Những con diều ấy không khác gì những doanh nghiệp tung hoành giữa bầu trời kinh tế thuận lợi. Nhưng rồi trong đám diều doanh nghiệp ấy cũng có những công ty gặp khó khăn, như những con diều “mắc nạn” đứt dây lao xuống thấp. Ở mặt đất thì đã có một đàn chủ nợ đang chờ đợi với dao kéo trong tay sẵn sàng xúm vào xâu xé những con diều không may ấy mà đòi nợ!
Việc công ty “hạ cánh không an toàn” trong thương trường là chuyện bình thường. Làm ăn thua lỗ phải đóng cửa công ty và dù chủ doanh nghiệp có phá sản đi nữa thì cũng rất ư là bình thường. Việc giải cứu các công ty đang gặp khó khăn cũng không khác gì bác sĩ gặp bệnh nhân mỗi ngày, tùy căn bệnh nào và nặng nhẹ ra sao mà kê toa thuốc. Được điều trị kịp thời, gặp bác sĩ mát tay kê đúng thuốc thì bệnh nhân sẽ lành. Bệnh nặng lắm thì cứ “tái cấu trúc” là xong. Vấn đề cũng thường thôi!
Thế nhưng nếu như bầu trời bỗng lặng gió, những con diều phút trước đang tung tăng bay lượn nay đều đâm sầm xuống đất thì sao? Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, hầu như mọi công ty, kể cả những “siêu sao”, đều bị các chủ nợ và các ngân hàng đưa ra pháp trường để xử bắn. Đã trải qua ba cuộc khủng hoảng kinh tế ở Singapore, nếu được hỏi ý kiến về giai đoạn lặng gió hiện nay thì tôi sẽ có những lời khuyên gì cho các vị chủ doanh nghiệp?
Lời khuyên đầu tiên là phải tuyệt đối tin rằng “sau cơn mưa, trời lại sáng”. Cơn bão kinh tế nào rồi cũng sẽ qua đi và không những thế, chính trong thời buổi khó khăn mới có nhiều cơ hội tốt mà nếu bình tĩnh và sáng suốt thì mới có thể nhìn thấy những cơ hội đó. Nói thì nghe êm tai lắm nhưng việc đầu tiên là làm sao để tồn tại, vượt qua khó khăn này mà còn giữ được con diều của mình để khi gió lên thì vẫn có diều để lại tung bay. Mất con diều thì kể như là tán gia bại sản. Do đó công việc chính của người “bác sĩ công ty” trong giai đoạn khó khăn này là tìm đủ mọi cách, nghĩ ra mọi kế sách để giúp công ty bệnh nhân mình được “sống còn”.
Một thị trường cạnh tranh khốc liệt cũng không khác một cành cây oằn xuống vì có quá nhiều chú khỉ bám vào. Hãy cố gắng tìm mọi cách để bám cành thật chặt vì sẽ có những chú khỉ thấm mệt đành phải buông tay trước, giúp bớt đi đối thủ trên thị trường.
Muốn tồn tại để vượt qua cơn bão kinh tế thì “chiêu” đầu tiên là phải biết giữ mối quan hệ tốt với ngân hàng. Lỗi lầm lớn nhất của phần lớn các công ty khi gặp khó khăn tài chính, không đủ tiền trả nợ đáo hạn, là tìm cách lẫn tránh ngân hàng. Làm như thế thì chỉ đưa công ty mình nhanh chóng đến chỗ sụp đổ. Thời buổi kinh tế khó khăn chính là lúc mà các ngân hàng liên tục “điểm danh” và hễ thấy công ty nào vắng mặt hoặc có ý lẫn tránh thì y như là công ty ấy sẽ bị đưa vào sổ đen để “được” quan tâm kỹ càng hơn. Biết vậy thì dù không đủ khả năng trả nợ cũng không nên tránh mặt mà ngược lại nên gặp ngân hàng thường xuyên để giãi bày, nộp các thông tin và những dự án giải cứu...
Tốt hơn hết là nên tìm cách trả một phần nhỏ số tiền đáo hạn. Nên bán bớt một phần tài sản cầm cố, nếu có thể được, hoặc tống đi những tài sản không cần thiết, dù giá rẻ, để có chút tiền trả nợ vì dưới con mắt của ngân hàng thì đây là hành động của những học trò “có cố gắng” nên “thầy giáo” sẽ tạm thời tha tội mà chưa lôi ra phạt đòn.
Còn những “chiêu” nào để “mua thêm thời gian”, và nhìn xa hơn nữa thì câu hỏi đặt ra là vì sao gió lại lặng đi như thế? Lỗi tại ai?
Võ Tá Hân