"Chúng tôi là một nhóm công lý, chống thù hằn và hướng tới bình đẳng giới thực sự", Moon Sung-ho, 29 tuổi, nói lớn vào chiếc mic trước đám đông vài chục nam giới đang giương biểu ngữ.
Khi vấn đề nữ quyền nổi lên ở Hàn Quốc, một quốc gia vô cùng gia trưởng, ngày càng có nhiều nam giới cảm thấy bất mãn vì bị bỏ lại phía sau. Moon, người đứng đầu Dang Dang We, một nhóm đấu tranh vì công lý cho đàn ông, là một trong số đó.
![Người biểu tình đòi xét xử công bằng cho những nam giới bị cáo buộc quấy rối tình dục tại Seoul tháng 11/2018. Ảnh: Dang Dang We](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/09/24/190916160303-02-south-korea-an-6972-4486-1569311921.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Mw7SRFpTXVbrUbf-k4XhYg)
Nam giới biểu tình đòi xét xử công bằng cho những người bị cáo buộc quấy rối tình dục tại Seoul tháng 11/2018. Ảnh: Dang Dang We.
Anh bắt đầu lập nhóm từ năm ngoái sau khi một chủ doanh nghiệp 39 tuổi bị giam 6 tháng tù vì sờ mông một phụ nữ trong nhà hàng. Sự việc gây phẫn nộ khi ông này bị kết án chỉ dựa trên lời cáo buộc của nạn nhân mà không cần có bằng chứng.
Trong khi một số người chỉ trích thẩm phán, Moon cho rằng thủ phạm của sự bất bình đẳng trên là nữ quyền. Moon và nhóm của anh đã chủ trì một cuộc thảo luận tại quốc hội Hàn Quốc hồi đầu tháng 9 để vạch ra những gì họ xem là tác hại của phong trào nữ quyền.
"Nữ quyền không còn là về bình đẳng giới. Đó là sự phân biệt giới tính và cách thức hoạt động của nó rất bạo lực và đáng ghét", anh phát biểu trong tiếng vỗ tay của khoảng 40 nam giới, hầu hết đều còn trẻ.
Những tiếng nói và ý tưởng về nữ quyền nổi lên ở Hàn Quốc sau vụ sát hại dã man một cô gái gần ga tàu điện ngầm ở Gangnam, vùng ngoại ô giàu có của Seoul, vào năm 2016. Hung thủ đã cố tình nhắm vào một nạn nhân nữ và cái chết của cô gái đã dẫn tới việc xem xét lại thái độ với phụ nữ ở Hàn Quốc, sau đó mở rộng thành các chiến dịch chống quấy rối tình dục như #MeToo và phong trào chống quay lén.
Các nhà vận động nữ quyền nhận được sự ủng hộ từ chính phủ Hàn Quốc và Tổng thống Moon Jae-In, người đã thề sẽ "trở thành một tổng thống nữ quyền" trước khi đắc cử vào năm 2017. Kể từ đó, nhiều chính trị gia, các ngôi sao ca nhạc và cả những người đàn ông bình thường đã bị truy tố về tội lạm dụng tình dục. Với mỗi chiến thắng của nạn nhân trước tòa, sự bất mãn trong nam giới, đặc biệt là các chàng trai trẻ, lại càng dâng cao.
"Tôi không ủng hộ phong trào #MeToo", Park, một sinh viên ngoài 20 tuổi, nói. "Tôi đồng ý rằng những phụ nữ 40, 50 tuổi đã chịu nhiều thiệt thòi trước đây, nhưng không tin rằng những cô gái 20, 30 tuổi đang bị phân biệt đối xử".
Park không muốn cho biết tên thật vì sợ bị trả thù. Kim, một nam sinh khác sắp tốt nghiệp đại học, cũng có ý kiến tương tự. Kim nói rằng cậu luôn ngồi cách xa phụ nữ khi đến quán bar để tránh bị hiểu nhầm là quấy rối tình dục. Dù từng ủng hộ nữ quyền, giờ đây Kim tin rằng đó là một phong trào quyền lực tối cao của phụ nữ nhằm hạ bệ đàn ông.
