Làm nghề lưu giữ hình ảnh niềm vui và hạnh phúc của những đôi tình nhân muốn lập gia đình, sinh kế của Tan Mengmeng phụ thuộc vào số lượng người kết hôn. Nhưng tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc giảm đã thôi thúc cô gái 28 tuổi tận dụng xu hướng ly hôn để mở rộng nguồn thu nhập.
Ngoài việc chụp ảnh các đôi trao nhau lời thề nguyện, giờ đây Tan, chủ studio ở tỉnh Hà Nam, còn chụp những người muốn kỷ niệm, thậm chí là ăn mừng, chấm dứt hôn nhân.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê Trung Quốc, tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang trong xu hướng giảm, từ 13 triệu trường hợp năm 2013 xuống 7 triệu năm 2022, mức thấp nhất từ năm 1985 tới nay.
Năm ngoái, số cuộc kết hôn tăng nhẹ lên 8 triệu nhưng giới chức vẫn lo ngại về xu hướng giảm bởi số vụ ly hôn tăng vọt lên mức cao chưa từng thấy là 4,7 triệu năm 2019, gấp 4 lần so với 20 năm trước.
Tan chuyển hướng dịch vụ chụp ảnh cưới sang chụp ảnh ly hôn sau khi nhìn thấy hàng dài người xếp hàng bên ngoài Cục Dân chính để nộp đơn ly hôn. Từ năm ngoái tới nay, cô đã chụp ảnh cho 30 cặp ly hôn, ghi lại những khoảnh khắc đau buồn cũng như vui mừng khi họ chia tay.
"Nghề này rất tốt. Nói chung, cả niềm vui và nỗi buồn đều đáng giá lưu lại", Tan nói.
Một đôi vợ chồng thuê Tan chụp ảnh đã chọn nhà hàng lần đầu hẹn hò. Họ gọi vài món, ngồi đối diện và không bộc lộ cảm xúc. "Cuối buổi chụp ảnh, cả hai đều khóc", Tan kể lại.
Cô cho hay dù cả hai vẫn quan tâm nhau, người vợ không thể chịu được mâu thuẫn với bố mẹ chồng, còn người chồng quá bận rộn làm ăn nên không thể giúp vợ giải quyết xung đột.
Tan từng có khách hàng nam dành cả buổi chụp ảnh để xem điện thoại, còn khách hàng nữ thì khóc. Khi người phụ nữ nhận ảnh, cô phát hiện rất ít ảnh có mặt chồng cũ.
"Tôi không dám nói với cô ấy là anh ấy đã yêu cầu tôi hạn chế chụp ảnh có mặt mình", Tan nói. Ít lâu sau, Tan phát hiện người đàn ông này đã đặt lịch chụp ảnh cưới với bạn đời mới ở một studio khác.
Đa số người đặt lịch chụp ảnh ly hôn là khách hàng nữ, nhưng Tan cho biết chi phí thường chia đôi.
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực đảo ngược xu thế ly hôn bằng hàng loạt chính sách, như áp dụng luật mới từ năm 2021 yêu cầu các đôi vợ chồng muốn ly hôn bắt buộc phải chờ đợi 30 ngày để "bình tĩnh lại". Luật mới khiến số vụ ly hôn giảm trong thời gian ngắn trước khi tăng 25% năm 2023 so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ kết hôn giảm, ly hôn tăng, là hai xu hướng đóng góp vào cuộc khủng hoảng nhân khẩu học mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt, bên cạnh những vấn đề như tốc độ phát triển kinh tế chậm lại, dân số già hóa nhanh chóng, tỷ lệ sinh giảm sau nhiều thập kỷ áp dụng chính sách một con.
Bước chuyển của Tan vào ngành kinh tế ly hôn đang phát triển ở Trung Quốc cho thấy thái độ đối với hôn nhân của xã hội Trung Quốc đã thay đổi. Trước đây, ly hôn bị kỳ thị trong xã hội Trung Quốc luôn coi trọng sự đoàn kết và ổn định trong gia đình nhưng bây giờ, nhiều thanh niên lựa chọn không lập gia đình. Đối với những người chọn kết hôn, họ cũng có thái độ cởi mở hơn nếu cuộc hôn nhân không suôn sẻ.
Văn hóa thay đổi khiến ngành chụp ảnh ly hôn bùng nổ, đem lại thu nhập cho Tan và đồng nghiệp. Trên mạng xã hội Trung Quốc, người ta không ngại chia sẻ ảnh ký vào giấy ly hôn hoặc tạo dáng cùng giấy chứng nhận ly hôn. "29 tuổi. Ly hôn vui vẻ", một người dùng Xiaohongshu viết.
Nhiều công ty mở ra, cung cấp dịch vụ xóa kỷ vật cưới theo cách trang trọng.
Trong một nhà máy ở tỉnh Hà Bắc, Liu Wei và đồng nghiệp điều hành một doanh nghiệp tiêu hủy kỷ vật cưới của các đôi ly hôn. Họ phun sơn lên các gương mặt trong ảnh để đảm bảo sự riêng tư trước khi cho vào máy nghiền.
"Ly hôn không nhất thiết là việc xấu mà có thể là việc tốt. Vì vậy, không cần cảm thấy buồn bã khi ly hôn", Liu nói.
Dịch vụ tiêu hủy ảnh cưới của Liu có giá 8-28 USD. Từ khi nhà máy mở cửa năm 2021, anh đã tiêu hủy ảnh cưới của 2.500 đôi.
Gary Ng, nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư Pháp Natixis, cho rằng rất khó để dự đoán quy mô thị trường ly hôn và không gian tăng trưởng, nhưng tỷ lệ ly hôn cao ở Trung Quốc nghĩa là "chắc chắn sẽ có nhiều hoạt động kinh tế hơn xung quanh thị trường này".
Tan đang nghĩ cách phát triển công việc. Cô lên kế hoạch thu hút khách hàng quay lại nếu các đôi đã ly hôn muốn tái hôn. "Tôi sẽ giảm giá 18% cho họ nếu hai người tái hôn muốn tôi chụp ảnh cưới", cô nói.
Theo Peng Xiujian, nghiên cứu viên cấp cao tại Đại học Victoria ở Australia, thời thế thay đổi phản ánh thực tế thế hệ trẻ ngày nay ưu tiên cho tự do cá nhân và phát triển sự nghiệp.
"Quan niệm cần duy trì cuộc hôn nhân không hạnh phúc 'vì sợ người ngoài nhìn vào' hoặc vì nghĩa vụ đang mất dần sức hấp dẫn", bà nhận xét.
"Đủ can đảm ly hôn không còn là chuyện đáng xấu hổ", Tan nói. "Cả hai bên vẫn còn cảm xúc và muốn lưu lại kỷ niệm về mối quan hệ".
Hồng Hạnh (Theo CNN)