Tối 28/3, ngoài sân Bệnh viện Bạch Mai, tiếng bước chân rầm rập lẫn vào tiếng loa cầm tay yêu cầu người nhà bệnh nhân nhanh chóng lên xe đi cách ly tập trung. Bà Âu nén nước mắt, cầm tay con, dặn: "Thụ ở lại ngoan, nghe lời bác sĩ nhớ chưa. Mẹ đi về rồi mẹ mua quà cho". Cậu trai 30 tuổi gật đầu, đáp lại mẹ bằng nụ cười ngờ nghệch, nhảy chân sáo về phòng.
Từng đoàn người túa ra từ khắp các tòa nhà trong khuôn viên bệnh viện, tay xách nách mang, bước lên những chiếc ôtô đã đánh số. Người nhà lên xe, bệnh nhân ở lại, nhớn nhác chạy theo, vẫy tay mếu máo. Hàng trăm người mặc bảo hộ kín toàn thân đi lại khắp lối. Sân bệnh viện ướt sũng, quánh mùi Chloramine B. Bà Âu nhìn qua ô cửa kính, cả một đoạn đường Giải Phóng quanh bệnh viện kín ôtô ra vào.
Mỗi năm, Bạch Mai đón khoảng 2 triệu lượt bệnh nhân. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện thăm khám, điều trị khoảng 5.500 lượt bệnh nhân, và chừng đó người thân đi cùng. Ngày 28/3, bệnh viện Bạch Mai bị phong toả khi xuất hiện 11 ca dương tính nCoV, trở thành ổ dịch lớn nhất nước. Hơn 5.000 bệnh nhân đã được bệnh viện chuyển về nhiều tỉnh, thành trước ngày phong toả. Gần 3.300 người ở lại phía sau lớp barie cách ly, có y bác sĩ, bệnh nhân và cả người nhà; trong đó 783 bệnh nhân điều trị kết hợp cách ly trong viện, 124 người bệnh nặng, 31 người tiên lượng tử vong.
Trong số lên xe đi cách ly tập trung hôm ấy, nhiều người không biết còn được gặp lại người thân sau thời gian cách ly hay không. Họ trở thành nhân chứng cho biến cố chưa từng có trong lịch sử Bạch Mai: Cơ sở y tế tuyến cuối lớn nhất nước trở thành ổ dịch.
Bà Nguyễn Thị Âu, 60 tuổi, người xã Hòa Bình, huyện Thường Tín nằm trong số 630 người nhà đi cách ly tập trung ở Ký túc xá Đại học FPT, 40 km về hướng Tây Hà Nội. Mười bốn ngày xa con, bà Âu không lo gì hơn thằng bé lên cơn, không tự ăn uống tắm rửa được, rồi lại làm khổ các bác sĩ.
Cậu út Thụ từ bé đến năm 20 tuổi trong trí nhớ bà Âu, luôn là đứa khỏe mạnh, ngoan ngoãn, thích phụ mẹ việc nhà, việc đồng, thích trồng hoa, sửa quạt. Đi nghĩa vụ quân sự về được gần tháng, Thụ kêu đau đầu, cứ khóc khóc, cười cười như ma cả ngày, lúc đánh bố quát mẹ, lúc lại đi quanh làng lẩm bẩm một mình, cứ bình thường được đôi ngày lại quay ra ngờ ngẫn.
Vợ chồng bà Âu tưởng con bị người âm quấy quả, đưa đi cúng vái khắp đền chùa, làng trong xã ngoài, không đỡ. Ông nghi con hư hỏng, đem đi xét nghiệm ma túy, HIV đều âm tính. Bệnh viện kết luận, Thụ bị tâm thần phân liệt.
Mười năm qua, bà Âu không nhớ đã bao lần đưa con đi, tiêu bao nhiêu tiền vào các trung tâm trị liệu, bệnh viện tâm thần. Năm sào ruộng của bà, với tiền công từ cái công nông chở rác thuê cho người trong thôn không xuể tiền đi viện. Ba anh chị lớn có gia đình riêng, đều là dân lao động chân tay. Cậu trai 30, cao lớn, từng là hy vọng chỗ dựa tuổi già của vợ chồng bà, nay bà lại phải đưa lưng còng ra cho con tựa. Lúc con lên cơn, bà Âu cầm tay con kéo về nhà, bị Thụ đánh thùm thụp.
Thụ có vài tháng tỉnh táo trong năm. Trách mình làm khổ bố mẹ, anh một mực xin mẹ vài triệu tiền vốn, thuê nhà trọ, đi buôn vải vụn, giẻ lau quanh bến xe Nước Ngầm. "Bao giờ con mệt con lại về", Thụ nói rồi rong xe đi. Đêm cuối tháng Chạp năm ngoái, ông bà Âu nhận được điện thoại của công an phường Thịnh Liệt báo lên nhận con. Thụ lên cơn, đi bộ lang thang khắp nơi cả tuần, suýt bị xe tông. Ông bà già lại quệt nước mắt đưa Thụ về nhà.