Cả Park và Kim cho rằng những nam giới như họ đang chịu sự trừng phạt vì tội lỗi của thế hệ đi trước. "Sự gia trưởng và phân biệt giới tính là vấn đề của thế hệ già hơn nhưng những chàng trai ở độ tuổi 20 đang phải đền tội", Kim nói.
Park và Kim không phải là những người hiếm hoi có quan điểm này. Một cuộc khảo sát của Realmeter năm ngoái với hơn 1.000 người trưởng thành cho thấy 76% nam giới trong độ tuổi 20 và 66% nam giới trong độ tuổi 30 phản đối nữ quyền, trong khi gần 60% người trong độ tuổi 20 cho rằng các vấn đề giới là nguồn cơn mâu thuẫn nghiêm trọng nhất ở Hàn Quốc.
![South Korean demonstrators hold banners during a rally to mark International Womens Day as part of the countrys #MeToo movement in Seoul on March 8, 2018.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/09/24/190103161757-south-korea-beaut-9500-6997-1569311921.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=f3rDVD69ljpDgWYzx3s_qQ)
Những phụ nữ ủng hộ phong trào #MeToo trong cuộc biểu tình ngày 8/3/2018 ở Seoul. Ảnh: AFP.
Điều gây giận dữ nhất cho Park và Kim là chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam giới. Suốt 62 năm qua, mọi nam giới Hàn Quốc trong độ tuổi 18-35, có đủ điều kiện về thể chất, đều phải nhập ngũ và phục vụ quân đội trong 21-24 tháng. Tuy nhiên, không giống thế hệ cha ông, thanh niên Hàn Quốc ngày nay không còn tin vào nghĩa vụ truyền thống này của nam giới.
Chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng tăng số lượng nữ giới trong quân đội nhưng phụ nữ không bắt buộc phải đi lính. Park, người từng bị thương trong thời gian quân ngũ, cho hay cậu không nhận được lợi lộc gì từ nghĩa vụ quân sự.
"Thật không công bằng khi chỉ một giới phải phục vụ trong những năm đầu độ tuổi 20. Chúng tôi lẽ ra nên dành thời gian đó để theo đuổi ước mơ của mình", cậu nói.
Theo cuộc khảo sát năm ngoái của Ma Kyung-hee, nhà nghiên cứu chính sách giới thuộc Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc, trong số 3.000 nam giới được hỏi, có 72% người trong độ tuổi 20 tin rằng việc áp dụng nghĩa vụ quân sự với riêng đàn ông là sự bất bình đẳng giới, 65% tin rằng phụ nữ cũng phải nhập ngũ. Gần 83% tin rằng nên tránh nghĩa vụ quân sự nếu có thể và 68% tin rằng đây là một sự lãng phí thời gian.
Không chỉ lo lắng về hai năm mất tự do, họ còn sợ bỏ lỡ cơ hội việc làm so với nữ giới. Ở một thị trường việc làm cạnh tranh cao như Hàn Quốc, những công việc có thu nhập cao tại các tập đoàn lớn là rất hiếm hoi. Kinh tế Hàn Quốc từng tăng trưởng mạnh mẽ từ thập niên 70 đến 90, nhưng thế hệ trẻ nước này lại đang làm việc dưới một nền kinh tế trì trệ. Trong khi đó, giá nhà vẫn ở mức rất cao. Giá trung bình của một căn hộ ở Seoul là 670.000 USD, dù thu nhập bình quân ở đây đã giảm xuống 2.000 USD một tháng.
Cuộc cạnh tranh việc làm vốn căng thẳng lại càng trở nên cam go do các chương trình của chính phủ nhằm tăng cường phụ nữ trong lực lượng lao động. Tháng 2 năm ngoái, Bộ Bình đẳng giới Hàn Quốc đã đề xuất kế hoạch mở rộng lĩnh vực tư nhân nhằm thúc đẩy các tập đoàn lớn tuyển thêm phụ nữ và thay đổi văn hóa doanh nghiệp tập trung vào nam giới.
