Duan không mấy để ý tới những câu chuyện trong nhóm chat ở các bệnh viện. Năm đó, Fang về nước sau thời gian du học ở Mỹ. Hai vợ chồng đều 36 tuổi, lập kế hoạch sinh con và đang chuẩn bị cho đợt điều trị hiếm muộn tốn kém.
"Nhưng khi tin tức nổi lên ngày càng nhiều, chúng tôi bắt đầu nhận ra căn bệnh này khác hẳn những bệnh truyền nhiễm khác", Duan nói.
Chỉ hơn một tháng sau, Fang là một trong những người đầu tiên trên thế giới được chẩn đoán mắc phải căn bệnh gọi là Covid-19, thứ đến nay đã lây nhiễm cho hơn 75,2 triệu người trên toàn thế giới và giết chết gần 1,7 triệu người.
Trong những ngày đầu bùng dịch, các bệnh viện trong thành phố chật cứng bệnh nhân, dụng cụ xét nghiệm khan hiếm, nhiều bác sĩ làm việc trong điều kiện thiếu công cụ bảo vệ.
"Khi đó, rất nhiều người mắc bệnh chưa được chẩn đoán xuất hiện ở Vũ Hán. Đó là lý do chúng tôi không biết anh ấy lây bệnh bằng cách nào", Duan nói.
Fang có thể nhiễm tại bệnh viện nơi anh công tác, hoặc nhiễm bệnh do hai vợ chồng sống gần chợ bán buôn hải sản Hoa Nam, cụm bùng dịch đầu tiên.
Vào 3/1, ngày Fang được chẩn đoán nhiễm bệnh, mới hơn 420 người chết còn Vũ Hán bắt đầu công bố vài nghìn ca nhiễm mỗi ngày. Vũ Hán trải qua hai tuần nữa trước khi bước vào đợt phong tỏa dài 76 ngày, cách ly với phần còn lại của đất nước.
"Cuối cùng, tôi cũng hiểu được cảm giác những con số không chỉ phản ánh thực tế tàn khốc nữa, mà trong số 2.388 người nhiễm, có một người là thần hộ mệnh của gia đình tôi", Duan nói.
Fang đã rất may mắn. Khi 3.869 người chết vì Covid-19 ở Vũ Hán, anh chỉ bị bệnh nhẹ và vẫn đi làm khi mới xuất hiện triệu chứng, Duan nhớ lại.
Cô tin rằng mình có thể cũng nhiễm, vì xuất hiện triệu chứng cùng lúc với chồng, nhưng bộ xét nghiệm ở Vũ Hán rất khan hiếm trong những tháng đầu năm 2020 và chỉ giới hạn sử dụng cho nhân viên tuyến đầu và bệnh nhân nặng.
Khi Fang nhập viên, anh sốt cao, tim đập hơn 100 nhịp/phút, chụp X-quang phổi mờ như kính mài. Duan bây giờ vẫn cảm thấy thời gian ấy như không có thực.
"Khi ở một mình, tôi xem video anh ấy chơi guitar trong ký túc xá lúc đi du học" cô nói, nghẹn ngào kể lại hai tháng khó khăn mà họ đã trải qua trong thời gian Fang ốm và hồi phục.
"Nhưng tôi chưa từng khóc suốt đại dịch và luôn tin rằng chúng tôi sẽ vượt qua", cô nói.
Dù Fang là một trong những bệnh nhân được xác định nhiễm nCoV đầu tiên trên thế giới, nhưng với tư cách là người sống sót sau Covid-19, anh đã gia nhập câu lạc bộ hơn 70 triệu người sống sót khắp thế giới, và nhiều người tiếp tục đối mặt các vấn đề sức khỏe phức tạp.
Cứ 10 người thì 9 nạn nhân Covid-19 gặp biến chứng kéo dài. Tới nay, người ta vẫn chưa hiểu hết tác động lâu dài của nó. Duan cho hay người thân và bạn bè vẫn e ngại Fang có thể tái phát.
"Họ có thể sẽ ngại nếu chúng tôi cùng đi ăn, vì vậy chúng tôi không đi đâu hết. Nhưng trong lòng chúng tôi thực sự không thoải mái", cô nói.
Bây giờ Vũ Hán đã trở lại bình thường. Thành phố không ghi nhận ca nhiễm mới nào từ tháng 5. Đường phố, quán bar, chợ dân sinh và nhà hàng đều đông đúc.
Nhưng với một số gia đình kém may mắn như Fang và Duan, ký ức về những ngày đầu đau thương vẫn khó quên.
"Tôi không còn gì để nói", Chen, một phụ nữ Vũ Hán, nói. Bố mẹ, em gái và cô đều nhiễm bệnh hồi tháng 1. Bố cô mất vào đầu tháng 2.
"Dù Vũ Hán đã trở lại bình thường, nhưng người ta không thể tránh nhắc tới nó, không thể trốn chạy khỏi những ký ức liên quan tới nó, khi cả thế giới đang trải qua dịch bệnh", Chen nói.
Với Duan và Fang, họ đang tập trung cho tương lai.
Hai người đã chuyển sang một căn hộ mới do một nhà phát triển bất động sản địa phương giảm giá 15% cho nhân viên y tế tuyến đầu. Các thùng các-tông chưa mở xếp đầy nhà, trong lúc hai vợ chồng thảo luận về điều trị vô sinh.
"Cuộc sống thực ra rất ngắn ngủi, còn cuộc đời đầy rẫy bất ngờ", Duan nói. "Mỗi một ngày yên bình đều thực sự quý giá. Vì vậy, chúng tôi sẽ trân trọng thời gian bên nhau nhiều hơn trong tương lai".
Hồng Hạnh (Theo Reuters)