Số ca nhiễm nCoV tại Mỹ vừa vượt 9,6 triệu người. Dự báo, nước này sẽ ghi nhận khoảng 400.000 ca tử vong vào tháng 2/2021. Khi cuộc bầu cử đến giai đoạn quyết định, Tổng thống Donald Trump nói rõ vaccine là trọng tâm của công tác ứng phó đại dịch. Ông Trump cũng hứa hẹn các liều tiêm sẽ ra mắt cuối năm nay.
Thế nhưng, các bang đệ trình kế hoạch tiêm chủng vaccine lên Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, họ không nhận được ngân sách từ Quốc hội để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phân phối cho hàng chục triệu người. Tia hy vọng cũng không đến trước ngày bầu cử. Nhiều người lo ngại viễn cảnh sau khi công bố kết quả thậm chí còn tồi tệ hơn.
Điều các nhà lãnh đạo y tế công cộng lo ngại là việc cử tri quay lưng với ông Trump và các thành viên đảng Cộng hòa sẽ khiến nỗ lực tăng tốc vaccine sụp đổ.
Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, cho biết ba tháng giữa ngày bầu cử và ngày nhậm chức có thể vô cùng đen tối về mặt y tế. Tháng 11, 12 và tháng 1 là thời gian mà các chính phủ liên bang cần làm việc chăm chỉ để lập kế hoạch phân phối vaccine, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng và đảm bảo kế hoạch phân phối.
"Số ca nhiễm sẽ tăng lên đáng kể. Thật khó để ngăn chặn một dịch bệnh đang leo thang. Cuộc bầu cử sẽ khiến nó phức tạp hơn vì nhiều người cảm thấy bất bình", ông Osterholm nói.
Chính quyền Trump đã rót khoản tiền lớn vào phát triển vaccine, nhưng hầu như không đầu tư cho việc phân phối và gây dựng lòng tin của công chúng. "Nếu không có kinh phí, việc tiêm chủng đại trà cho người dân rất khó khăn", Meredith Allen, Phó Chủ tịch về an ninh y tế, Hiệp hội Các quan chức Y tế Lãnh thổ và Bang (ASTHO), nhận định.
Jinlene Chan, quyền Phó Giám đốc Sở Y tế Maryland, cho biết bà hy vọng số ca tử vong tăng cao sẽ thúc đẩy chính quyền sớm hành động, dù kết quả bầu cử ra sao. "Sự hỗ trợ liên bang thực sự rất quan trọng để duy trì các nỗ lực to lớn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng chính phủ sẽ cung cấp các nguồn lực cần thiết. Đại dịch đang chạm đến mọi ngóc ngách trong cuộc sống. Thật khó để ngó lơ sự thực này", bà nói.
Khi được hỏi về những lo ngại trong thời gian tới, Michael Bars, người phát ngôn của Nhà Trắng, cho biết mục tiêu là tránh phong tỏa, giãn cách xã hội. Tất cả bắt nguồn từ ý tưởng cơ bản là "cứu chữa cho bệnh nhân và giữ đất nước an toàn, mở cửa".
"Chúng tôi vẫn tập trung tận dụng quyền hạn của chính phủ liên bang, các khu vực tư nhân, quân đội và cộng đồng khoa học trong nỗ lực chưa từng có nhằm cung cấp vaccine, phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả cho người dân Mỹ trong thời gian kỷ lục", ông Bars phát biểu.
"Với 4 ‘ứng viên’ vaccine trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, 4 loại khác gần tiến đến bước này, chính quyền sẽ không tốn quá nhiều sức lực hay chi phí để cứu sống hàng triệu người Mỹ", ông nói thêm.
Giám đốc Y tế của ASTHO, tiến sĩ Marcus Plescia và một số chuyên gia y tế công cộng đã bày tỏ nỗi thất vọng trước sự im lặng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) trước tình hình Covid-19 căng thẳng. Đây vốn là cơ quan có nhiệm vụ thông báo công khai và chi tiết về các biện pháp y tế công cộng nhằm kiểm soát đại dịch.
Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới, với hơn 9,6 triệu ca nhiễm nCoV và khoảng 230.000 người tử vong. Mới đây, CDC đã thông báo các cử tri có kết quả dương tính vẫn được quyền bầu cử. Song điều này có thể tạo thêm áp lực cho những người trực tiếp bỏ phiếu vào ngày 3/11. Một số bang chuẩn bị Lực lượng Vệ binh Quốc gia đối phó với tình trạng bất ổn tiềm tàng sau bầu cử. Chuyên gia nhận định Mỹ đang ở giữa cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất trong một thế kỷ.
Thục Linh (Theo CNN)