Sau đây là những ngôi cổ tự độc đáo ở Hà Nội do Vietravel gợi ý để gia đình bạn cùng viếng thăm trong những ngày đầu năm.
Chùa Trấn Quốc
Một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam tọa lạc ở cuối đường Thanh Niên, quận Ba Đình. Với lịch sử hơn 1500 năm từ thời Lý, đến nay chùa vẫn giữ được nét kiến trúc uy nghiêm, cổ kính lại kết hợp hài hòa với quan cảnh thanh nhã khi soi bóng trên mặt nước tĩnh lặng.
Được coi là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long trong thời Lý và Trần, chùa Trấn Quốc còn lưu giữ nhiều giá trị cổ về lịch sử và kiến trúc. Cũng là một trong những ngôi chùa thu hút đông đảo tín đồ Phật tử và khách du lịch đến tham quan, hành hương.
Chùa Ngũ Xá
Còn được biết đến với tên gọi Trần Quang Tự hay Phúc Long Tự nằm ở phố Ngũ Xá, quận Ba Đình, ngôi chùa được xây vào thế kỷ XVIII trong thời Hậu Lê. Sau vụ hỏa hoạn vào năm 1949, chùa được xây dựng lại với kiến trúc hiện đại và hoàn thành hai năm sau đó. Đến năm 1995, chùa Ngũ Xá được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Chùa Ngũ Xá còn lưu giữ bức tượng Phật A-di-đà cao 3,95 m, nặng 10 tấn. Tòa sen Phật ngồi có 96 cánh, cao 1,45 m, nặng 3,9 tấn được đúc bằng đồng từ năm 1949 đến năm 1952.
Chùa Quán Sứ
Ngôi chùa được xây dựng vào thế kỷ XV, được xây dựng lại vào giữa thế kỷ XX và trở thành trụ sở trung tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện nay nằm ở số 73 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây cũng là một trong số rất ít ngôi chùa sở hữu nhiều câu đối được viết bằng chữ quốc ngữ.
Lá cờ Phật giáo thế giới lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội vào ngày 13/5/1951 tại chính ngôi chùa này. Đây cũng là nơi chứng kiến nhiều hoạt động quan trọng của Phật giáo Việt Nam.
Chùa Cầu Đông
Chùa còn có tên gọi Đông Hoa Môn Tự, được xây dựng từ thế kỷ XVII dưới thời Lê. Ngày nay, chùa Cầu Đông tọa lạc tại địa chỉ 38B, phố Hàng Đường, phường Hàng Đào, trong khu vực phố cổ Hà Nội. Chùa còn lưu giữ nhiều công trình điêu khắc cổ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVI như các bức hổ phù, rồng cuộn, vân mây… Với kiến trúc cổ điển, chánh điện hình chữ đinh, tam quan xây lầu cao làm gác chuông, chùa Cầu Đông mang trọn vẹn dáng vẻ trầm mặc nguyên sơ thời xa xưa.
Chùa Kim Liên
Chùa nằm bên bờ hồ Tây, thuộc phường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, được xếp trong danh sách mười di tích kiến trúc cổ đặc sắc nhất Việt Nam. Với kiến trúc gỗ độc đáo, chùa Kim Liên toát lên vẻ cổ kính đầy kiêu hãnh. Mái ngói cong vút chạy dài cùng hàng cột gỗ tròn, cổng chính cao rộng hơn hai cổng bên dẫn vào tam quan… chùa Kim Liên ấn tượng bởi nhiều bức điêu khắc hình rồng, hoa lá, hoa văn tinh xảo, uyển chuyển được khắc nổi trên mặt gỗ trông thật bắt mắt.
Chiêu Thiền Tự
Chiêu Thiền Tự nằm án ngữ tại làng Láng, Láng Thượng, quận Đống Đa. Ý nghĩa tên ngôi chùa này thật thú vị: "Chiêu" với ngụ ý chỉ những điều tốt đẹp rõ rệt, “Thiền” dùng để chỉ đây là nơi sinh ra Thiền sư Đại Thánh.
Vẻ đẹp rêu phong qua thời gian còn lắng đọng rõ rệt tại ngôi chùa. Cổng chính với bốn cột vuông và ba mái cong trong đó mái giữa cao hơn hai mái bên còn giữ nguyên được kiến trúc cổng cung vua phủ chúa thời Lý. Đây là một trong những ngôi chùa có số lượng tượng thờ nhiều nhất Hà Nội và cả Việt Nam, gồm 198 pho tượng thờ Khuyến Thiện, Trừng Ác, Tứ Đại thiên Vương, Chuẩn đề, Phạm thiên, Đế Thích…
Chùa Hà
Ngôi chùa nằm ở làng Dịch Vong, huyện Từ Liêm, quận Cầu Giấy với tên chữ là Thánh Đức Tự và thường được gọi là "chùa Tình Yêu". Bởi lẽ, thay vì đến để giải hạn, bái lễ thì nhiều người đến chùa Hà để cầu lương duyên.
Hiện chùa Hà còn lưu giữ khá nhiều kiến trúc cổ đẹp mắt như mái thượng được tôn lên độc đáo với hình mặt trời lửa đặt trên bức hổ phù, hai đầu mái chùa đắp hình rồng miệng ngậm trọn lấy bờ nóc, mái lợp giả ngói ống… Chùa được xây dựng trong không gian rộng lớn, thoáng mát vừa cho khách hành hương không khí linh thiêng thanh tịnh vừa tạo cảm giác thư thả, thoải mái với cảnh quan trong chùa.
Tử Anh