"Mùa xuân đến xinh tươi trời mây... Nhà nhà đều sum vầy
Đào tươi thắm, mai vàng khoe sắc dáng xuân...
Nhiều quà Tết cũng vui mà sao... Bằng niềm vui bố về...
Quà nào hơn gia đình mình chung mái nhà chào xuân...
Dù là nơi rất xa, còn bôn ba cuộc sống
Về cùng con yêu, nhớ thương bao điều...
Quà nào bằng gia đình sum họp
Tết nào vui bằng Tết đoàn viên..."
Đó là lời bài hát "Ước mơ ngọt ngào" kể về một câu chuyện cảm động. Những đối thoại đầy ý nghĩa của con gái với bố đã mang lại giây phút đoàn viên ấm áp đầy hạnh phúc của gia đình vào những giờ phút thiêng liêng nhất trong năm. Tôi không nhớ đã xem lại clip này đến bao lần, nhưng một điều tôi nhớ rõ là lần nào nước mắt cũng bỗng nhiên tự rớt xuống. Đương nhiên, những khoảnh khắc đó, tôi nhớ về Tết quê hương mình, nghĩ đến Tết của gia đình tôi- một gia đình thuần nông nghèo của khúc ruột miền Trung.

Nếu như còn bé, giống như bao em nhỏ khác, thì mỗi độ Tết đến xuân về, trong ánh mắt ngây ngô ấy, tôi luôn mong ngóng Tết đến thật nhanh, để được mặc nhiều áo mới mẹ mua, được ngắm nhìn chiếc bánh chưng bé mà bố gói, được nhận nhiều bao lì xì, với những lời chúc. Vào ngày Tết, tôi được ăn no nê bánh kẹo, rồi đi chơi nhà bác, nhà chú, được đi chụp ảnh đánh phấn như người lớn.
Nhưng giờ đã lớn, trong suy nghĩ và cảm xúc của một cô gái 20, thì mỗi độ Tết gần đến, tôi thấy thương gia đình nhiều hơn, những phút giây tư lự cũng tự mà có, bởi những ngày tháng giáp Tết là những ngày tháng mà bố mẹ tôi vất vả nhất.
Quê hương tôi là vùng đồng bằng, quanh năm người dân thay nhau trồng lúa và nhiều loại rau củ quả. Năm nào những mùa bão lũ, may mắn với cường độ thấp không mất mùa, thì đến Tết người dân quê tôi và gia đình tôi cũng đỡ được một phần lo lắng mà làm lụng vụ rau gần Tết hơn. Còn nhớ những năm mà Tết Âm chỉ có đến ngày 29 là năm đó sự bận bịu và nỗi nhọc nhằn dường như tăng lên gấp bội. Vì mẹ bảo, thiếu đi một ngày cuối năm, những việc ắp lại phải san vào những ngày trước đó, mà những ngày trước đó thì ngày nào gia đình tôi cũng bận, cũng 20h30 mới được thư thả ngồi ăn cơm. Từ 3 giờ sáng, bố mẹ tôi đã dậy, chở, đẩy những xe rau nào tỏi, nào hành, nào bắp cải, su hào, mùi thơm, thìa là… đủ các loại rau quả được nhà tôi trồng ở các vựa rau lớn ngoài đồng đi các chợ gần xa để bán.
Sau mỗi buổi chợ về, nhà tôi lại tất bật chăm đàn gà, đàn ngan sau vườn, ăn qua loa bữa cơm, rồi cả nhà vội vã tiếp tục ra những vựa rau để thu rau về. Đôi chân nhỏ gần Tết đi vào đôi ủng nhựa, lấm xuống đất ướt bước đi những bước nặng nề của tôi chỉ bằng một phần rất nhỏ, rất nhỏ những khó khăn mà bố mẹ tôi đã hy sinh để tạo dựng cuộc sống.
Ngày cuối cùng của năm, khi ấy những gia đình khác đã tươm tất, bố tôi mới có thời gian để gói những chiếc bánh chưng kịp luộc đặt lên bàn thờ tổ tiên vào ngày đầu của năm mới, mẹ với em kịp mua bánh kẹo cho ngày Tết. Tôi cũng xong được việc phụ giúp đồng áng để lau trùi, dọn dẹp lại nhà cửa.
Nhưng tôi biết, khúc ruột miền Trung, cũng như nhiều gia đình khác trên khắp miền đất nước còn nhiều khó khăn, không riêng gì những người nông dân quê tôi. Dù những nhọc nhằn có lớn thì tôi vẫn thấy những người nông dân đi chợ ngày cuối năm, lo mua những thức ăn ngon, đồ trang trí... cho nhà mình. Những người nông dân, da sạm đen, gầy gò, quần áo không được chỉn chu.
Nhưng vẫn phải cảm ơn Tết, khi họ tạm gác lại lo toan để có được nụ cười rạng rỡ ngày Tết, tạm kết thúc chuỗi ngày bận bịu, lo toan là những nhẹ nhõm, yêu thương.
Với tôi, ngày tôi thấy bố mẹ đỡ mệt mỏi và hạnh phúc nhất là được ngủ nghỉ một giấc thật sâu vào mùng 1, mùng 2 Tết.
Thời khắc giao thừa trở thành cái cớ và cũng là mốc thời gian để người ta bắt đầu cho một sự đổi mới, cho những lời hứa hẹn, cho những mong ước và dự định về cuộc sống tốt đẹp hơn.
Lớn lên từ những cái Tết nhọc nhằn của bố mẹ, tôi cũng dần lớn, trưởng thành để báo đáp lại những cái Tết chỉ còn nhẹ nhõm và yêu thương cho gia đình. Tôi yêu lắm Tết của những người nông dân.
Nguyễn Thị Thùy
Cuộc thi “Thời khắc yêu thương” do Công ty TNHH Sapporo Việt Nam phối hợp với VnExpress thực hiện. Đây là nơi để bạn chia sẻ những kế hoạch, dự định ý nghĩa đến người mà bạn mong muốn gửi lời tri ân, yêu thương và cùng họ trải qua những thời khắc cuối cùng của năm. Chương trình kéo dài từ ngày 26/11 đến ngày 23/12 trên trang Đời sống, báo VnExpress. Độc giả gửi bài tham dự tại đây. |