Hào hứng với chiếc đầm mới mua bao nhiêu thì chị Diệu (Tân Bình, TP HCM) cũng lo lắng cho chi tiêu sắp tới của gia đình bấy nhiêu. Đóng tiền học cho con 2 triệu, còn chưa đầy 2 triệu, chị sẽ xoay xở thế nào trong những ngày tới, chẳng lẽ lại rút sổ tiết kiệm trước hạn. Liên tục cả tuần, các bữa cơm của gia đình chị chỉ xoay quanh mấy món rau luộc, cá khô, trứng và đậu phụ. Chị cũng giấu nhẹm cái váy dưới đáy tủ sợ chồng phát hiện, định bụng chờ đến lúc lĩnh thưởng Tết mới đem ra khoe.
Thói quen vung tay đầu tư cho ăn mặc từ khi còn con gái vẫn theo chị Diệu cho đến khi lấy chồng và sinh con. Năm nay, lương hai vợ chồng đều giảm, tổng cộng còn chưa đến 15 triệu mỗi tháng khiến chị thường xuyên tiêu lẹm vào số tiền tích góp từ năm trước. Không tháng nào là chị không tốn tiền cho quần áo hay làm đẹp. Ít là một bộ quần áo, nhiều thì sắm thêm những phụ kiện như đồng hồ, vòng đeo tay, dây chuyền, giày dép... Và tiền làm tóc cũng không thể thiếu trong danh mục chi tiêu.
“Mình đã hạn chế mua sắm quần áo tối đa. Tuy nhiên, làm hành chính trong công ty, đi làm thì không thể ăn mặc tuềnh toàng. Còn ở nhà mà luộm thuộm thì lại sợ chồng chán, ra ngoài cặp bồ. Hy vọng sang năm, kinh tế khởi sắc chứ không vợ chồng nhà mình đến cãi nhau vì tiền”, chị Diệu chia sẻ.

Phụ nữ không ngừng mua sắm. Ảnh: Wordpress.com.
Cũng là một tín đồ của shopping, Thanh Hiếu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhiều lần mất ăn mất ngủ khi nhìn thấy món đồ nào đó đẹp mà cô chưa có cơ hội sở hữu. Tuần trước, từ lúc đi qua một cửa hiệu quần áo trên đường Hàng Bông, Thanh Hiếu luôn nghĩ đến chiếc áo giả da màu nâu. Cô chờ đợi từng ngày đến lúc lĩnh lương để rước chiếc áo về vì số tiền hiện tại của cô chỉ vừa đủ đóng tiền thuê nhà và ăn tiêu hàng ngày.
Rất nhiều tháng lĩnh lương xong, Hiếu chẳng còn giữ được bao nhiêu vì phải trả nợ do lỡ thích một cái áo hay đôi giày khi tình cờ nhìn thấy trên đường. Nhiều bộ váy áo mua về mặc một lần Hiếu đã chán, đành xếp xó nơi góc tủ hoặc đem cho. Vài lần bí tiền, cô tự nhủ sẽ hạn chế mua sắm nhưng gặp những món đồ đẹp lại không cưỡng được. Làm ở bộ phận lễ tân của công ty, hàng tháng Hiếu được phụ cấp thêm tiền son phấn, tuy nhiên thực tế tiền dành cho làm đẹp của cô gấp rất nhiều lần khoản phụ cấp đó.
“Nhiều lúc thấy một chiếc váy hay áo rất đẹp mà bí tiền, đến lúc có tiền quay lại cửa hàng thì hàng đã được bán mà thấy mừng vì có cớ tiết kiệm”, Hiếu kể.
Từ ngày công ty yêu cầu nhân viên mặc đồng phục đi làm, Khánh Chi (Thanh Xuân, Hà Nội) thấy ngân quỹ dành cho làm đẹp của cô không giảm được là bao. Bởi còn ngày thứ sáu và sáng thứ bảy được ăn mặc tự do, cô ra sức đầu tư váy áo để thay đổi hình ảnh. Vẫn độc thân nên phần lớn thu nhập của cô đổ vào trang phục. Mỗi tháng nhận lương, cô gửi mẹ hai triệu để chi tiêu trong nhà, còn bao nhiêu là tới cửa hàng thời trang hay salon làm tóc. Nướng vào thời trang đến mức cháy túi, nhiều lần đi ăn cưới hay sinh nhật bạn, cô đành xin mẹ. Để tránh nghe lời than vãn của phụ huynh, nhiều bộ quần áo khi mới mua về, Chi đều giặt riêng và cất một chỗ để giấu mẹ. Thậm chí có những bộ đồ hợp thời trang nhưng thuộc dạng hơi thiếu vải như hai dây hay lệch vai, cô không dám thay ở nhà mà mang đến nhà vệ sinh công cộng thay để mẹ khỏi nhìn thấy.
Anh Kiên (nhân viên một viện nghiên cứu tại Hà Nội) sợ nhất là nghe mấy chị em trong phòng túm năm tụm ba nói xấu mẹ chồng và bàn chuyện thời trang. Hôm trước một cô đồng nghiệp khoe mất cả chiều chủ nhật và một triệu đồng để tân trang mái tóc khiến anh trợn tròn mắt. “Thú thật là tôi trông cô ấy chẳng khác nhau chút nào, nghe đâu là nhuộm và uốn lại tóc”, anh nhận xét và nhẩm tính tiền làm đẹp của mấy chị em còn tốn hơn tiền trà thuốc của cánh đàn ông nhưng đàn ông luôn bị chị em chế giễu là lãng phí.
Nói về hiện tượng một số chị em công sở quá lãng phí tiền bạc cho trang phục, chuyên gia tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai (Trung tâm tư vấn Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình, tổng đài 1088 TP HCM) cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ tâm lý phải ăn mặc đẹp, thời trang mới là tôn vinh giá trị của mình hay tâm lý đua đòi hơn thua, thấy đồng nghiệp có chiếc đồng hồ xịn, có bộ váy áo mới… thì cũng phải về mua cho bằng được. Bà cảm thấy tiếc vì những chị em này đã không thấy được giá trị đích thực của mỗi người là gì. Đó phải là sự vững vàng trong chuyên môn, sự thành công trong công việc, sự hạnh phúc trong gia đình chứ không phải là một vài bộ trang phục.
Theo bà, chị em chọn trang phục nên phù hợp với công việc, lứa tuổi và vị trí. Và quan trọng nhất là nên mua sắm trang phục sao cho phù hợp với hoàn cảnh của bản thân và gia đình. Nếu điều kiện kinh tế dư dả, mua sắm nhiều hay mua sắm đồ đắt tiền là bình thường và không có gì phải bàn. Nhưng nếu tài chính eo hẹp mà cố đua cho bằng chị bằng em, dẫn đến phải vay mượn, nợ nần, hay cấu véo vào tiền học của con, bữa ăn của gia đình… là không nên chút nào. Theo bà, không nhất thiết cứ phải hàng hiệu, đắt tiền mới là sang trọng, có rất nhiều chị em có mắt thẩm mỹ, mua vải về may, rẻ mà vẫn rất đẹp mắt và độc đáo.
Còn theo một bài báo đăng trên Businessinsider, phụ nữ luôn lo lắng và có tâm lý bị đè nặng khi là người duy nhất xuất hiện trong đám đông với cách ăn vận lạ kỳ. Và đó là lý do để chị em lao vào các trung tâm mua sắm quần áo. Thời trang cũng được coi là một trong những áp lực thường xuyên của phụ nữ.
Kim Anh