Thứ sáu, 12/4/2019, 10:15 (GMT+7)

Năm 2002, Viettel thành lập Trung tâm Dịch vụ Di động, bước những bước đầu tiên để triển khai mạng di động. Những thành công ban đầu với VoIP cổ vũ những người lính làm kinh tế rất nhiều. Bởi dù rất dày dạn trong lĩnh vực thông tin liên lạc, nhưng họ đều là "kẻ ngoại đạo" trong kinh doanh và cung cấp dịch vụ. 

 3 tháng sát thời điểm chuẩn bị cho ngày ra mắt chính thức mạng di động Viettel là 3 tháng trắng đêm của nhiều người Viettel. "Giám đốc di động Viettel năm 2004, anh Trần Quang Minh vốn là tiến sĩ tốt nghiệp nước ngoài, có 3 tháng liên tục không ngày nào về trước 24h đêm, không thứ Bẩy, Chủ nhật nào gặp mặt vợ con. Vợ anh hỏi: ‘Làm gì có đơn vị nào làm việc như thế, trong khi lương chẳng thấy đâu?’. Người Viettel làm việc như thế đấy, và chịu thiệt thòi như thế đấy!" – Phan Hữu Vinh, nguyên Chánh văn phòng Tập đoàn Viettel, kể lại.

Khi mới bắt đầu vào kinh doanh di động, Viettel dù "lận lưng" được một số vốn sau thành công của VoIP nhưng so với các đối thủ thì vẫn là một công ty rất nhỏ. Ngày 15/10/2004, Viettel chính thức khai trương mạng di động, với đầu số 098. Như một ngày hội ra quân, tất cả nhân sự của tập đoàn đều đổ ra đường, tận dụng từng mối quan hệ để quảng bá cho "đứa con" mới ra đời.

 Ông Phan Hữu Vinh khi đó được giao nhiệm vụ tiếp cận toàn bộ các cơ quan trung ương, Bộ Quốc phòng để thuyết phục những khách hàng quan trọng đầu tiên cho nhà mạng quân đội.

"Khi ấy, mọi người Viettel không phân biệt vị trí, ai có điều kiện đến đâu thì làm đến đấy, vì mục tiêu chung. Y như một đội bóng, 11 cầu thủ ở nhiều vị trí khác nhau, nhưng làm mọi cách để đưa bóng vào cầu gôn đối phương", ông Phan Hữu Vinh kể lại.

Sau chưa đầy 1 năm, Viettel tạo nên sức hút và bứt tốc mạnh mẽ, đạt mốc 1 triệu thuê bao – mức tăng trưởng mà các mạng di động trước đó phải mất hơn 10 năm mới đạt được. Sự ra đời của Viettel Mobile cùng rất nhiều đợt giảm giá, khuyến mại khủng đã tạo nên kỷ nguyên bùng nổ của ngành thông tin di động ở Việt Nam. 

Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Viettel (nguyên Phó Giám đốc Viettel Mobile) cũng bồi hồi khi nhớ lại những ngày tháng rong ruổi mỗi ngày 500-700km để tuyển dụng nhân sự, ký gửi từng chiếc sim và thẻ cào, đem chương trình bán hàng lưu động đi rộng khắp các tỉnh thành. 

"Lúc đó mình có cảm giác là người đi khai phá, được làm những điều đầu tiên: phủ sóng những nơi chưa bao giờ có sóng, đem đến những chiếc sim đầu tiên trong đời cho khách hàng, cung cấp những sản phẩm dịch vụ mang tính dẫn dắt thị trường, những chiến dịch lần đầu tiên có. Thời kỳ đó là câu chuyện của nỗ lực cá nhân, giai đoạn trưởng thành của từng người Viettel", ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ.

Ông Lê Đức Hoàng, nguyên giám đốc Viettel IDC nhớ về thời gian Viettel phát triển bùng nổ về di động qua dấu mốc về những đường trục có dung lượng lớn kỷ liên tục lắp đặt mới. Năm 2004, khi tập đoàn bắt đầu triển khai di động, lưu lượng băng rộng cần sử dụng tăng vọt. Ông Hoàng cùng hai tư vấn đặc biệt là ông Nguyễn Mạnh Hùng (hiện là Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông) và ông Lê Đăng Dũng (hiện là Quyền Chủ tịch Viettel) đã thiết kế đường trục cáp quang mới dành riêng cho Viettel.

1B ra đời năm 2005, trở thành đường trục 10Gbps đầu tiên của Việt Nam, lớn gấp 4 lần đường trục lịch sử 1A cũng do Viettel thiết kế và lắp đặt vào năm 1998. 7 tháng sau khi 1B được vận hành, sự bùng nổ của viễn thông di động Viettel lại đặt ra yêu cầu về một đường cáp quang mới. 1C ra đời, là đường cáp quang sử dụng công nghệ ghép bước sóng (DWDM) đầu tiên của Việt Nam, dung lượng 40 lambda, mỗi đường 10Gbps, tương đương 400Gbps Bắc Nam.

Vừa vào Viettel đã được huy động cho trung tâm di động, ông Võ Thanh Hải (hiện là Giám đốc Viettel Media) – cho biết đội ngũ những người làm kinh doanh di động khi đó vừa học, vừa làm, đọc tài liệu nước ngoài, để cho ra những chương trình khuyến mại đặc biệt nhất thị trường "cộp mác" Viettel. Một trong số đó là miễn phí cuộc gọi nội mạng đầu tiên trong ngày nhân dịp 1 năm cung cấp dịch vụ.

Gói cước Tomato ra đời, đưa Viettel lên đà phát triển bùng nổ. Mảng di động tăng trưởng năm sau gấp đôi năm trước. Từ con số 0 doanh thu viễn thông vào năm 2000, đến năm 2010, Viettel đã vượt qua VNPT về cả doanh thu, thuê bao và thị phần, trở thành nhà mạng số 1 ở Việt Nam. 

Từ một công ty nhỏ bé, Viettel không chỉ khởi tạo một thực tại mới cho chính mình với thông tin di động, mà còn tạo ra cuộc cách mạng cho cả ngành viễn thông Việt Nam: giá cước di động giảm nhiều lần, thông tin di động từ dịch vụ xa xỉ, cho người giàu đã trở thành bình dân, ai cũng dùng được.

Trong con mắt của một cựu quan chức nhà nước trực tiếp quản lý ngành viễn thông, TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông cho rằng: với di động và những năm tháng kỳ tích, Viettel đã "thay đổi đất nước này".

"Mỗi ngày, ngồi ở nhà, mở cửa nhìn ra ngoài từ đây, thấy mấy chị bán rau, mấy anh xe ôm, mấy chị bán đồng nát có lúc ngồi gốc cây bàng bên kia đường thỉnh thoảng lấy điện thoại ra alo alo, tôi thấy rất xúc động. 

Sau này, nhiều lần những người Viettel gọi điện cảm ơn tôi vì đã cho họ cơ hội để bước chân vào ngành này. Nhưng chính tôi mới phải cảm ơn họ, vì đã giúp cho nhiều chính sách được thực thi, giúp cho người dân và đất nước này".

------------------------------------------------------------------------------------------------------

Bài: Ngọc Anh
Thiết kế: Đức Trần