"Ba tháng ở TP HCM dù chứng kiến những đau thương, mất mát nhưng đều là những trải nghiệm quý giá của chúng tôi", bác sĩ Thành nói, chuẩn bị hành lý cùng đồng nghiệp rút về địa phương khi có đoàn cán bộ y tế khác từ Quảng Ninh vào "đảo quân".
Đây là lần đầu tiên anh đi chống dịch, cũng là chuyến công tác đặc biệt nhất sau 10 năm theo nghề. Có mặt tại Sài Gòn hôm 13/7 - thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất, các thành viên đoàn thầy thuốc Quảng Ninh chia thành từng ca kíp, quản lý 3 toà nhà khu A, B, C thuộc Bệnh viện dã chiến số 12. Trong đoàn, nhiều người đã quen với quy trình ở những tâm dịch trước đó như Bắc Ninh, Bắc Giang... nên nhanh chóng chia nhau từng đầu việc ở khu lâm sàng và khu cấp cứu.
Theo quy trình, bệnh nhân nhập viện được sàng lọc và chuyển đến khu lâm sàng. Trường hợp nặng, người bệnh sẽ được đưa xuống khu cấp cứu, thở oxy, HFNC và theo dõi tích cực. Hàng ngày, bác sĩ đi buồng thăm bệnh nhân, còn điều dưỡng đo mạch, nhiệt độ, SpO2, phát thuốc... Trong giờ trực, nhân viên y tế liên tục theo dõi sát diễn tiến người bệnh, trực điện thoại 24/24 để có mặt ngay khi cần.
Thời gian đầu, công việc của mọi người gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn trang thiết bị. Căng thẳng tiếp tục đẩy lên khi lượng bệnh nhân nhập viện tăng vọt, những ngày cao điểm tiếp nhận cả trăm bệnh nhân và cấp cứu khoảng 30 trường hợp nặng. "Áp lực công việc lớn mà cái gì cũng mới mẻ. Tôi vốn không phải bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu nên đành vừa làm vừa rút kinh nghiệm, khó chỗ nào tháo chỗ đó", anh Thành kể.
Anh nhớ nhất trường hợp bệnh nhân nặng, 67 tuổi, mắc bệnh nền tăng huyết áp, tiểu đường - đã may mắn sống sót khi được can thiệp máy thở sớm. Lúc đó, bệnh nhân có biểu hiện nặng chuyển xuống khoa cấp cứu, x-quang phổi tổn thương lan toả, SpO2 khoảng 80 %, mạch 100, huyết áp 130/80 mmHg, nhịp thở 28-30 lần/phút. Đánh giá ca bệnh có nguy cơ diễn tiến nặng, anh chỉ định cho bệnh nhân thở HFNC sớm để duy trì nhịp thở. "Trong hồi sức cấp cứu, thời gian một giây cũng là vàng", bác sĩ Thành nói.
Sau 10 ngày điều trị và theo dõi, bệnh nhân đáp ứng máy, chỉ số ổn định, nhịp thở 24-25 lần/phút, SpO2 lên 95%. Bệnh nhân hết sốt, phổi cải thiện tốt hơn, cai oxy, cai máy HFNC, chuyển sang thở oxy mask, chuyển về lâm sàng và ra viện.
Thông thường, ở khu cấp cứu, bệnh nhân điều trị từ 7-10 ngày là ổn, chỉ khoảng 20% bệnh nhân diễn biến xấu phải liên hệ chuyển đến tầng cao hơn.
Tính đến nay, Bệnh viện dã chiến số 12 chỉ ghi nhận một trường hợp tử vong là bệnh nhân nam, ngoài 60 tuổi, đã từng điều trị lao phổi cách đây 2 năm. Sau ba ngày nhập viện, bệnh nhân ho có máu tươi, phải chuyển ngay xuống khu cấp cứu. Trường hợp nguy cấp, bác sĩ vừa điều trị vừa liên hệ tầng trên để chuyển viện. Khoảng hai tiếng sau, bệnh nhân xuất hiện cơn ho ra máu, phải đặt nội khí quản, bóp bóng, cấp cứu ngay. Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã không qua khỏi.
