Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 5/3 trình bày báo cáo công tác thường niên của chính phủ trong phiên khai mạc kỳ họp quốc hội (NPC) ở Bắc Kinh, điểm lại những việc đã làm được, đồng thời đề ra các mục tiêu quan trọng mà nước này hướng tới trong năm 2024 trên những lĩnh vực then chốt.
Kinh tế
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 "khoảng 5%", tương đương mức năm ngoái, nhưng thấp hơn nhiều so với những thập kỷ vàng son, ghi nước này ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số.
Ông Lý nói chính phủ Trung Quốc "nhận thức rõ" loạt thách thức kinh tế đất nước đang đối diện, trong đó có rủi ro giảm phát, tình trạng nợ xấu ở cấp địa phương, thị trường bất động sản nguội lạnh và niềm tin suy giảm trong khu vực kinh doanh.
"Với mục tiêu tăng trưởng này, chính phủ đã cân nhắc nhu cầu tăng việc làm, cải thiện thu nhập, đồng thời ngăn chặn và tháo gỡ các rủi ro. Mục tiêu năm nay không hề dễ dàng", ông Lý phát biểu. "Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang hụt hơi, trong khi các điểm nóng khu vực liên tục bùng nổ. Điều kiện ngoại cảnh đang ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và khó lường".
Bắc Kinh đã không thể duy trì đà hồi phục kinh tế sau khi kết thúc các biện pháp nghiêm ngặt chống Covid-19. Tiêu thụ hàng hóa trong nước lẫn quốc tế sụt giảm khiến cho tăng trưởng thêm khó lấy lại nhịp độ trước đại dịch.
Ông Lý nhấn mạnh chính phủ Trung Quốc sẽ chủ trương "tăng trưởng ổn định" về sức mua của người tiêu dùng, đồng thời "tháo ngòi nổ các rủi ro ở khu vực bất động sản và nợ công cấp địa phương".
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý những thách thức hiện tại khó có thể hóa giải nhanh chóng, vì vậy chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung vào "chính sách tài khóa chủ động và điều hành tiền tệ cẩn trọng", hàm ý chính sách kinh tế sẽ ít biến động trong năm nay.
Thủ tướng Lý Cường cũng cam kết tạo ra "bước nhảy vọt mới" cho đất nước bằng các biện pháp hỗ trợ "các lực lượng sản xuất chất lượng mới", trong đó có lĩnh vực ôtô điện, ngành vật liệu thế hệ mới, thương mại hóa hàng không vũ trụ, công nghệ lượng tử và khoa học đời sống.
Trong nỗ lực tìm thêm đòn bẩy kinh tế, Bắc Kinh dự kiến tháo gỡ một số rào cản đối với đầu tư nước ngoài, "loại bỏ có chừng mực đối với thuế quan nhập khẩu công nghệ và thiết bị tân tiến".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng ngày nhận định đất nước cần "nắm bắt cơ hội" trong làn sóng cách mạng công nghệ và công nghiệp mới, lập kế hoạch đón đầu những ngành công nghiệp tương lai. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý chính quyền các địa phương cần tránh tình trạng "đầu tư thiếu lý trí và mù quáng để rồi tạo ra bong bóng kinh tế".
Quốc phòng
Dù đặt mục tiêu khiêm tốn cho tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc vẫn duy trì tốc độ phát triển và hiện đại hóa quốc phòng. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 5/3 đặt mục tiêu tăng 7,2% ngân sách trong năm nay.
Ngân sách quốc phòng năm 2024 của Trung Quốc sẽ ở mức 1,67 nghìn tỷ nhân dân tệ (230,6 tỷ USD), cao thứ hai thế giới sau Mỹ. Năm ngoái, Trung Quốc cũng tăng ngân sách quốc phòng 7,2%. Mức tăng không biến động quá lớn so với những năm gần đây, với các năm 2022, 2021, 2020 và 2019 lần lượt là 7,1%, 6,8%, 6,6% và 7,5%.