18/3, gia đình đưa Thụ đến khoa Thần kinh của bệnh viên Bạch Mai. Hy vọng cuối cùng được người mẹ gói vào cùng 13 triệu đồng giắt lưng. "Hà Nội cái gì cũng đắt", bà Âu nhẩm tính, ngày ngồi không cũng mất tiền trăm, tiền triệu thuốc thang, viện phí. Ngày ba suất cơm 20.000 đồng, bà chỉ mua cho Thụ, còn mình ăn ngô, khoai cho qua bữa.
Ở khoa Thần kinh này, với nhiều người nhà như bà Âu, không chỉ có việc lo thuốc thang, cơm nước tắm giặt. Họ phải chạy theo sau người bệnh cả ngày, trông coi để người bệnh không đi linh tinh, không trêu người khác, không phá đồ. Bà ngại nhất lúc Thụ chìa tay xin tiền người lạ, lúc nhổ cây trong viện, lấy tay cào bới đất. Nhưng tỉnh táo là Thụ bóp tay chân cho mẹ, rồi cầm chổi quét dọn giúp lao công.
Bạch Mai bị phong toả, bà Âu phải xa con. Ở quê, các anh chị lớn hôm đưa Thụ nhập viện cũng phải tự cách ly tại nhà. Ba đêm đầu tiên, bà không thể chợp mắt. Bà không lo con đói, vì cơm nước có nhà nước lo. Mười năm đi đằng sau con, bà biết, rồi các bác sĩ sẽ nhọc với nó.
Giường bên cạnh là một bà mẹ khác. Hai con trai họ nằm phòng cùng phòng bệnh, giờ hai bà mẹ lại cùng phòng cách ly. Mọi thông tin dịch bệnh và tình hình Bạch Mai, bà Âu ngóng cả vào cái điện thoại của người còn lại. Lần đầu bà "hàng xóm" gọi điện video về cho cô y tá ở Bạch Mai, Thụ chạy vội đến: "Bác cho cháu nhìn mẹ cháu với". Bà Âu chỉ khóc, không dặn dò được con cái gì, thấy nó tỉnh táo, khỏe mạnh nên mừng. "Mẹ sắp về với con chưa? Mua quà chưa?" - mẹ con hỏi thăm nhau được ba lần như thế, lần nào Thụ cũng kêu nhớ mẹ, đòi về.
Mười bốn ngày ở khu cách ly, ít người có giấc ngủ không thấp thỏm. Ông Ngô Dinh, 67 tuổi, như nhiều người nhà bệnh nhân xách túi đồ rời Bạch Mai mà đôi chân như bị níu lại, "ngày xưa ra trận cũng không đắn đo nhiều như thế". Vợ ông đang điều trị tại khoa hô hấp, phải thở oxy.
Ba tuần trước đó, ông Dinh cùng con trai và người họ hàng đưa bà lên xe cấp cứu 115 của Bệnh viện Việt Nam - CuBa (Đồng Hới, Quảng Bình) chạy thẳng ra Hà Nội. Vợ ông nhập viện Bạch Mai trong tình trạng suy hô hấp, tràn dịch đa màng, viêm phổi. Ca cấp cứu diễn ra đến gần sáng. Hai tuần sau mổ, bà vẫn phải dùng máy thở.
Những người dân miền Trung từ Quảng Bình trở vào như gia đình ông Dinh, thường thăm khám và điều trị ở Huế. Nhưng lần này, ông nhất quyết chọn Bạch Mai. Đó là bệnh viện Trung ương tuyến cuối, là hy vọng cuối cùng, khi người vợ chung sống bốn mươi năm trong cơn nguy kịch.
Những đêm thức trắng chăm vợ, ông Dinh thường đứng từ tầng 17, nhà Q nhìn về phía đối diện. Bên kia đường Giải Phóng là Đại học Bách khoa Hà Nội, nơi ông từng học ngành Động lực những năm 1970. Anh sinh viên tuổi đôi mươi ngày ấy, đứng trên khu giảng đường nhìn sang bên này thấy Bạch Mai nằm giữa mênh mông đồng ruộng.
Đây là lần thứ hai trong đời, ông Dinh chứng kiến biến cố của Bạch Mai, sau trận bom B52 mùa đông năm 1972. Chiều 28/3, tiếng loa mời người nhà bệnh nhân tập trung vang lên khi ông đang ngồi xoa bóp chân tay cho vợ. Trong căn phòng chung của Khoa hô hấp, hơn 30 người nhà bệnh nhân đứng kín chỗ, nghe bác sĩ thông báo đi cách ly bắt buộc. Lẫn trong tiếng ồn ào bàn tán, có người đã khóc xin ở lại chăm người nhà. Ông Dinh nằm trong số đó. Vợ ông đang điều trị ở phòng Cấp cứu 1 - nơi dành cho bệnh nhân nặng nhất.
