Nội biết không, đứa cháu rụt rè, nhút nhát của nội ngày đó, bây giờ đã trưởng thành và chững chạc lắm rồi!
Con còn nhớ mãi những mùa xuân bên nội. Hồi đó, mỗi lần xuân về, dịp nghỉ Tết là lúc hai bà cháu mình quây quần bên nhau. Vườn nhà nội chỉ có mấy gốc mai mọc hoang ở trước nhà. Tết nào cũng vậy, nội cùng con cặm cụi lặt lá mai. Vừa lặt lá, nội vừa kể cho con nghe những câu chuyện thời tuổi trẻ lúc nào cũng bắt đầu bằng cái điệp khúc: “Ngày xưa, nội …”. Nghe cứ như chuyện cổ tích, câu chuyện năm nào cũng giống nhau mà sao con cứ say mê nghe nội kể mỗi dịp xuân về.
Ngày Tết ở với nội, con được ăn bánh mứt “thả ga”. Nội thường làm mứt gừng, mứt chuối và cả mứt dừa nữa. Con chỉ phụ nội thôi nhưng mà phụ thì ít mà phá thì nhiều. Thế nhưng, nội chỉ nhìn con cười hiền hậu mỗi khi con làm rơi rổ chuối, đổ hũ đường… Chỉ riêng ba thứ mứt ấy thôi cũng đã khiến con quấn quýt bên nội suốt những ngày Tết. Bây giờ, thị trường sản xuất bánh kẹo phát triển đại trà. Nhiều cơ sở với nhiều mẫu mã bánh kẹo ra đường được bày bán khắp nơi. Vậy mà con ăn vào lại chẳng thấy ngon như mứt của nội làm ngày đó. Dường như chúng thiếu mất một hương vị đặc trưng. Có lẽ những thứ bánh kẹo đó không chứa hương vị tình bà cháu, phải không nội?
Ngày 29, 30 Tết. Cái ngày mà những người xa xứ vội vã tìm về quê hương. Cái ngày những tiểu thương mong bán cho hết hàng để được về sớm sum họp với gia đình. Còn đối với con, 29, 30 Tết là ngày cùng nội đi chợ mua nguyên liệu về để kho thịt, gói bánh Tét. Hồi đó, con còn ngây ngô hỏi nội rằng: “Sao nội không mua cho rồi! Hơi đâu mà gói bánh cho cực vậy nè!” Nội chỉ cười mà bảo: “Con biết không, thứ tự tay mình làm ra mới thật là đáng quý! Nội làm bánh không chỉ để ăn mà còn để biếu cô bác gần xa nữa! Với lại đây là truyền thống của ông bà mình, mỗi người đều phải gìn giữ, nếu không sẽ bị mai một đó con à!” Bao năm đã trôi qua, vậy mà con vẫn cứ nhớ như in những lời nói của nội.
Con nhớ nhất vẫn là những tết đón giao thừa cùng nội. Năm nào cũng vậy, nội cùng con quấn đèn led, dây kim tuyến lên chậu mai giả trong phòng khách. Rồi cả hai bà cháu cùng bàn luận đủ thứ chuyện trên trời dưới đất cho đến khi giao thừa. Vậy mà, lần nào cũng thế, chưa đến giao thừa con lại cứ ngủ mất, bỏ nội nằm đợi tiếng pháo hoa một mình. Chỉ khi nào tiếng pháo vang lên, nội mới gọi con dậy, bảo con ngắm pháo hoa với nội, rồi ra vườn hái một nhành cây. Nội bảo với con rằng cành cây đó chính là lộc đầu xuân. Con đếm số lá trên nhành cây đó, nếu là số chẵn thì năm nay sẽ có đôi, có cặp, còn số lẽ thì vẫn thui thủi một mình. Lần nào con cũng hái nhầm cành có số lá lẻ, con nói: “Chắc ế luôn rồi nội ơi!” Nội chỉ cười mà nói: “Con bé này!”
Nội mất khi con vừa học xong lớp 10. Ngày đó, nội chẳng kịp trăn trối với con điều gì nhưng con đã nhủ lòng phải học thật tốt để trở thành một người thành đạt và không phụ lòng mong mỏi của nội. Bốn năm đại học gắn liền với bốn cái Tết xa nhà. Đón cái Tết một mình nơi phương xa, một mình đón giao thừa, con lại nhớ về nội. Rồi con lại tự trách, sao hồi đó mình không thức cùng nội đến tận lúc giao thừa?
Hôm qua, tình cờ đọc lại bài "Vội vàng" của Xuân Diệu, con giật mình trước những vần thơ:
“Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi.”
Tết lại về, xuân lại đến. Nhưng nội đã chẳng còn nữa rồi. Chợt nghĩ vậy rồi con thấy khóe mắt mình cay cay.
Nguyễn Thị Hương Giang
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây. Gửi bài dự thi tại đây. |