Kéo voi từ trên núi xuống. |
Theo ông Shariff, trưởng đoàn chuyên gia, thì hiện trường cho thấy có nhiều khả năng voi chết là do có các nhà báo đến chụp ảnh, quấy rầy. Voi hoảng sợ trước ánh đèn flash nên đã phát cuồng và bị ngã trúng một gốc cây, nghẹt thở chết. Hình ảnh quay cận cảnh cho thấy đã thu được từ hiện trường 1 nón, đèn flash và cuốn sổ ghi chép. Suy luận của ông Shariff ngay lập tức gây nên phản ứng mạnh mẽ từ phía các nhà báo.
Qua điều tra và xác minh, những vật dụng nêu trên là của nhà báo Huỳnh Quang Tuấn - phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Bình Thuận. Anh Tuấn cho biết, đã nằm ở “trận địa” săn voi từ ngày đầu đến giờ nhưng do sự ngăn cản của lực lượng bảo vệ nên anh chưa hề ghi được hình ảnh nào. Sáng 14/11, Tuấn vác camera và máy ảnh bám theo đoàn chuyên gia ở một cự ly nhất định để không bị phát hiện. Nhưng vì dốc cao, quanh co, đồ nghề lỉnh kỉnh nên anh bị lạc, đến 10h sáng mới tìm được đường xuống núi. Còn chiếc mũ, đèn flash (không có pin bên trong), sổ, do anh bỏ trong ba lô nhưng quên kéo dây khóa nên rơi lúc nào không biết. Anh Tuấn khẳng định, những vật dụng này không thể rơi trong khu vực con voi đang bị xích. Bởi anh bám theo đoàn chuyên gia thì làm gì có chuyện vượt trước họ.
Con voi chết vào lúc nào?
Theo ông Shariff , 5h chiều 13/11 con voi này vẫn khỏe mạnh. Lúc cả đoàn vừa lên đến nơi thì nó từ trong bụi rậm xông ra khiến mọi người bỏ chạy xuống núi. Diễn biến sau đó ra sao không một ai biết, vì không hề có người nào ở lại khu vực giữ voi cho tới ngày hôm sau.
8h sáng 14/11 đoàn chuyên gia lên núi. Có thể khẳng định rằng trước 9h không có nhà báo nào dám đi lên vùng này vì sương mù dày đặc và cực kỳ nguy hiểm. Họ lại không có vũ khí và bảo vệ như các chuyên gia. Lực lượng bảo vệ đã chốt chặt con đường duy nhất lên chỗ voi nằm.
Hơn nữa, phần gốc cây mà ông Shariff cho là chẹn họng voi lại không tiếp xúc trực tiếp với phần da cổ con voi mà còn cách chừng 5 cm.
(Theo Người Lao Động)