Ngành ngân hàng đang đứng trước đợt tái cấu trúc mạnh mẽ và quyết liệt chưa từng có. Danh tính một vài nhà băng yếu kém đã được công bố. Nhà điều hành cũng công khai tên một số trường hợp phải sáp nhập, hợp nhất, thậm chí mua lại với giá 0 đồng như với Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Câu chuyện về những cuộc thay da đổi thịt sau tái cấu trúc thành công của Eximbank, VPBank, Maritime Bank hay Vietinbank dưới đây có thể giúp thị trường có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc cải tổ sắp tới.
Eximbank
Là nhà băng cổ phần đầu tiên được thành lập tháng 4/1989, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đi vào hoạt động tháng 1/1990 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Những năm 1995-1996, Eximbank là một ngân hàng tiếng tăm, gần như vượt tất cả các tổ chức tín dụng cổ phần về thanh toán xuất nhập khẩu, chỉ đứng sau Vietcombank.
Nhưng thời hoàng kim qua mau khi nhà băng này liên quan đến một số hợp đồng cho vay rủi ro. Cơ quan chức năng xác định ngân hàng cho vay theo quan hệ, cho vay quá tập trung và liên quan đến một số vụ án kinh tế lớn... dẫn đến nợ cho vay và bảo lãnh không đòi được và bị rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, đồng thời ôm khối nợ xấu cả nghìn tỷ đồng, chiếm gần 65% tổng dư nợ.
"Kiểm soát đặc biệt" là việc một tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật dẫn đến nguy cơ mất an toàn hoạt động. Dù đang trải qua cuộc "đại phẫu" nhưng ngành ngân hàng hiện nay chưa có trường hợp nào rơi vào cảnh này. Trong lịch sử, nhiều cái tên đã biến mất sau khi bị đưa vào diện "kiểm soát đặc biệt" mà không thể khắc phục được hậu quả như Ngân hàng Việt Hoa, Nam Đô, Vũng Tàu, Châu Á Thái Bình Dương. Ngược lại, cũng có những nhà băng thực sự đã "thay da đổi thịt" sau khi được tái cấu trúc một cách quyết liệt. |
Năm 1997, Eximbank thực sự rơi vào bế tắc và đứng trước nguy cơ đổ vỡ nên phải đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, được sự hỗ trợ về tài chính của Nhà nước, thông qua việc giao cho Vietcombank tiếp quản.
Đầu năm 2000, ông Trương Văn Phước từ vị trí Phó giám đốc Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh TP HCM được điều chuyển làm Tổng giám đốc Eximbank. Cùng với cả tập thể, ông bắt tay khôi phục ngân hàng, xử lý khối nợ cả nghìn tỷ đồng. Những cuộc họp về nợ của Eximbank đều có đại diện Ngân hàng Nhà nước tham dự. Một thời gian dài, nhà băng này ngưng không trả cổ tức cho các cổ đông và bản thân Eximbank cũng đi tìm nguồn lực từ các cổ đông, thuyết phục các cổ đông mới để tái cấu trúc…
Suốt một năm vật lộn với nợ xấu, ông Phước và các cộng sự cũng đã vực dậy thành công Eximbank. Từ năm 2001 Eximbank có lãi trở lại, tốc độ tăng chênh lệch thu chi năm sau gấp đôi năm trước, nhưng tất cả lợi nhuận đều phải trích dự phòng rủi ro. Năm 2004, Eximbank thoát kiểm soát đặc biệt và qua năm 2005 lợi nhuận trước thuế của ngân hàng lên tới 244 tỷ đồng, không những đủ bù đắp nợ mà còn dư 25 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của nhà băng cũng khá thấp, xuống dưới 3%.
Nhiều năm sau đó, Eximbank đã tăng trưởng vượt bậc. Từ vốn chủ sở hữu năm 2010 là 13.353 tỷ đồng đã tăng lên hơn 15.000 tỷ đồng năm 2013 và thuộc ngân hàng cổ phần có vốn chủ sở hữu lớn nhất trong khối ngân hàng cổ phần Việt Nam; tổng tài sản cũng vọt lên gần 150.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cách đó ba năm.
Năm 2014, với những khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động của nhà băng này có sự trầm lại khi lợi nhuận cả năm 2014 chỉ vỏn vẹn 56 tỷ đồng do mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro. Tổng tài sản ngân hàng đạt 169.000 tỷ đồng.
Maritime Bank
Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) đi vào hoạt động tháng 7/1991 tại Hải Phòng, với số vốn điều lệ ban đầu 40 tỷ đồng. Đến 1998-2000, cùng với những thăng trầm của kinh tế đất nước và cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, Maritime Bank gặp không ít khó khăn nhưng vẫn duy trì được tốc độ phát triển và hiệu quả trong kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian này, giám đốc Maritime Bank và hai cán bộ khác nguyên là phó giám đốc cùng trưởng phòng tín dụng đã có hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát của Nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Nhà băng này bị đưa vào tình trạng kiểm soát đặc biệt từ cuối tháng 11/2001. Hai năm sau đó, dù chấm dứt bị kiểm soát đặc biệt Maritime Bank nhưng Ngân hàng Nhà nước Hải Phòng vẫn phải báo cáo định kỳ hàng tháng tình hình khắc phục.
