Thứ tư, 24/4/2024
Thứ tư, 19/1/2022, 06:00 (GMT+7)

Những ngày cận Tết trong xưởng làm đầu lân Sài Gòn

Dịp Tết xưởng làm lân của anh Bành Chí Hùng (quận Bình Tân) phải làm thêm buổi tối để kịp giao hàng cho khách.

18 năm nay, anh Bành Chí Hùng, 39 tuổi, gắn bó với công việc làm đầu lân. "Nghề này khá phổ biến trong cộng đồng người Hoa. Trước kia nhiều nhà theo nhưng giờ thưa thớt hơn. Xưởng tôi đắt hàng nhất vẫn vào dịp Tết Trung thu và Nguyên đán", anh Hùng cho biết trong lúc tỉa lại một đầu lân.

5h chiều 18/1, trong căn nhà rộng khoảng 100 m2, gần chục thợ vẫn miệt mài làm việc theo từng công đoạn như đan khung, đắp giấy, vẽ trang trí... "Sát Tết nhân viên phải làm thêm ca tối để kịp giao cho khách", ông chủ xưởng giải thích.

Công đoạn đầu tiên để lân thành hình là lên khung bằng tre, mây, nứa. Cây mây phơi khô, chẻ nhỏ, vót mịn có độ dẻo cao nên dễ uốn. "Tạo khung là công đoạn chính quyết định hình hài, độ bền của đầu lân. Việc này cần tay nghề vì chỉ làm thủ công thôi", ông Vương Thiên Uy, người gắn bó với xưởng ba năm cho biết.

Những bộ khung lân được treo trên trần nhà chờ gia công, trang trí thành phẩm. Một người thợ nếu mỗi ngày làm chăm cũng chỉ xong một khung, với những đầu lân phức tạp thường mất nửa tuần.

Bộ khung sau đó được dán từng miếng vải màn lên, đem phơi khô rồi tiếp tục quét thêm lớp keo màu trắng cho cứng chắc trước khi vẽ trang trí.

Lân chủ yếu tô bằng những màu có tông rực rỡ như xanh, đỏ, vàng... Làm bằng tay nên mỗi đầu có màu sắc, thần thái khác nhau. Một đầu lân có hồn phụ thuộc cách bố trí màu sắc và hoa tay của người vẽ. Mỗi sản phẩm thợ trong xưởng mất 3 ngày trang trí xong.

Thợ vẽ xong chuyển đầu lân cho anh Dương Chí Dũng (31 tuổi) dán lông, làm râu bằng lông cừu và căn chỉnh mắt để hoàn thiện. Theo nghề từ năm 15 tuổi, anh Dũng là một trong những thợ đầu tiên của xưởng.

Anh Dũng đội lân vào đầu để thực hiện căn chỉnh mắt. Một con lân đẹp phải có đôi mắt và bộ râu thể hiện được uy quyền.

Anh Dũng buộc dây kéo bên trong đầu lân để hai con mắt chúng có thể chớp chớp khi biểu diễn. "Một con mất từ 3 đến 5 ngày mới xong. Công việc không mất nhiều sức nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và cả cái tâm đặt vào từng sản phẩm", người thợ nói.

Phía trong nhà, chị Lý Ngọc Oanh (35 tuổi, vợ anh Hùng) đảm nhận công việc may đuôi lân, quần áo, cờ, lọng... cho các đoàn lân sư rồng. Theo chị Oanh, cầu kỳ nhất là may đuôi lân, thường bằng vải kim sa rồi gắn lông, đính kim tuyến... để trang trí.

Lân thường chia làm 3 kiểu dáng là phật sơn, hạc sơn và phật hạc. Mỗi đầu có giá từ 5 đến 7 triệu đồng. "Ngày thường xưởng sản xuất được khoảng chục con lân mỗi tháng. Gần Tết cố làm thêm tối cũng chỉ thêm được 3 cái thôi", anh Hùng nói.

Nhân viên múa thử để kiểm tra lại lân lần cuối trước khi giao cho khách hàng. Năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, đơn đặt hàng làm ra giảm so với mọi năm.

Ngoài bán cho khách hàng trong nước, đầu lân của xưởng anh Hùng còn xuất ra nước ngoài như Trung Quốc, Singapore, Mỹ...

Quỳnh Trần