Sinh ra và lớn lên ở xứ dừa Bến Tre, Lữ Duy Tường, 24 tuổi, gần đây quen thuộc với giới trẻ nhờ các bức ảnh đậm chất quê, đặc biệt ảnh về nông thôn miền Tây.
Tốt nghiệp đại học năm 2020, anh hiện làm pháp lý và giám sát cho một công ty, đồng thời quản lý homestay tại quận 7, TP HCM. Ngoài công việc chính, Tường còn tham gia là quản trị viên group du lịch Việt Nam Ơi có gần 670.000 thành viên.
"Tôi lớn lên với công việc đồng áng của cha mẹ nên chỉ biết quẩn quanh ở xóm ấp. Hồi nhỏ, gia đình ở căn nhà lá giữa đồng ruộng, không có điện sinh hoạt và cũng không có TV. Chính vì vậy, tôi khao khát được đi xa hơn, khám phá và cảm nhận nhiều hơn về cuộc sống", Tường kể về động lực và đam mê du lịch.
Từ khi lên TP HCM, anh có cơ hội được chu du đó đây. Mỗi chuyến đi Tường đều tranh thủ chụp và chia sẻ ảnh đẹp để quảng bá đất nước mình. Đây là những bức ảnh kỷ niệm, cũng là món quà ý nghĩa gửi tặng cho người dân từng cho Tường tá túc.
Tường thường dành cuối tuần hoặc các dịp lễ để phượt về các tỉnh miền Tây, và tháng nào cũng đi một vài chuyến. Tham gia cộng đồng du lịch nên Tường quen thêm bạn ở các tỉnh. Đó là lý do anh hay ở nhờ nhà bạn để giảm tiền thuê nhà nghỉ cũng như ăn uống. Anh còn được chiêu đãi bằng cơm nhà và sự hiếu khách của người dân. "Nhờ vậy, các chuyến đi của tôi luôn ngon, bổ, rẻ, không tốn nhiều chi phí và chứa đầy những hoài niệm, hào sảng và tình người miền quê".
Chàng trai trẻ đã chu du 28 tỉnh thành cả nước, riêng đồng bằng sông Cửu Long là 11/13 tỉnh. Không chọn cách đi thật nhiều điểm để check-in, Tường đi sâu vào các làng quê, xóm nhỏ để tìm hiểu về cuộc sống, cùng ăn, ở với người địa phương. Tường cho biết về miền Tây rất dễ bắt gặp những nụ cười tươi của người dân đi kèm các câu nói chân chất như "Ngồi chơi, cô ra đằng sau chặt trái dừa uống cho mát", "Con ở trên đó mần nghề gì?" hay "Chừng nào con có dịp quay lại đây chơi?".
Mỗi nơi chàng trai 24 tuổi đi qua đều để lại nhiều ký ức đẹp. Tiền Giang là nơi Tường đến nhiều nhất để giúp đỡ bà con và các em thiếu nhi, được làm bánh, bắt ốc, hái súng, chèo xuồng, tắm sông hay tham quan các di tích lịch sử. Ngoài ra, anh còn cắm trại ngủ qua đêm đón bình minh và chụp ảnh tại cây mắm "cô đơn" ở bãi biển Tân Thành.
Tường đến Long An trong những ngày nắng gắt với những ruộng thanh long đỏ au đang rộ mùa, những cánh đồng lúa Nàng Thơm, đến thăm hàng cau Tân Trụ vừa to vừa cao tạo nên bóng mát nguyên cả con đường dài, ghé qua di tích Vàm Nhựt Tảo, viếng chùa Tôn Thạnh hay mái đình Vạn Phước...
Về Đồng Tháp hai lần, Tường thích rong ruổi và ngắm bạt ngàn những cánh đồng sen từ nội đô cho đến nông thôn, tìm đến ngôi chùa nằm sâu trong khu di tích Gò Tháp, Tháp Mười. "Hôm ấy trời mưa, tôi xin vào trú mưa và gặp được sư cũng vừa đi vườn về với buồng chuối chín và một ít mít thơm. Sư đã mời trà, thưởng thức trái cây và được thỉnh chuyện. Trước khi về, sư còn mời cơm và treo lên xe tôi nải chuối để ăn dọc đường. Đôi khi chỉ vậy nhưng làm tôi nhớ mãi", Tường nói.