Phát biểu trước quốc hội, Thủ tướng Lý Cường cho rằng quân đội Trung Quốc cần tăng cường mức độ sẵn sàng chiến đấu, trong đó có mở rộng quy mô lực lượng dự bị. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng về lý luận chính trị và lòng trung thành với đảng trong lực lượng vũ trang.
Giới phân tích quân sự Trung Quốc nhận định mức tăng chi tiêu quốc phòng trong năm nay vẫn phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP. Mức độ quan tâm mà Bắc Kinh dành cho quốc phòng cho thấy Trung Quốc vẫn kiên định với mục tiêu hoàn tất hiện đại hóa quân đội vào năm 2027 và trở thành cường quốc quân sự "đẳng cấp thế giới" vào năm 2049.
Một số chuyên gia Trung Quốc cũng lập luận đất nước tăng chi tiêu quốc phòng theo kế hoạch, không nhằm phản ứng trước những căng thẳng an ninh trong khu vực và vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ. Họ lưu ý chi phí mua sắm và phát triển trang thiết bị quân sự hiện đại ngày càng cao, do đó Trung Quốc cần tăng ngân sách quốc phòng để thích ứng với thị trường.
Vấn đề Đài Loan
Chính phủ Trung Quốc duy trì lập trường "kiên định phản đối hoạt động ly khai" trên đảo Đài Loan và phản đối mọi động thái "can thiệp của nước ngoài" vào hòn đảo.
Thủ tướng Lý Cường cho biết Bắc Kinh vẫn chủ trương "phát triển hòa bình" quan hệ với đảo Đài Loan, tái khẳng định mục tiêu "thống nhất" với Đài Loan, nhưng nhấn mạnh quá trình này phải được thực hiện "một cách vững chắc". Báo cáo của ông cũng bỏ cụm "thống nhất hòa bình" với Đài Loan, vốn được sử dụng trong các báo cáo trước đây.
Dù đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc bỏ cụm từ "thống nhất hòa bình" khi đề cập đến vấn đề Đài Loan, cách thay đổi từ ngữ năm nay được giới quan sát chú ý, bởi đây có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ thể hiện lập trường cứng rắn hơn với hòn đảo.
Trung Quốc luôn xem đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ và viễn cảnh thống nhất chỉ là vấn đề thời gian. Giới lãnh đạo Trung Quốc từng nhiều lần bình luận họ không loại bỏ hoàn toàn khả năng thống nhất bằng vũ lực.
Việc làm cho thanh niên
Bắc Kinh đặt mục tiêu "củng cố những biện pháp tăng việc làm cho người trẻ", vốn được xem là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong nền kinh tế Trung Quốc hiện nay.
Tổng cục Thống kê Trung Quốc từng ngừng công bố tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ suốt nhiều tháng giữa năm 2023, sau khi chỉ số vượt mốc 20%. Cơ quan này phải điều chỉnh cách tính và bắt đầu công bố số liệu trở lại vào tháng 12/2023, hạ tỷ lệ người trẻ thất nghiệp xuống còn 15%.
Trung Quốc đặt mục tiêu tạo ra hơn 12 triệu việc làm mới ở khu vực đô thị trong năm 2024, đồng thời kìm tỷ lệ thất nghiệp ở mọi nhóm nhân khẩu thành thị ở mức 5,5%. Trong năm ngoái, Trung Quốc tạo ra thêm 12,44 triệu việc làm mới, vượt mục tiêu 11 triệu việc làm.
Đối ngoại
Ông Lý tái khẳng định Trung Quốc sẽ duy trì chính sách đối ngoại hòa bình và phát triển hòa bình.
Ông bổ sung rằng Bắc Kinh "phản đối mọi hình thái bá quyền, lạm dụng quyền lực và bắt nạt nước khác" trong quan hệ quốc tế, nhưng không nói rõ ông đang ám chỉ quốc gia nào.
Trung Quốc những năm qua căng thẳng với Mỹ và các cường quốc phương Tây về công nghệ, thương mại cùng nhiều vấn đề khác. Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng đưa ra thông điệp tương tự để phản ứng trước những hành động của Mỹ mà Bắc Kinh cho là tìm cách kìm hãm sự phát triển của nước này.
Thanh Danh (Theo Reuters, AFP)