"Lúc đó, không ai kìm được nước mắt bởi cái chết do Covid-19 rất éo le, lạnh lẽo, phút cuối cũng không được nhìn mặt người thân", bác sĩ Thành nói.
Toàn đoàn sau đó đã ngồi lại, dặn nhau không được suy sụp. Mọi người bảo ban, lấy đó làm bài học để điều trị người bệnh trước cuộc chiến biết chắc sẽ kéo dài. "Chúng tôi thấy mình may mắn hơn những đồng nghiệp ở các nơi khác vì được chứng kiến nhiều bệnh nhân xuất viện - niềm an ủi lớn nhất của bất kỳ nhân viên y tế nào trong khoảng thời gian này", bác sĩ Thành chia sẻ.
Lượng bệnh nhân quá nhiều cũng là nỗi ám ảnh của điều dưỡng Phạm Văn Võ (khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh). Ở khoa hồi sức cấp cứu, anh phải chăm sóc cho bệnh nhân từ A đến Z: hỗ trợ điều trị, ăn uống, vệ sinh và cả trấn an tinh thần. Mặc dù từng tham gia chống dịch ở Bắc Giang, song anh Võ cho biết chuyến đi này nhiều lần thấy "ngợp" vì quá tải người bệnh. Số ca nhiễm một ngày ở thành phố bằng cả đợt dịch ở Bắc Giang, nhìn đâu cũng thấy bệnh viện dã chiến... "Ngày mới nhận công việc, bệnh viện chỉ hoạt động 3 toà nhà nhưng sau đó toàn bộ 6 toà đều có người bệnh. Công suất làm việc là chưa từng có", Võ kể.
Ở trong buồng bệnh nặng, bệnh nhân thường có tâm lý căng thẳng hơn do nhập viện một mình, có người đi cách ly cả gia đình rồi phải tách ra, có người đang điều trị thì nghe tin người nhà mất nên càng dễ hoảng loạn. Khi đó, nhân viên y tế phải trấn an, cho họ nói chuyện video với gia đình để nhận được tình yêu thương, lời động viên vượt qua bệnh tật... Nhờ đó, anh cũng hiểu thêm tâm tư, thói quen, sở thích của từng người và mọi khoảng cách dường như không còn.
Hiện, dịch ở TP HCM đã lắng xuống, số ca nhiễm mỗi ngày giảm sâu. Riêng khu hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện dã chiến số 12 chỉ còn khoảng 10 bệnh nhân.
Bác sĩ Bùi Hải Nam, trưởng đoàn, cho biết gần 3 tháng qua có hơn 70 thầy thuốc Quảng Ninh chi viện TP HCM, tham gia chăm sóc, điều trị gần 4.500 bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến quận 12. Tổng cộng 3.300 bệnh nhân đã được chữa khỏi, ra viện.
Do yêu cầu của địa phương, trong khi vẫn phải đảm bảo nhân lực điều trị bệnh nhân tại đây nên Quảng Ninh đã điều phối lực lượng thay thế. Đội y tế chia thành nhiều đợt để rút và thay quân. Mọi người dành một tuần để bàn giao và hoàn tất công việc, tranh thủ thăm hỏi và dặn dò bệnh nhân. Ngoài ra, 29 người gồm bác sĩ, điều dưỡng đã viết đơn xin được ở lại TP HCM tiếp tục tham gia chống dịch.
Tính từ tháng 7 đến nay, để đáp ứng nhu cầu cấp thiết chống dịch tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, Bộ Y tế đã huy động gần 20.000 nhân lực từ miền Bắc, Trung vào chi viện. Khi dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, Bộ Y tế đề nghị thành phố sắp xếp để rút các đoàn chi viện về địa phương, chậm nhất là ngày 15/10, để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại địa phương.
Vừa đến Quảng Ninh, đoàn công tác của bác sĩ Thành phải cách ly tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, trước vì gặp gia đình sau 3 tháng xa cách và bắt tay vào công việc chuyên môn trước đây.
Thùy An