Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đi đôi với kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành ngoại giao Việt Nam cần thực hiện với tư cách là lực lượng chủ lực, xung kích trên mặt trận đối ngoại của đất nước, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết trong cuộc phỏng vấn được Bộ Ngoại giao công bố hôm nay, trước thềm Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần thứ 31.
Để thực hiện nhiệm vụ này cũng như huy động nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế đất nước, Bộ trưởng cho rằng Việt Nam cần mở rộng các mối quan hệ đối ngoại, trọng tâm là với các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên Hợp Quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mekong.
Nhiệm vụ tiếp theo là kết hợp ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân. Ngành ngoại giao cũng cần tranh thủ các cam kết, thỏa thuận quốc tế, trong đó các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, nhằm huy động các nguồn lực phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Việt Nam trước mắt sẽ thúc đẩy hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phòng, chống Covid-19, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn còn đề cập nhiệm vụ phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trên mặt trận đối ngoại, đồng thời nâng cao chất lượng lực lượng ngoại giao, có trình độ đạt tới tầm khu vực và quốc tế, nhằm xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh.
Điểm lại thành tựu trong công cuộc đổi mới, Bộ trưởng cho rằng ngành ngoại giao Việt Nam đã "góp phần xây dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế mà đất nước ta chưa bao giờ có được như hiện nay".
Theo đó, ngoại giao đã thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, khơi thông, mở rộng và đưa quan hệ với nhiều đối tác ngày càng đi vào chiều sâu. Từ phá thế bị bao vây và cấm vận, ngoại giao Việt Nam đã tạo dựng và củng cố vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho công cuộc đổi mới đất nước.
Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động ngoại giao y tế và ngoại giao vaccine đã góp phần quan trọng vào phòng chống và thích ứng an toàn với đại dịch.
Trong thời bình, ngoại giao đi đầu tạo lập và củng cố môi trường hoà bình, ổn định, cùng quốc phòng, an ninh và các cấp, các ngành bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương liên quan xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển với các nước láng giềng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam cũng được nâng cao thông qua tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn, hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng như Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
"Ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại đã quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam giàu bản sắc đang đổi mới thành công, vận động UNESCO công nhận nhiều di sản của đất nước là di sản văn hóa thế giới, qua đó vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Vũ Anh