Những ngôi trường
xây bằng một trăm
miếng ván
ạn cần những gì để xây lên một ngôi trường? Một trăm miếng ván đã mục và hai người thầy.
Những ngôi trường như thế vẫn đang tồn tại đâu đó khắp Việt Nam. Nhưng chúng không dễ nhìn thấy. Hãy thử tìm "bản Huổi Áng, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La" trên Google Maps. Nó có vẻ không tồn tại.
Bạn có thể nhập kinh độ và vĩ độ của bản Huổi Áng vào Google, 20 độ 52 phút 37 giây vĩ Bắc, 103 độ 18 phút 05 giây kinh Đông. Kết quả là một ảnh vệ tinh mờ mịt ở đâu đó gần biên giới Việt Nam và Lào: dữ liệu của bản đồ trực tuyến lớn nhất thế giới chưa vươn tới nơi này.
Huổi Áng chỉ là vài khoảnh đất nâu phạt vào sườn núi, đủ cho dăm chục nóc nhà gỗ lợp fibro xi măng. Những mái nhà bám vào bất kỳ mảnh đất nào mà người Mông nơi này san được. Bản Huổi Áng vì thế trải từ sườn núi này sang sườn núi kia, lác đác nhà.
Ở đó, trung tâm bản là một đỉnh đồi rộng chừng hai chục mét bề ngang - khoảng đất bằng lớn nhất quả núi. Người dân đã
dựng ở đó ba chái nhà bằng ván gỗ lợp mái tôn: một lớp mầm non, một lớp tiểu học và một căn nhà cho thầy giáo nghỉ. Họ có một ngôi trường trên
đồi.
Họ dựng lên cả một cái cổng cho trường. Cái cổng có một tấm ván gỗ vắt ngang, dự tính làm một cái biển tên, nhưng về sau chẳng ai viết gì lên
đó.
Trường học vốn cũng không có tường bao, chỉ có vài cành cây được vá lại thành một cái hàng rào đã mục, đi vào lối nào cũng được, và ai muốn vào trường cũng phải leo từ dưới chân dốc lên. Cái cổng chỉ mang ý nghĩa biểu tượng.
Hàng ngày, hai thầy giáo một già, một trẻ đi xe máy từ xã Mường Lèo vào bản. Đường vào Huổi Áng, như hầu hết những con đường ở huyện Sốp Cộp, là đường mòn, đất đỏ lẫn đá hộc, cắt ngang bởi những con suối lớn. Con đường cũng không có trên bản đồ trực tuyến nào.
Thầy giáo mầm non là lứa 9x, mới bắt đầu sự nghiệp được vài năm. Còn thầy giáo tiểu học đã ngoài 50, mấy chục năm đi dạy quanh vùng núi này từ thời huyện Sốp Cộp chưa hình thành.
Thầy giáo 9x có kiểu tóc undercut, mặc áo sơ mi dáng slimfit và đi giày lười giả da. Thầy còn rất trẻ. Khi thầy cười, người ta sẽ liên tưởng đến một nam sinh trung học. Nhưng nhìn kỹ vẫn thấy trên áo sơ mi của thầy giáo trẻ, giống với thầy giáo già, những vết sờn bung chỉ đã lâu ngày.
ừ "sân trường", thầy giáo già chỉ tay sang quả núi bên kia: nhà học sinh thầy ở đó, cách một miệng vực. Em học sinh ấy mồ côi, vở viết sách bút đều là thầy mua đem lên cho. Hàng ngày, em đi bộ mấy tiếng đồng hồ để tới lớp. Tan học là gói cơm đi rừng đến đêm, ngủ trong nương.
Cuộc sống của thầy cô tại những nơi như Huổi Áng này là những tháng ngày "giữ lớp". Giữ cho những lớp học ghép bằng ván, bằng tre nứa không sụp xuống vì gió; giữ cho những đứa trẻ ở lại, đến trường học chữ.
Lớp mầm non ở Huổi Áng có 23 em học sinh. Trên nền đất nện, có vài chiếc ghế băng, một tấm bảng nhỏ. Trên bảng đen dán một bảng chữ cái tiếng Việt.
Tấm bảng chữ là giáo cụ đáng kể nhất nhìn thấy trong lớp. Có đến gần 40% nhóm, lớp mầm non ở Sơn La không đủ đồ dùng, đồ chơi và thiết bị
dạy học theo đúng quy định.
Phòng học của thầy giáo trẻ thực chất kiêm luôn cả nhà văn hóa của bản. Đây là chuyện phổ biến ở Sơn La. Đến năm 2018, tỉnh vẫn còn gần 19% phòng học mầm non là phòng học tạm, và có 132 phòng học mầm non là đi dạy và học nhờ.
Vì là nhà văn hóa, nên phòng học của thầy là kiến trúc được đầu tư nhất bản Huổi Áng. Căn nhà gỗ có đến hai cửa ra vào, bốn cửa sổ, đều được
sơn màu xanh nước biển. Các chái nhà xung quanh không có nổi lấy một vệt sơn, cũng không mấy nhà có cửa sổ.
