Lịch sử thế giới đã chứng kiến nhiều nền văn minh trỗi dậy và sụp đổ, một số tồn tại chỉ vài chục năm, số khác lại đứng vững suốt hàng thế kỷ. Tuy nhiên, việc tìm ra nền văn minh nào tồn tại lâu nhất không hề đơn giản, IFL Science hôm 7/8 đưa tin.
Vấn đề chính ở đây là các nhà sử học hiện đại chưa thể thống nhất về một số điều quan trọng để giải đáp vấn đề này. Ví dụ như định nghĩa về nền văn minh, cách đo lường sự bắt đầu và kết thúc, thời kỳ nền văn minh bị các thế lực bên ngoài cai trị có được tính hay không. Dưới đây là những nền văn minh được cho là tồn tại lâu nhất lịch sử, dù việc đánh giá thực chất rất phức tạp.
Trung Quốc
Trung Quốc có ngôn ngữ viết tồn tại lâu nhất thế giới. Các chuyên gia ước tính ngôn ngữ này đã được sử dụng trong khoảng 6.000 năm. Đáng ngạc nhiên là, có những ký tự được sử dụng ngày nay trên các đồ tạo tác, ví dụ chữa viết khắc trên mảnh xương thú ghi nội dung dùng trong bói toán, đã tồn tại ít nhất 3.000 năm. Không nền văn minh nào khác có tính liên tục mạnh như vậy.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh luận xung quanh việc có thể coi Trung Quốc hiện đại là phần tiếp nối của nền văn minh cổ đại hay không? Nếu vậy, Trung Quốc đã hơn 5.000 năm tuổi. Một nghiên cứu kéo dài hàng thập kỷ do Cơ quan Quản lý Di sản Văn hóa Trung Quốc thực hiện ủng hộ điều này. Nhưng không phải mọi nhà sử học đều đồng ý. Thứ nhất, nhận định này có giá trị chính trị quan trọng vì giúp hợp thức hóa cấu trúc của Trung Quốc hiện nay. Thứ hai, quốc gia này quá rộng lớn và gồm nhiều nhóm dân tộc khác nhau nên khó có thể coi là một nhóm đồng nhất với cùng nền văn hóa và truyền thống.
Ai Cập
Một ứng cử viên nổi bật khác cho danh hiệu "nền văn minh tồn tại lâu nhất" có thể là Ai Cập cổ đại. Ai Cập là một vương quốc rộng lớn trong thế giới cổ đại, được thống nhất lần đầu tiên vào khoảng năm 3100 trước Công nguyên và tồn tại đến năm 332 trước Công nguyên, khi bị người Macedonia chinh phục. Bất chấp sự thay đổi chính trị này, ngôn ngữ vẫn giữ nguyên và chữ tượng hình Ai Cập tiếp tục được sử dụng đến thế kỷ 5, 3.500 năm sau khi chúng ra đời. Do đó, thời gian tồn tại thực sự của nền văn minh Ai Cập cổ đại cũng gây tranh cãi.
Một số người coi tôn giáo Ai Cập cổ đại như một biểu hiện về sự trường tồn của nền văn minh này, nhưng đây cũng không phải là một biểu hiện văn hóa tĩnh. Tôn giáo cùng những người tin theo nó thay đổi qua thời gian, cuối cùng bị Cơ Đốc giáo thay thế vào thế kỷ 1.
Lưỡng Hà
Khu vực ở Tây Nam Á phát triển xung quanh hệ thống sông Tigris và Euphrates được cho là cái nôi của nền văn minh. Tên gọi Mesopotamia (Lưỡng Hà) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ đại, nghĩa là "vùng đất giữa hai dòng sông". Đây là nơi xuất hiện một số bước tiến quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại thời sơ khai như phát minh bánh xe, thuyền buồm, bản đồ, chữ viết, toán học.
Con người lần đầu tiên định cư tại đây vào thời kỳ Đồ Đá cũ, hưởng lợi từ đất đai màu mỡ xung quanh sông. Khoảng 12.000 năm trước, cư dân đưa vùng đất này bước vào cuộc Cách mạng Nông nghiệp. Sau đó, khoảng 5.000 - 6.000 năm trước, cuộc cách mạng đô thị diễn ra, các thành phố lớn hơn bắt đầu hình thành từ nhiều ngôi làng nhỏ. Thành phố đầu tiên là Uruk, tồn tại từ khoảng năm 3200 trước Công nguyên. Giới chuyên gia cho rằng Uruk do người Sumer thành lập. Họ cũng được công nhận là những người tạo ra chữ viết đầu tiên.
Lịch sử của Lưỡng Hà sâu rộng và phức tạp, trải qua nhiều thay đổi về đế chế cai trị, bao gồm đế quốc Akkad, người Gutian, Ur-Namma, người Babylon, người Hittite, người Assyria và đế quốc Ba Tư. Năm 332 trước Công nguyên, Alexander Đại đế chinh phục nơi đây. Sau khi ông qua đời, khu vực này trở thành một phần đế quốc Seleucid của Hy Lạp. Nhìn chung, có thể coi Lưỡng Hà là có lịch sử lâu dài như Ai Cập cổ đại, nhưng cũng rất khó để xác định xem đây là một thời kỳ liên tục hay tập hợp của những thay đổi và nền văn hóa khác nhau.
Thu Thảo (Theo IFL Science)