉ một trong hơn 40 ngư dân tình nguyện tham gia cứu hộ, cứu nạn cùng công an và lực lượng phòng chống thiên tai ở Quảng Bình từ 21h đêm 18/10 đến ngày 20/10. Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy gọi họ là "nguồn lực vô giá" cho những ngày khó khăn đang trải qua.
Cũng trong nhóm ngư dân cứu trợ có anh Trần Văn Vỹ, 39 tuổi, cao chưa đầy 1,6 m, nhưng đôi mắt và những cái chai tay điển hình của những người lâu năm đi biển. Bảy năm theo tàu đánh cá ngừ đại dương, rồi dành tiền tậu tàu tự đi đánh cá, anh Vỹ nói chẳng sóng gió nào quật ngã nổi cái "con cá loi nhoi nhỏ thó" là mình.
Lũ về, dân Ngư Thủy Bắc dưới bờ biển không bị ngập. Vỹ neo thuyền cả nửa tháng trước nhà, nhưng cũng như đàn ông xứ này, chẳng mấy người chịu nổi cảnh ngồi yên. Tối 18/10, anh thuê xe tải chở thuyền quanh năm chở cá, có đôi mắt vẽ sáng quắc nơi đầu mũi, rồi hòa vào đám người như anh Tình, đi cứu hộ.
Vợ Vỹ không cản, còn vỗ vai chồng giục "Đồng bào gặp nạn ngay cạnh, mình không đi mà có chuyện chi, là lỗi mình đó. Ông đi luôn cho!". Đám phụ nữ ở nhà cũng rủ nhau sáng đi mua rau, nhà sẵn cá, sẵn gạo, ngày nấu vài trăm suất cơm, nhét thêm hộp sữa, chai nước rồi gói ghém cho các ông mang đi phân phát. Mấy bữa chồng về, kêu dân thiếu đồ mặc, rét run, các bà ở nhà lại chạy sang chòm xóm xin mảnh chăn, tấm áo, gấp gọn quấn 3 lớp nylon vứt lên theo tàu.
Chuyến sơ tán đầu tiên cũng là chuyến để lại nhiều ám ảnh cho Vỹ. Căn nhà ngói đêm ấy không một bóng thanh niên, chỉ có hai cụ già gần 80 tuổi, một người nằm liệt, đang thò tay qua mép nước gần chớm đỉnh cửa nhà, kêu cứu. Vỹ nhảy xuống nước, bơi vào nhà rồi mặc cho áo phao, cõng từng người, thoát ra ngoài theo mái ngói. "Nghĩ là cha, là mẹ mình, ai mà không xót?", anh nói.
"Lần đầu tiên trong lịch sử, dân đi biển kéo tàu lên cứu dân trên bờ", anh Vỹ cười lớn nói, vuốt khuôn mặt đẫm nước, so vai châm điếu thuốc hút rồi truyền tay qua cho anh em, tìm chút ấm giáp giữa trận mưa lạnh. Từng đối mặt với nhiều trận bão biển dữ dội hơn nhiều, nhưng Vỹ vẫn lắc đầu "thấy ớn" trận lụt này. Giữa biển chỉ có trai tráng, biển nước này còn bao nhiêu trẻ nhỏ, người già.
Đêm xuống, hội anh em ngư dân vẫn cố rọi đèn qua lại, hô lớn, mong không ai bị đói hôm nay. Những chiếc tàu đi qua nhau, giữa tiếng xuồng chạy, dưới lớp áo mưa và những chiếc áo phao, trăm gương mặt đều ướt sũng, giống hệt. Không nhận ra nhau, họ chỉ giơ ngón tay cái, ra hiệu vẫn ổn, nhắc anh em bảo trọng.
Ra khỏi nhà từ 5h sáng, nhóm ngư dân trên tàu của Vỹ không nhớ đã kịp ăn gì, nhưng mặt mũi ai cũng phấn khởi. Anh ngư dân ngồi cạnh Vỹ khẽ hát một câu, cả đám trai tráng đồng thanh hò theo. Để ngày mai, họ lại cùng nhau "ra khơi" khi trời chưa sáng.
Từ ngày 6 đến 20/10, các đợt lũ liên tiếp ở miền Trung khiến 105 người chết, 27 người mất tích, 260.320 hộ dân của 6 tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam bị ngập. Tại Quảng Bình, 16h ngày 19/10, lũ sông Kiến Giang tại Lệ Thủy, vượt báo động 3 là 2,18 m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1979 là 0,97 m.