Nhưng bên trong căn nhà tươm tất nhất bản, hai tấm tôn trên mái đã bị gió thổi bay mất. Một đầu hồi đã nát, chỉ còn vài miếng ván vỡ trụ lại.
Dạy trẻ học tiếng phổ thông và chữ quốc ngữ vẫn là nhiệm vụ lớn nhất mà các thầy cô miền cao phải đối mặt từ cấp mầm non. Ngày mới đi dạy,
thầy thấy "rất khổ". Thầy không biết tiếng của trẻ, trẻ không biết tiếng của thầy. Sau rồi thầy học tiếng Mông từ trẻ, để dạy bằng tiếng Mông,
rồi lại dùng tiếng Mông để dạy tiếng phổ thông.
Thầy giáo trẻ hiểu rằng nếu không dạy được trẻ nói tiếng phổ thông từ mẫu giáo, chúng sẽ lại thành nỗi khổ của thầy giáo già sau này. Những em được đi học mẫu giáo không chỉ biết chút ít tiếng Việt trước khi vào lớp 1, giao tiếp tốt hơn, mà còn bạo dạn hơn.
Kế đó vài mét là lớp tiểu học của thầy giáo già. Sáu thanh gỗ mảnh được dựng lên làm cột; năm mươi miếng ván được quây thành hình chữ nhật. Phía trên lợp lên ba mươi tấm fibro xi măng, loại hơn năm mươi nghìn đồng mỗi tấm.
Những miếng ván gỗ tạp đó đã được nhặt nhạnh từ nhiều nơi, vá thêm vào sau những mùa mưa gió, nhiều hình dạng và kích thước. Chúng nứt vỡ thành những mảng có thể đưa cả đầu trẻ con qua. Bốn bức tường thực chất chỉ là một cái hàng rào kín.
Căn nhà không có cửa ra vào. Một tấm ván ở bên hông được lắp thêm cái then, coi như cánh cửa, đủ một người chui vừa. Lớp của thầy cũng không cần cửa sổ. Bức tường ván ghép vốn không chạm đến mái. Nắng chiếu qua những lỗ thủng khắp nơi.
Thầy giáo già vẫn nghĩ lớp tiểu học may mắn ở gần một cái cây to: nếu không có tán cây, nóc nhà có thể bung ra chỉ sau một cơn mưa. Thỉnh thoảng, mái vẫn bị bung, hai thầy tự trèo lên sửa. Chỉ khi nào tốc hết mái họ mới gọi đến người lớn trong bản.
Giữa nhà là một bức vách thấp, dựng bằng mười miếng ván nữa, để chia lớp học ra làm hai "phòng". Ở điểm trường này, thầy giáo già phải chịu trách nhiệm phổ cập giáo dục tiểu học cho các em ở mọi cấp. Lớp thầy có 9 học sinh, đều là những em từ lớp mẫu giáo của thầy giáo trẻ chuyển lên.
Thầy giáo già tự hào rằng bản Huổi Áng không có học sinh trong độ tuổi đi học không đến lớp.
Sáng thứ Hai của thầy không bắt đầu bằng lễ chào cờ, mà bằng việc vận động học sinh đi học. Cuối tuần các em theo bố mẹ lên nương hết, hầu như không về. Lớp 1 chưa đi làm nương được thì ở nhà nấu cơm, trông em. Sáng thứ Hai nào cũng là ngày vắng học sinh nhất.
Những giáo viên ở vùng này đã quen với việc duy trì những lớp học như thế. Trong những căn nhà đó, ngày mưa gió, nhưng cô giáo trẻ về Sốp Cộp học những bài học trường Sư phạm không dạy: họ phải biết cách dùng dây thừng buộc bảng đen vào vách nhà hoặc lấy tấm gỗ chặn, nếu không gió sẽ thổi tung bảng vào đầu học sinh.
Ngày mùa, họ dạy nhau cách vận động học sinh đến trường. Nhà không có người làm nương, không có ai địu em, nấu cơm, chăn dê, đi học không để làm gì, những câu trình bày họ nghe đã quen. Học sinh nghỉ học vào vụ ngô, vụ lúa, mùa trồng sắn, mùa cấy, mùa gặt, quanh năm lúc nào cũng nghỉ được.
Những ca khó quá, các thầy cô ở Sốp Cộp bày cho nhau làm một cái giấy thông báo, xin con dấu của xã và của trường. Họ đem đến nhà dọa: không cho con đi học là xã không cho vay vốn, không trợ cấp hộ nghèo, không chia ruộng nương cho làm nữa. Phụ huynh sợ, cho con đi học.
Cạnh hai lớp học ở Huổi Áng là một cái nhà tạm. Cũng là hơn năm chục miếng ván quây lại và lợp tôn lên, thành "nhà hiệu bộ" của điểm trường này. Bên trong nhà, có ba cái bàn. Một cái bàn để đồ nấu ăn, mấy chai dầu mắm, mấy cái nồi và một cái thớt. Hai cái bàn còn lại kê sát vào nhau, đặt một tấm ván nữa, thành cái giường cho hai thầy nghỉ trưa.
