Là người có công lớn trong lịch sử sân khấu cải lương miền Nam, cuộc đời bà từ khi 13 đến 99 tuổi gắn với sân khấu và khán giả, để lại nhiều vai diễn kinh điển, đào tạo rất nhiều môn sinh xuất sắc.
Trên đỉnh sự nổi tiếng, tôi chứng kiến khán giả yêu mến, ngưỡng mộ, nhiều người săn đón, sẵn lòng cung phụng bà bằng mọi thứ. Nhưng thầy tôi đều từ chối. Bà bảo nếu sống vì tiền, vì quyền lợi, danh vọng, bà không thể hát được cải lương.
Tài hoa nhưng không hạnh phúc trong tình riêng, bà đã bước qua nỗi buồn để lên sân khấu, mỗi ngày khóc cười cho khán giả. Tôi nhớ khi bà đã lớn tuổi, vẫn có ba người đàn ông đến hỏi cưới cùng một lúc. Má Bảy Phùng Há nói một câu mà tôi nhớ mãi: "má có một cái tên khán giả thương nên phải làm cho trọn vẹn công chuyện trời đất. Trời sanh ra mình thuộc về tất cả mọi người chứ không phải một người".
Ở tuổi đáng lẽ hưởng an nhàn, bà tìm đất lập nên Chùa Nghệ sĩ, không ngừng truyền dạy nghề cải lương cho những người trẻ. Cũng chính bà chủ trương thành lập viện dưỡng lão cho những nghệ sĩ lớn tuổi và trả ơn Tổ nghiệp.
Đến tận một ngày, ngọn đèn ấy cạn dầu. Biết là bà đã ở ngưỡng cửa trăm năm, nhưng đón bà về chùa, tôi vẫn bàng hoàng nhìn người ra đi vào thời khắc nửa đêm về sáng.
Cuộc đời rất vô thường. Mẹ tôi, chiều cuối năm theo bà nội tôi đi chùa, gặp tai nạn rồi không bao giờ về với chị em tôi nữa. Ba tôi, cả đời chưa bao giờ bước vô rạp cine, hôm ấy lại đi coi phim, rồi "có biến". Cha của con trai tôi, phát hiện bệnh nan y trong tinh thần lạc quan nhất, với điều kiện chữa trị tiên tiến. Vậy mà một ngày, lời hẹn bay về Việt Nam ăn bữa cơm đã đột ngột rơi.
Tắt, mở; mở rồi lại tắt, những ngày này, tôi nhìn từng khuôn mặt trong từng khung hình để bàng hoàng nhận ra: một năm của mất mát lớn với làng nghệ thuật. Một năm rất nhiều cái tên tài năng, nhiều nghệ sĩ đã đi xa.
Rồi cuối năm, lại một tài năng của làng hài. Viết những dòng này, tôi vẫn không tin, nụ cười hiền ấy đã tắt, gương mặt lành ấy đã yên giấc, tính cách sôi động, trẻ trung, lạc quan ấy đã đi xa. Tôi vẫn chưa tin, bởi sự ra đi ấy quá bất ngờ, tức tưởi. Tôi lặng nhìn khuôn mặt rất quen ấy, dù chưa gặp nhau, làm việc cùng nhau nhưng dậy niềm yêu mến từ rất lâu. Một người dung dị, một thái độ làm nghề tận tâm, một lối sống an hòa.
Cũng như bao đồng nghiệp của anh, thường ngày họ tinh nghịch, vui đùa, đêm nay, ngày mai, họ thất thần, thảng thốt. Những khán giả luôn trông chờ anh để được vui cười, thư giãn, họ lặng lẽ khóc, tiếc thương một người luôn mang lại niềm vui cho nhân thế.
Anh đã sống được và được sống vĩnh viễn trong lòng người ở lại - như thế, anh đã quá hạnh phúc. Tiếng đàn trong veo, tài hoa, nụ cười cho muôn người, như cái tên Chí Tài anh đã mang. Chí Tài ơi! đã tắt một nụ cười, nhưng để lòng người tìm về với nhau, nhận ra nhau, hàn gắn và thứ tha, yêu thương và kết nối.
Mất mát là thật. Nhưng với sự thật không thể cưỡng cầu ấy, đau xót thay, tất cả chúng ta đều phải chấp nhận, để trong cuộc tiễn đưa sau cùng, mỗi người trong chúng ta lần lượt cúi đầu chào nhau, rồi chào chính chiếc bóng đời mình. Vĩnh viễn.
Vậy đấy, quanh mình, cạnh mình, càng sống càng chứng tận nhiều mất mát. Đặt trong chuỗi đời người, với bao chuyển động, niềm xúc cảm, mối quan hệ thâm tình, sự đến và đi ấy đầy những giằng xé, đau đớn, tiếc thương. Đặt trong quy luật của muôn loài, là vòng tròn sinh - tử, có - không, hữu hình - vô hình.
Cho nên, từ rất lâu rồi, tôi luôn nghĩ và sống như thể chỉ còn một ngày mai thức dậy. Có thể đêm khuya nào đó, mình chìm sâu trong giấc ngủ của trời. Để không mảy may tiếc nuối, trách móc, để chỉ tận tình yêu thương, để hiểu không ai đúng tuyệt đối, chẳng ai quấy hoàn toàn. Bản thân mình cũng lúc đúng lúc sai, lúc sáng lúc tối. Chỉ duy nhất, tự nhắc mình, chân thành với mọi đúng sai, vui buồn, được mất.
Tôi vốn không thích bi kịch hóa mọi thứ trong đời. Nhưng tôi thấy bạn nghề của tôi, một quái kiệt của làng hài, Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Giàu, phải bước qua bao mất mát đời riêng. Chỉ cần một cái ngoéo tay dị tướng, đôi ba câu thoại tưng tửng đã khiến hàng triệu người cười ngả nghiêng thì đâu đó trong đời, "Cô Bảy Cán Vá" lại có lúc lặng lẽ khóc tiễn núm ruột của mình.
Gắn bó với nghiệp cải lương, tôi biết không phải tự dưng khán giả thương người nghệ sĩ, thương mấy cái tuồng, vì trong đó có rất nhiều thông điệp đặc trưng cho tâm hồn người Việt, nói hộ lòng dân chúng. Giá trị nghệ thuật nằm ở nội dung tuồng tích, chất lượng giọng ca, cách diễn, thần thái người nghệ sĩ, là tính nhân văn, phê phán hay ca ngợi đều để làm con người tốt hơn.
Nghệ sĩ, trong thiên chức được trời và người đời đã chọn, họ bước qua lằn ranh nghiệt ngã cuộc đời để diễn trình trên sân khấu. Những vai diễn, nhiều khuôn mặt, mà có khi là đối nghịch, là phép nhân của những mất mát mà đời thường, đôi khi buộc họ phải tự trừ chia đi rất nhiều.
Nghệ thuật chỉ tồn tại nếu có nghệ sĩ và khán giả kế thừa. Tôi tin và hy vọng, sau những mất mát, người ở lại sẽ cùng nhau gây dựng. Như nhiều người hỏi tôi, cải lương có "chết" không. "Không", tôi trả lời, cải lương sẽ sống đều, sống dài, âm thầm và bền bỉ.
Thời tôi vào nghề, các nghệ sĩ bảo nhau, "cải là cải cách, cải thiện con người; lương là lương thiện, nâng đỡ lương tâm của con người". Bởi nói hộ lòng người nên nghệ thuật và những nghệ sĩ chân chính còn sống mãi.
Bạch Tuyết