Năm 2005, Maritime chuyển Hội sở lên Hà Nội, mở rộng đối tượng khách hàng ra ngoài ngành Hàng Hải và các khách hàng cá nhân. Năm 2007, nhờ sự tham gia của nhóm cổ đông mới (Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam - VID Group), trong đó có sự điều hành của ông Nguyễn Anh Tuấn, người hiện là chủ tịch ngân hàng, Maritime Bank dần dần thay đổi. Ông Tuấn mạnh tay cải tổ, thay đổi cơ cấu sở hữu, giảm dần sự chi phối của cổ đông Nhà nước Vinalines tại nhà băng rồi thay đổi nhận dạng thương hiệu, tiến hành tăng vốn...
Đến nay, Maritime Bank đã trở thành một trong những ngân hàng cổ phần hàng đầu Việt Nam với vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng và tổng tài sản đến cuối tháng 6/2014 đạt gần 110.000 tỷ đồng. Từ một ngân hàng khu biệt trong lĩnh vực hàng hải, nay Maritime Bank đã trở thành nhà băng phục vụ mọi đối tượng và chú trọng mảng bán lẻ, đầu tư mạnh cho công nghệ.
VPBank
Khoảng chục năm trước, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - khi ấy có tên là Ngân hàng Ngoài quốc doanh) từng được coi là "hiện tượng" của nhóm các nhà băng tư nhân làm ăn hiệu quả, tăng trưởng cao qua các năm. Tuy nhiên, với một loạt những mâu thuẫn trong nội bộ, quản trị rủi ro lỏng lẻo, từ năm 1997-2004, ngân hàng rơi vào giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng khi nợ quá hạn lên đến trên 80%, khoản chứng thư bảo lãnh L/C phải trả nước ngoài gần 50 triệu USD. Tháng 9/2002, Ngân hàng Nhà nước đưa nhà băng này vào diện kiểm soát đặc biệt.
Trước tình hình đó, dưới bàn tay của tổng giám đốc Lê Đắc Sơn, ngân hàng này đã trải qua cuộc cải cách mạnh mẽ từ mô hình, tổ chức, hoạt động. Mục tiêu đầu tiên là xử lý nợ đọng và nỗ lực giải quyết các L/C trả chậm để cải thiện hình hình tài chính cũng như khắc phục uy tín của VPBank trên thị trường. Cuối năm 2003, sau khi mạnh tay khắc phục nợ đọng và cải cách mạnh mẽ mô hình tổ chức, hoạt động, VPBank mới giảm được tỷ lệ nợ xấu trên 30% xuống 13%.
Không chỉ mạnh tay xử lý nợ đọng, VPBank thay đổi lại quy trình quản trị rủi ro. Đến tháng 7/2004, ngân hàng cũng chính thức được dỡ bỏ lệnh kiểm soát đặc biệt.
Đến nay, VPBank là một trong những ngân hàng bán lẻ có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và nằm trong nhóm 12 đơn vị dẫn đầu thị trường. Tổng tài sản đến hết quý III/2014 đã đạt gần 150.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 8.754 tỷ đồng.
Vietinbank
Không bị đưa vào diện "kiểm soát đặc biệt" nhưng Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) đã từng rơi vào cảnh "phá sản về mặt kỹ thuật". Cuối năm 2000, đầu 2001, tổng nợ tồn đọng của Incombank (tên cũ của Vietinbank) lên đến 10.014 tỷ đồng, chiếm 28,7% tổng dư nợ - cao gấp 5,7 lần vốn chủ sở hữu. Số dự phòng rủi ro phải trích theo quy định khi đó phải là 8.666 tỷ đồng nhưng số dư quỹ dự phòng của nhà băng này chỉ còn lại 65 tỷ đồng. Incombank được xem là đã "phá sản về mặt kỹ thuật" nên ngay lập tức, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo xây dựng đề án cơ cấu lại tổ chức, hoạt động và xử lý nợ tồn đọng.
Khoản nợ khổng lồ của Epco Minh Phụng khoảng hơn 5.600 tỷ đồng khi ấy được xem là nguyên nhân chính khiến Incombank rơi vào khốn khó. Do đó, Vietinbank tập trung toàn bộ nguồn lực để dồn sức xử lý hậu quả, lập ban chỉ đạo xử lý nợ xấu từ trụ sở chính đến từng chi nhánh. Suốt 5 năm, Vietinbank không chỉ mạnh tay xử lý nợ tồn đọng theo đề án mà còn giải quyết được một phần nợ tồn đọng ngoài đề án, nâng tổng số nợ xử lý lên gần 10.000 tỷ đồng.
Sau xử lý nợ để "lên khỏi mặt đất", Vietinbank cơ cấu thay đổi lại toàn bộ mô hình quản trị, tái cơ cấu trên nhiều phương diện. Đến nay, Vietinbank là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, tổng tài sản đạt hơn 661.000 tỷ đồng. Năm 2014, Vietinbank tiếp tục nằm trong Top các nhà băng dẫn đầu về lợi nhuận khi báo lãi sau thuế 5.727 tỷ đồng. Nợ xấu chiếm khoảng 1,1% tổng dư nợ.
Lệ Chi - Thanh Lan