Trong khi đó, Trà Vinh và Sóc Trăng luôn để lại ấn tượng với những ngôi chùa Khmer thiết kế tinh xảo. Tường cứ mải mê ngắm nhìn những bức phù điêu được chạm trổ công phu, không biết họ đã bỏ ra bao nhiêu công sức mới sáng tạo, xây dựng kiệt tác được như vậy.
Vốn là một đứa "ghiền" nghe cải lương và đờn ca tài tử từ nhỏ, Tường ôm giấc mơ tìm về Bạc Liêu, cái nôi của bộ môn nghệ thuật này. Và chuyến đi lần ấy đọng lại rất nhiều cảm xúc. "Nghe lời ca của bản Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu vang lên văng vẳng, trên nền tiếng đàn kìm, tôi bùi ngùi, một cảm giác lưu luyến khó tả, thanh âm vọng cổ cứ mãi khắc ghi vào lòng", chàng trai Bến Tre kể.
Tường còn nhớ đến cảm giác lênh đênh trên sông tuyệt vời vào sáng sớm tại chợ nổi Cái Răng -Cần Thơ và nét sinh hoạt đặc trưng của miền sông nước. Còn những lần ghé thăm Hậu Giang gây ấn tượng với Tường ở một công viên giải trí mang đến không gian "châu Âu thu nhỏ" giữa lòng miền Tây.
Về An Giang, Tường nhớ nhất lần lên núi Tô bằng xe ôm địa phương. Qua từng khúc cua, đoạn dốc đứng, xe có thể lật ngang hoặc tuột bất cứ lúc nào. Anh ngồi sau mà muốn thót cả tim. Lái xe tâm sự nghề này nguy hiểm nhưng vì mưu sinh nên vẫn bám trụ.
Cà Mau, chuyến đi về vùng đất cực Nam của Tổ quốc, Tường hăng hái và phải đặt chân đến cho bằng được. Anh đến thăm chợ Năm Căn, chạm tay vào cột mốc tọa độ, ra ngoài Hòn Đá Bạc, hay đến Phú Tân bằng các chuyến đò đêm qua các con sông. Khoảng thời gian ở Cà Mau đáng nhớ với rất nhiều điều tuyệt vời, nhất là được chú Tư - người ở đây cho theo xuồng ra đầm tôm đổ lú (ngư cụ) lúc hừng đông.
"Buổi sáng hôm ấy, trời còn tối mịt, chú Tư gọi tôi theo, chú đội đèn rọi sáng trên đầu, tay thì chống chiếc xuồng ba lá nhỏ xíu vừa đủ chở hai người, len lỏi trong con rạch hẹp, hai bên đầy những bụi ô rô, dừa nước, mắm, bần", Tường nhớ lại.
Từng qua Kiên Giang và Vĩnh Long nhưng chưa có thời gian khám phá nhiều, Tường tiếc chưa được trải nghiệm đúng nghĩa mùa nước nổi, thưởng thức các đặc sản như cá linh, bông điên điển...
Cuối cùng nhắc đến Bến Tre, Tường nói "không nơi nào đặc biệt bằng nơi mình sinh ra" nên cứ có thời gian rảnh là lại về thăm quê. Tường thích rong ruổi các con đường quê chụp lại các hình ảnh bình dị trên quê hương, từ con kênh, đàn gà, góc bếp, những hàng dừa cho đến các làng nghề thủ công....
Tường có ước mơ là được đặt chân đi khắp nước Việt Nam để tìm hiểu thêm nhiều bản sắc văn hóa vùng miền và tận hưởng thiên nhiên. Tường muốn hiểu hơn về con người và cuộc sống đó đây, được phiêu bạt tự do và sống với chính đam mê của mình. Sắp tới, khi tình hình Covid-19 được kiểm soát, Tường có kế hoạch thực hiện chuyến đi vùng cao miền Bắc.
Huỳnh Phương
Ảnh: Lữ Duy Tường