"Bà ấy rất yếu, cần người chăm. Tôi để lại gánh nặng cho bác sĩ cũng không đành", ông Dinh khẩn khoản. Người mặc blouse trắng lắc đầu. Bác sĩ để lại số điện thoại trực ban 24/24, dặn người nhà cứ gọi vào số ấy nếu cần nói chuyện với bệnh nhân, sẽ luôn có người nghe máy, rồi rời đi.
Gom xong mấy bộ quần áo vào túi xách, ông Dinh kiểm tra lại ngăn tủ chứa đồ cá nhân, chỉ còn một hộp sữa bột nhỏ. Bệnh viện đã bị phong toả hoàn toàn, canteen đóng cửa. Ông lại đi tìm bác sĩ một lần nữa, với ý định gửi lại ít tiền, nhờ mua đồ khi vợ ông cần. Bác sĩ tiếp tục từ chối: "Có gì bệnh viện sẽ lo".
Buổi trưa hôm sau, ông gọi cuộc điện thoại đầu tiên về Bạch Mai, qua số máy bác sĩ trực. Ông biết rõ đầu buổi sáng và cuối giờ chiều là lúc bác sĩ cực kỳ bận, chỉ có trưa là vãn việc. Ba phút sau, giọng vợ ông mếu máo, đứt quãng ở đầu dây bên kia: "Hay về đi. Không chữa khỏi được đâu". Người đàn ông bên này sụt sịt, nhưng vẫn nói cứng: "Bà đừng bi quan, còn nước còn tát. Chỉ ung thư mới không chữa được thôi". Trong tia hy vọng cuối cùng, ông vẫn chọn Bạch Mai.
Tuần đầu tiên trong khu cách ly, ông Dinh khủng hoảng tinh thần khi các ca dương tính liên tục tăng. Ngày 29/3, Bạch Mai ghi nhận 16 ca nhiễm. Ngày 4/4, con số tăng lên 44, trong đó có 27 nhân viên Công ty Trường Sinh. Mỗi lần cái tên "Trường Sinh" được xướng trên báo chí là ông giật thót, bởi trong hai ngày 6-7/3, ông mua cơm ở canteen hai lần. Ông lo cho mình, và sợ cho vợ khi tuổi đã cao, nhiều bệnh nền.
Một buổi tối, ông nghe tiếng khóc vang động dưới tầng. Tiếng khóc của một người nhà bệnh nhân hay tin không kịp gặp người thân lần cuối. Tiếng khóc khiến ông ám ảnh đến mức hoảng hốt khi điện thoại đổ chuông báo cuộc gọi từ Bạch Mai. Tay run rẩy bấm nghe, ông chỉ cầu mong đừng có điều gì bất trắc. Đầu dây bên kia bác sĩ báo hết sữa, hỏi ông có muốn mua thêm cho bà, bác sĩ sẽ giúp.
Ngày 12/4, Bạch Mai hết phong toả, cũng là ngày ông Dinh, bà Âu cùng hàng trăm người nhà bệnh nhân Bạch Mai được rời khu cách ly sau hai lần kiểm tra âm tính, theo dõi đủ 14 ngày. Bà Âu mừng cả buổi sáng, không ngồi được yên. Hai bộ quần áo và cái chăn đã gấp gọn bỏ vào túi nylon chỉn chu từ sớm. Mười ba triệu cầm theo từ lúc nhập viện đã tiêu gần cạn. Hôm đi cách ly, bà còn 300.000 đồng, nhưng không phải tiêu gì nên lúc về còn nguyên. Bà định xuống mua quà cho Thụ như đã hứa. Nhưng Bạch Mai vẫn chưa cho người nhà vào ngay với bệnh nhân. Bà đành về thẳng nhà, đợi chỉ thị của bác sĩ.
Chuyến xe buýt cuối cùng rời khu cách ly đưa ông Ngô Dinh cùng những đồng hương miền Trung ra ga Hà Nội để bắt tàu về quê. Nhưng ông Dinh chưa mua vé ngay. Ông ở lại nghe ngóng, tính mua thêm sữa, bánh ngọt gửi vào viện cho vợ. Ông còn dự định gửi tiền trả cho nữ bác sĩ đã mua giúp vợ mình hộp sữa. Mấy hôm rồi ông gọi điện, nhắn tin mà chưa thấy bác sĩ hồi âm.
Thanh Lam - Hoàng Phương