Hội thảo khoa học lần thứ 5 do Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội (AF Hanoi) tổ chức ngày 22/9 cũng là sự kiện hướng đến kỷ niệm 15 năm thành lập bệnh viện. Hội thảo là dịp để các chuyên gia, bác sĩ cùng nhau thảo luận về các nghiên cứu mới, từ đó tìm ra những phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc Chuyên môn - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, bên cạnh hoạt động khám chữa bệnh, bệnh viện còn quan tâm đến nghiên cứu khoa học bởi thông qua những hoạt động này sẽ giúp tạo ra kiến thức mới có độ tin cậy cao; nâng cao chất lượng, an toàn điều trị cho người bệnh, tăng cường hiệu quả với mức chi phí hợp lý.
Mặt khác, nghiên cứu khoa học còn tạo điều kiện cho các bác sĩ, nhân viên y tế nâng cao kiến thức, kỹ năng nhìn nhận vấn đề trong công tác chuyên môn để mang đến kết quả tốt nhất cho người bệnh. "Chúng tôi nỗ lực hết trong công tác khám chữa bệnh cũng như công tác nghiên cứu khoa học, nhằm mang đến những phát kiến mới cho nền y học nước nhà", bác sĩ Thu Hiền nói.
Với lợi thế thăm khám, điều trị hàng nghìn trường hợp vô sinh nam, AF Hanoi đã thực hiện và báo cáo nhiều nghiên cứu tại các hội thảo lớn trong nước và quốc tế. Các nghiên cứu tập trung vào nhóm nguyên nhân gây vô sinh do không có tinh trùng, bất thường về di truyền và nhóm nguyên nhân khác như viêm tinh hoàn, teo tinh hoàn do quai bị, những bệnh lý tinh hoàn ẩn, giãn tĩnh mạch tinh. Với nhóm nguyên nhân do không có tinh trùng trong tinh dịch, bệnh viện đã và đang triển khai thành công phương pháp phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng - MicroTESE.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Nam học - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, trước đây với những bệnh nhân không có tinh trùng, thông thường chỉ dừng lại ở các xét nghiệm: nội tiết, chỉ số sinh học, nhiễm sắc thể, gen AZF; siêu âm tinh hoàn... thì giờ có những bộ xét nghiệm gen chuyên sâu hơn để sàng lọc các gen gây ảnh hưởng đến tinh trùng. Từ đó giải trình tự gen để tìm thêm những nguyên nhân dẫn đến không có tinh trùng mà trước đây chưa biết.
"Một số trường hợp bị đột biến gen, mặc dù gen đó rất nhỏ nhưng vẫn có khả năng gây ra tình trạng không có tinh trùng. Tuy còn nhiều tranh luận nhưng có thể thấy việc thực hiện những xét nghiệm chuyên sâu về gen là hướng đi mới để các bác sĩ đánh giá tỷ lệ tìm thấy tinh trùng cho bệnh nhân, từ đó đưa đến quyết định có nên thực hiện phẫu thuật tìm tinh trùng không", bác sĩ Đinh Hữu Việt chia sẻ.
Chuẩn bị và xử lý mẫu tinh trùng là một trong những khâu quan trọng của phương pháp Thụ tinh trong ống nghiệm, đặc biệt là đối với những trường hợp tinh trùng bất thường khi chất lượng và số lượng tinh trùng hạn chế. Báo cáo "Chuẩn bị và xử lý mẫu tinh trùng cho những ca bất thường nặng về tinh trùng" của Thạc sĩ Nguyễn Minh Đức - Trưởng Labo Hỗ trợ sinh sản đã mang lại cái nhìn từ tổng quan đến chi tiết các bước thu nhận, chuẩn bị, lựa chọn tinh trùng và các chiến lược trong quá trình điều trị cho các trường hợp khó theo y văn cập nhập cho đến nay.
Ngoài ra, báo cáo "Xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi trong vô sinh nam: khi nào cần thiết?" của Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Thị Phương Hoa cũng là đề tài cấp thiết trong điều trị vô sinh nam cho nhóm nguyên nhân bất thường về di truyền. Hội chứng Klinefelter là tình trạng bất thường nhiễm sắc thể (NST) gây nên thiểu năng sinh dục và vô sinh ở nam giới.
Nam giới bình thường có 46 nhiễm sắc thể với cặp nhiễm sắc thể giới tính là XY nhưng nam giới mắc hội chứng Klinefelter có hai hoặc nhiều hơn nhiễm sắc thể X trong bộ nhiễm sắc thể (XXY). Ở nhóm này, bệnh nhân thường gặp tình trạng vô sinh do không có tinh trùng và cần phẫu thuật Micro-TESE để thực hiện hỗ trợ sinh sản. Nghiên cứu được thực hiện trên 148 bệnh nhân mắc hội chứng Klinefelter, phân nhóm thực hiện sàng lọc phôi (PGT-A) và chỉ thực hiện quy trình Thụ tinh trong ống nghiệm.
Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Thị Phương Hoa, chuyên ngành Di truyền, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, nghiên cứu đã cho thấy kết quả sàng lọc phôi 12 bệnh nhân đều có phôi nguyên bội tỷ lệ cao, không có phôi bất thường nhiễm sắc thể giới tính. Kết quả thụ tinh, phôi và thai kỳ trên bệnh nhân nghiên cứu đều cho tỷ lệ tốt. Hiệu quả điều trị hỗ trợ sinh sản đạt 76% bệnh nhân có con sinh sống khỏe mạnh với tỷ lệ thành công của chuyển phôi lần đầu là 54% cao hơn so với các báo cáo quốc tế hiện nay trong khoảng 33,8%. "Sàng lọc phôi không thực sự cần thiết cho các bệnh nhân Klinefelter. Tuy nhiên số lượng mẫu còn hạn chế, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu với số lượng mẫu lớn hơn trong thời gian tới", bác sĩ Phương Hoa nói thêm.
Ngoài ba nghiên cứu của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, hội thảo còn có sự tham gia của Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Chí Dũng (Bệnh viện Nhi Trung ương) với báo cáo "Rối loạn phát triển giới tính và chức năng sinh sản"; Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang (Chủ tịch Hội Y học Giới tính Việt Nam) với báo cáo "Vô sinh nam - những thách thức hiện tại và hướng đi trong tương lai". Các báo cáo viên, đại biểu tham dự cùng thảo luận sôi nổi, chia sẻ các giải pháp điều trị hiệu quả cho nhóm bệnh nhân vô sinh nam.
Mộc Trà