Ngân hàng Thế giới (World Bank) gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2013 xuống 2,4% và 2014 xuống 3,1%. Cơ quan này nhận xét: "Rủi ro giá giảm với kinh tế toàn cầu vẫn còn. Nguyên nhân là tiến trình giải quyết khủng hoảng nợ châu Âu cũng như các vấn đề tài khóa ở Mỹ rất chậm chạp, Trung Quốc còn nguy cơ tăng trưởng chậm và nguồn cung dầu mỏ toàn cầu có thể đứt quãng".
Báo cáo mới của cơ quan này có tên Triển vọng Kinh tế toàn cầu cũng đưa ra đánh giá cho từng khu vực. Dưới đây là danh sách 10 nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất thế giới, theo Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm dự kiến giai đoạn 2013 - 2015.
1. Khu vực đồng euro
Tăng trưởng GDP 2012: -0,4%
Tăng trưởng GDP 2013 dự kiến: -0,1%
Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm dự kiến 2013 - 2015: 0,7%
WB cho rằng eurozone đã có tiến triển, khi nguy cơ EU tan rã hiện thấp hơn rất nhiều so với một năm trước. Tuy nhiên, họ cũng nhận định "Khu vực này cần cải thiện nhiều hơn về tài chính từng nước, củng cố kế hoạch liên minh ngân hàng và quỹ cứu trợ quốc gia".
2. Nhật Bản
Tăng trưởng GDP 2012: 1,9%
Tăng trưởng GDP 2013 dự kiến: 0,8%
Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm dự kiến 2013 - 2015: 1,2%
Bất chấp các biện pháp kích thích mạnh mẽ của Tân thủ tướng Shinzo Abe, tình hình tài chính ngắn hạn của Nhật Bản có khả năng lại phụ thuộc vào Trung Quốc. WB nhận xét: "Mâu thuẫn với Trung Quốc đang kìm hãm tăng trưởng của Nhật Bản. Nước này cũng cần phải chú ý đến khối nợ công khổng lồ. Giả sử mối quan hệ với Trung Quốc được cải thiện trong năm 2013, GDP Nhật Bản sẽ tăng ổn định".
3. Jamaica
Tăng trưởng GDP 2012: -0.3%
Tăng trưởng GDP 2013 dự kiến: 1%
Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm dự kiến 2013 - 2015: 1,4%
Dịch vụ, đặc biệt là du lịch, chiếm gần hai phần ba GDP của Jamaica. Vì vậy, khủng hoảng toàn cầu đã khiến nước này tăng trưởng rất chậm chạp. Mức nợ vượt quá GDP, nạn thất nghiệp, tội phạm và tham nhũng cũng là những rào cản với kinh tế Jamaica.
4. Montenegro
Tăng trưởng GDP 2012: 0,2%
Tăng trưởng GDP 2013 dự kiến: 0,8%
Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm dự kiến 2013 - 2015: 1,5%
Kinh tế quốc gia châu Âu này dựa nhiều vào du lịch và xuất khẩu nhôm. Vì vậy, tăng trưởng đã bị kéo tụt nặng nề sau cuộc khủng hoảng. Montenegro cũng chịu ảnh hưởng từ nạn tham nhũng và tội phạm có tổ chức.
5. Dominica
Tăng trưởng GDP 2012: 0,4%
Tăng trưởng GDP 2013 dự kiến: 1,2%
Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm dự kiến 2013 - 2015: 1,5%
Kinh tế nước này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu chuối và du lịch. Kể từ năm 2003, Chính phủ Dominica đã thi hành nhiều chính sách cải tổ để tự do hóa và đa dạng hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, quốc đảo này lại chịu ảnh hưởng mạnh từ bão lũ. Điển hình là cơn bão Dean năm 2009, khiến GDP nước này thiệt hại tới 20%.
6. Swaziland
Tăng trưởng GDP 2012: -2%
Tăng trưởng GDP 2013 dự kiến: 1%
Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm dự kiến 2013 - 2015: 1,6%
Swaziland phụ thuộc vào thị trường Nam Phi với 90% hàng nhập khẩu là từ nước này. Doanh thu thuế nhập khẩu đã lao dốc sau khủng hoảng. Còn tỷ lệ thất nghiệp ở đây năm 2007 lên tới 40%.
7. St. Lucia
Tăng trưởng GDP 2012: 0,7%
Tăng trưởng GDP 2013 dự kiến: 1,2%
Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm dự kiến 2013 - 2015: 1,7%
Quốc đảo Trung Mỹ này phụ thuộc nhiều vào du lịch. Vì vậy, kinh tế cũng trượt dốc sau khủng hoảng. Nước này còn đặc biệt ảnh hưởng bởi bão nhiệt đới, khiến ngành công nghiệp chuối càng lao đao.
8. Iran
Tăng trưởng GDP 2012: -1%
Tăng trưởng GDP 2013 dự kiến: 0,6%
Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm dự kiến 2013 - 2015: 1,7%
Kinh tế nước này bị Chính phủ kiểm soát rất chặt, và phần lớn doanh thu đến từ dầu mỏ. Các lệnh trừng phạt với chương trình hạt nhân, thất nghiệp gia tăng với tốc độ hai chữ số đã khiến nhiều trí thức Iran phải tìm đường ra nước ngoài làm việc.
9. Venezuela
Tăng trưởng GDP 2012: 5,2%
Tăng trưởng GDP 2013 dự kiến: 1,8%
Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm dự kiến 2013 - 2015: 2%
Việc Tổng thống Chavez tiêu tốn khá nhiều tiền của trong chiến dịch tranh cử năm 2012 đã khiến giới phân tích nhận định kinh tế Venezuela sẽ sa sút. Doanh thu từ dầu mỏ chiếm tới 95% kim ngạch xuất khẩu nước này. Vì thế, Venezuela còn chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động giá.
10. Syria
Tăng trưởng GDP 2012: -20%
Tăng trưởng GDP 2013 dự kiến: 1%
Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm dự kiến 2013 - 2015: 2,1%
GDP Syria năm qua suy giảm trầm trọng vì nội chiến. WB cảnh báo nước này sẽ vẫn phải chịu bất ổn lớn trong thời gian tới. Khai thác dầu mỏ giảm sút cũng là thách thức dài hạn với quốc gia xuất khẩu này.
Thùy Linh (theo BI)