Ở làng Then, xã Thái Đào, huyện Lạng Giang hình ảnh những người nông dân với bàn tay thô ráp, cứ chiều tối lại í ới gọi nhau xách đàn violin ra tập ở sân đình đã trở nên quen thuộc từ hơn 60 năm nay.
Ông Khoa cùng với những người lớn chia nhóm luyện tập ở giữa sân. Lũ trẻ con đứng xung quanh, chăm chú nhìn, thi thoảng bắt chước động tác của người lớn, cố kéo thành tiếng. Các cụ già cũng chậm rãi chống gậy đi đến vừa uống trà vừa nghe đàn.
"Những hôm trời lạnh, chỉ thanh niên và người cao tuổi chơi đàn trong nhà. Nhưng hè đến, tiếng violin, cello át cả tiếng ve, vang khắp làng", ông Khoa, 65 tuổi, người chơi violin hơn 50 năm tự hào nói.

Ông Nguyễn Quang Khoa, 65 tuổi, người có hơn 50 năm kinh nghiệm chơi violin ở làng Then, 16/3/2025. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Người làng Then ban ngày trồng hoa, làm ruộng, ban đêm tìm đến violin như một thú vui để xua tan mỏi mệt. Ở đây, không có lớp học chính quy hay trường đào tạo nhạc bài bản, người biết chơi, chơi giỏi truyền dạy cho người khác bằng kinh nghiệm. Trẻ con trong làng lớn lên trong tiếng đàn, học nhạc theo cách tự nhiên nhất: lắng nghe, quan sát rồi bắt chước. Cứ thế, từ thế hệ này sang thế hệ khác, violin và cello không chỉ là nhạc cụ mà trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của làng.
Phong trào chơi violin, cello ở làng Then bắt đầu từ những năm 1950, khi ông Nguyễn Hữu Đưa, một nhạc công trong đoàn ca múa nhạc Hà Bắc, mang violin về biểu diễn cho bà con.
Ban đầu ông Đưa chỉ dạy con mình, nhưng tiếng đàn du dương khiến nhiều người tò mò và dắt con sang nhà xin học. Học phí được thầy miễn nhưng giá một cây đàn violon khi ấy khoảng 100-200 đồng, bằng một tấn thóc hoặc gần hai tạ lợn. Một cây đàn cello phải đổi bằng ba con trâu mộng - bằng cả gia sản của một gia đình nông dân trung lưu.
"Vì thế dân làng Then gọi đây là những cây đàn của giới quý tộc", ông Khoa nói.
Một buổi biểu diễn của Câu lạc bộ Vĩ cầm làng Then tại Bắc Ninh, ngày 16/3/2025. Video: Nga Thanh
Ông Nguyễn Quang Khoa là lớp học trò violon đầu tiên của làng. Thời kỳ ấy cơm không đủ ăn, nhưng nhiều gia đình vẫn cố gắng cho con học chơi loại nhạc cụ quý tộc này.
Ban ngày, lũ trẻ đi học, trưa chiều phụ giúp cha mẹ đồng áng, tối lại xách đàn sang nhà thầy. Không có phòng học, chúng ra bụi tre, cánh đồng hay thậm chí chui vào bể nước để tập, tránh làm phiền hàng xóm.
Lớp học đàn của ông Khoa ngày ấy có 13 đứa trẻ, từ 8-14 tuổi. Nhạc cụ được thầy giáo xuống Hà Nội mua giúp. Nhạc lý theo giáo trình của người Pháp.
Tư thế chơi violin kiểu xưa cũng khác biệt. Ông Khoa kể, người chơi phải đứng đúng chuẩn, đầu tựa vào đàn để giữ vững, tay trái tạo hình chữ V, kẹp chặt vào nách, tay phải cầm dây vĩ chắc chắn. Khi kéo lên, cổ tay gập 90 độ; khi thả phải duỗi thẳng. Yêu cầu khắt khe này khiến lũ trẻ vốn quen tự do phải cố gồng mình, còn người lớn lại cố "bẻ" các khớp tay, nghiêng đầu sau cho đúng dáng. Sau mỗi buổi tập ai nấy đều mỏi nhừ.
Cái khó nhất với những người nông dân khi chơi violin là định âm. Người học phải nghe nhiều, luyện tập liên tục để quen nốt nhạc và hiểu nội dung tác phẩm. Không ít học viên khóa đầu mất hai, ba tháng chỉ để kéo đàn cho đúng nốt, tránh bị phô.