Mùa mưa, suốt con đường từ xã vào bản sẽ biến thành một bãi lầy, bùn bám dính bánh xe, cố vặn ga chỉ trượt đi chứ không thể di chuyển được. Hai thầy sẽ phải ở lại trong bản cả tuần, hoặc có khi vài tuần mới ra được xã.
a chái nhà từ gỗ mục tạo thành một "ngôi trường" trên đỉnh đồi. Về mặt hành chính, nó thực chất là 2 điểm trường của 2 ngôi trường khác nhau:
lớp của thầy giáo già thuộc về trường tiểu học Mường Lèo; còn lớp của thầy giáo trẻ là chi nhánh của trường mầm non Biên Cương. Nhưng người ta có
thể bắt gặp các tổ hợp giáo dục liên cấp kiểu này ở khắp các bản của vùng Tây Bắc.
Những tấm ván lợp tôn này trở thành vi mạch để duy trì hệ thống phổ cập giáo dục tại miền núi. Nếu không có "thầy giáo cắm bản" ở các cấp mầm non và tiểu học, rất nhiều trẻ trong độ tuổi đến trường sẽ không đi học. Điểm trường chính ở cách nhà chúng quá nhiều con đèo.
Những người như thầy giáo già ở Huổi Áng, trở thành hình mẫu cơ bản cho giáo dục miền núi. Họ sẽ được luân chuyển qua nhiều điểm trường suốt sự nghiệp, đi từ lớp học tạm này sang lớp học tạm khác.
Tại những vùng như Sốp Cộp, có nhiều bản làng hình thành trong hai thập kỷ qua. Những người Mông dừng chân sau hàng thế kỷ du canh du cư, đốt rừng làm nương, định cư tại một mảnh đất mới, như Huổi Áng.
Ngành giáo dục tìm đến, và đặt "những viên gạch" đầu tiên cho giáo dục phổ thông. Dù họ không có viên gạch nào: những lớp học được dựng bằng
đủ loại cành cây, từ tre nứa cho đến những thanh gỗ thường làm củi đun. Thời tiết gió Lào khắc nghiệt, các thầy tự leo lên sửa với nhau. Chỉ khi
nào mưa to quá, tốc hết mái mới phải gọi đến người lớn trong bản.
Với thầy giáo trẻ, điểm trường Huổi Áng đã là "thuận lợi hơn các điểm khác". Ngày mới ra trường, lớp mầm non đầu tiên thầy nhận là ở Nậm Khún,
đầu kia của xã Mường Lèo. Đường từ trung tâm xã vào Nậm Khún phải đi bộ cả buổi chiều.
Vừa đi vừa gùi ba lô gạo, cá khô, trứng, nước, vừa đi vừa cầm cuốc cầm xẻng, vừa đào rãnh vừa đi, có chỗ xe máy không dắt được phải dùng dây thừng vác lên vai. Đi bộ từ 2h đến 6h tối thì vào đến điểm bản.
Năm nào cô hiệu trưởng trường mầm non Biên Cương, nơi thầy giáo trẻ công tác, cũng đi xin tiền xây sửa điểm trường. Năm nay cô đang vận động để xây lớp mầm non ở Huổi Áng.
Nhưng ngay từ việc đưa các đoàn từ thiện vào thăm bản cũng đã là một thách thức: chỉ có những con đường mòn gập ghềnh vào mùa khô và lầy lội khi mưa xuống; những hẻm núi đầy đá hộc và những con suối lớn không có cầu đi ngang.
Tại những cộng đồng bị cô lập bởi địa hình như Huổi Áng, cái nghèo là thứ duy nhất người lớn để lại cho con cháu. Không điện, không đường, không giao thương, không cơ hội, định mệnh của những đứa trẻ sinh ra ở nơi này là sống tiếp theo cách của cha mẹ chúng, đôi khi chật vật hơn: những cánh rừng không còn gì để nuôi con người.
Những lớp học ghép bằng một trăm miếng ván gỗ như của thầy Dương và thầy Thành, cho dù không che hết mưa nắng, trao cho chúng hy vọng duy nhất để vượt ra khỏi vòng lặp này.
Mỗi năm, đến mùa này, thầy giáo già lại trích ra một triệu từ đồng lương giáo viên của mình, đi mua vở mới, bút, quần áo và cả dép mới cho những em học sinh mồ côi. Đã mấy chục năm như thế, thầy chỉ mong các em đến lớp đủ, vẫn chưa nghĩ được đến ngày mà thứ Hai sẽ có một lễ chào cờ.
Đức Hoàng - Thanh Lam
Ảnh: Kiều Dương
Quỹ Hy vọng, báo VnExpress đang lập dự án xây mới điểm trường tại Huổi Áng, ở một mảnh đất bằng phẳng và gần nguồn nước hơn. Chi phí ước tính của dự án là hơn 600 triệu đồng. Sự đóng góp của độc giả sẽ góp phần tiếp sức cho nỗ lực của các thầy cô, trao cho nhiều thế hệ học sinh một mái trường đúng nghĩa, an toàn, ấm áp và nhiều hy vọng thay đổi hơn.