"Tôi lo lắng liệu mình có bị mất lợi thế khi tìm việc làm hay không", Kim nói. "Vì trước đây, tôi có thể dễ dàng được tuyển vào vị trí đó nhờ trình độ của mình, nhưng nay do hạn ngạch về giới tính, tôi có thể không được nhận, điều đó sẽ là không công bằng".
Park cho hay ở Hàn Quốc, có hơn chục trường đại học dành cho nữ sinh nhưng không có trường nam sinh nào. Một số trường đào tạo những chuyên ngành rất được ưa chuộng như luật hay dược, vì thế số lượng nữ giới làm việc trong các ngành này ngày càng lớn, trong khi nam giới càng ít đi.
![Các binh sĩ Hàn Quốc. Ảnh: KBS News](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/09/24/1525330153-9929-1569311921.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZVYCYPzTLi_yQXNECEJRwA)
Các binh sĩ nghĩa vụ trong quân đội Hàn Quốc. Ảnh: KBS News.
Trong báo cáo công bố năm ngoái, nhà nghiên cứu Ma cho hay mâu thuẫn giữa hai giới đang trở nên trầm trọng hơn dưới ảnh hưởng của Internet, nơi mà sự thù ghét phụ nữ được bình thường hoá. Bà cũng ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng những người có thu nhập và trình độ giáo dục cao lại có quan điểm chống nữ quyền mạnh hơn những người có thu nhập và trình độ giáo dục thấp. Trong khi thế hệ trước cho rằng phụ nữ cần được che chở thì nhiều thanh niên hiện nay xem phụ nữ là đối thủ để vượt qua và đó là những người đang nắm quyền.
Cách đây hai năm, những chàng trai ở độ tuổi 20 dành sự ủng hộ lớn cho Tổng thống Moon. Tuy nhiên, hiện nay, chưa đến 30% giữ quan điểm này, trong khi có 63,5% phụ nữ ủng hộ ông Moon, theo cuộc khảo sát của Realmeter. Nhiều nam giới phản đối nữ quyền có xu hướng tìm kiếm những chính trị gia khác đồng quan điểm, nhưng họ có rất ít lựa chọn.
Một người trong số đó là Lee Jun-seok, thành viên cấp cao 34 tuổi của đảng Bareun Mirae, người đã công khai cáo buộc các nhà nữ quyền đòi hỏi đặc quyền không công bằng từ nam giới. Một loạt video trên YouTube mang tên "một nhà nữ quyền bị Lee Jun-seok làm cho điêu đứng trong các cuộc tranh luận" đã thu hút hơn 4 triệu lượt xem và hàng chục nghìn bình luận, hầu hết ca ngợi Lee.
Những nỗ lực của Bareun Mirae nhằm thu hút các nam thanh niên đang mang lại hiệu quả. Theo thăm dò của Gallup hồi đầu năm, họ đang là những người ủng hộ lớn nhất cho đảng này. Dù thiếu những đảng chính trị hướng tới nam giới trẻ, Moon Sung-ho không nản lòng.
"Những căn bệnh xã hội hiện nay mà nữ quyền gây ra không phải được hình thành trong ngày một ngày hai. Sẽ mất nhiều thời gian và nỗ lực để phá vỡ nó. Chúng tôi cần làm điều đó một cách từ từ", anh nói.
Nhà nghiên cứu Ma tin rằng xung đột sẽ không thể được giải quyết một khi Hàn Quốc còn duy trì chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc với nam giới. "Chúng ta phải dừng áp đặt sự nam tính lên đàn ông", bà nói. "Xã hội phải giúp đàn ông tìm ra một sự nam tính mới, thay vì phản đối nữ quyền".
Tuy nhiên, Park và Kim cảm thấy việc cố gắng thay đổi một xã hội đặt phụ nữ lên trên hết là vô ích.
"Chúng tôi là một bao cát", Kim mô tả về thực trạng của những chàng trai trẻ hiện nay. Anh đề cập đến việc họ đang vật lộn để mua nhà riêng hay thậm chí là trả tiền cho các cuộc hẹn hò như thế nào.
"Nếu mọi người dễ dàng tìm được việc làm và nền kinh tế phát triển thì có lẽ chúng tôi sẽ không phải chiến đấu nhiều như vậy", Park nói.
Anh Ngọc (Theo CNN)