Một buổi tập luyện của Câu lạc bộ vĩ cầm làng Then tại đình thôn. Video: Đ.A
Những năm 1960, đội violin làng Then từng nhiều lần đại diện tỉnh Hà Bắc cũ đi biểu diễn tại Trung ương, được Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh, phát sóng. Năm 1976, họ được mời biểu diễn tại Đại hội Đảng toàn quốc lần IV. Sau đó, nhiều thành viên nhập ngũ, phục vụ trong đoàn nghệ thuật quân đội, nhưng phong trào học đàn ở làng vẫn duy trì.
Giai đoạn 1981-1985, khi nhiều người xuất ngũ về quê làm kinh tế, cuộc sống khó khăn khiến phong trào gián đoạn. Những cây đàn lâu ngày không sử dụng bị hỏng, dây đứt.
Đầu những năm 1990 ông Khoa nảy ý định lập lại đội đàn violin cũ và mở lớp dạy cho thế hệ sau. Những cây đàn hỏng được dân làng mang sửa, dùng keo dính tạm những chỗ bong, phần dây đàn đứt được thay thế bằng phanh xe đạp. Để có đàn chơi họ phải chắp vá từ hai, ba chiếc hỏng. Mãi đến năm 2007, một quỹ từ thiện của Thụy Điển đầu tư 70 triệu đồng để củng cố nhạc cụ, khôi phục sự phát triển của đội văn nghệ làng Then, nhiều nhạc cụ được thay mới.
Ông Nguyễn Minh Châu là một thành viên khóa đầu nhớ về những khó khăn khi quay lại chơi đàn sau nhiều năm làm ruộng hoặc lang bạt làm thợ xây. Ngón tay cứng, cơ thể đau nhức vì phải đứng lâu, khiến ông không quen. Tiếng nhạc thời gian đầu như tiếng "bổ củi" bởi khó xác định nốt, tay khó điều chỉnh dây vĩ như ý muốn.
Ban ngày người đàn ông 66 tuổi đi làm đồng, chiều chăn nuôi hoặc đi làm thợ hồ để tăng thu nhập. Tối ông lại đến đình làng tập lại đàn. "Nhiều hôm mệt rã rời nhưng chưa ai nghĩ đến chuyện bỏ cuộc", ông Châu nói.

Một buổi biểu diễn của Câu lạc bộ Vĩ cầm làng Then tại Bắc Ninh, ngày 16/3/2025. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Ông Khoa và một số người khác còn lập câu lạc bộ violin với 13 thành viên cốt cán, chuyên tập luyện để đi biểu diễn. Tiền cát-xê cho mỗi buổi diễn dao động từ 7 đến 20 triệu đồng. Kiếm được tiền từ đam mê cũng là niềm hạnh phúc lớn với cả nhóm.
Ông Khoa cho biết làng Then liên tục có những lớp học đàn miễn phí cho trẻ em. Mùa hè, lớp có đến 100 em, tuần học 2-3 buổi. Lúc rảnh rỗi, lũ trẻ lại luyện tập tại nhà. Tiếng đàn violin, cello len lỏi qua từng con ngõ, hòa vào không gian thanh bình của làng quê. "Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là truyền lửa cho thế hệ sau, tiếp nối truyền thống hơn 60 năm của làng", ông Khoa nói.
Chị Thùy Liên, 33 tuổi, là một nghệ sĩ violin lấy chồng ở làng Then. Học đàn chuyên nghiệp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam suốt 14 năm, chị khâm phục ý chí và quyết tâm học đàn của thế hệ đi trước. "Các chú, các bác luyện tập rất chăm chỉ, bất kể nắng mưa. Họ luôn ham học hỏi, không ngừng đổi mới để tiếp thu kiến thức mới, là tấm gương cho lớp trẻ chúng tôi noi theo", chị Liên chia sẻ.
Đại diện UBND xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, cho biết làng Then không chỉ là làng nghề trồng hoa mà còn nổi tiếng với phong trào violin, mà nhóm tiên phong đi đầu là các "lão nông" trong độ tuổi 60-68. Hoạt động này rất tích cực, tạo ra không khí sôi động cho bà con được vui chơi, nghe nhạc những lúc nông nhàn.
"Việc duy trì phong trào chơi vĩ cầm qua nhiều năm đã tạo được bản sắc của thôn Then, khiến người dân các nơi biết đến", người đại diện nói.
Những đứa trẻ trong làng Then đang học đàn violin, tiếp nối văn hóa truyền thống của làng, năm 2023.
Quỳnh Nguyễn - Nga Thanh