Hồi đó, cứ đến rằm tháng chạp cả nhà tôi lại hân hoan, náo nức chuẩn bị đón Tết. Đầu tiên là tổng vệ sinh nhà cửa, cổng nẻo rồi đến giặt giũ chiếu gối, chăn màn và cuối cùng là làm mứt, gói bánh. Tất cả những công việc đó đều do một tay mẹ tôi phụ trách, bốn anh em chúng tôi thì chỉ phụ họa cho vui mà thôi. Còn bố tôi, sau khi tưới tắm xong cà phê ở rẫy, ở vườn thì lo công tác "ngoại giao" dự tiệc Tất niên các nhà trong xóm.
Như đã thành lệ, cứ đến trưa 30 là Tất niên ở nhà tôi. Mờ sáng bố tôi đạp xe chở mẹ đi chợ mua sắm. Đến khoảng 7h hai người đã trở về với đùm đề các thứ đủ để phục vụ cho tiệc Tất niên và cho ba ngày Tết. Tiếp đó là màn trổ tài nấu nướng của mẹ. Bố thì bày biện bàn thờ. Lũ con nít chúng tôi xúm xít ngồi xem và sung sướng làm giúp bố mẹ những việc được sai bảo. Đúng mười một giờ trưa, mâm cỗ được hạ xuống, bà con chòm xóm đến đông đủ là bắt đầu buổi tiệc. Mọi người vừa ăn uống vừa trò chuyện, hàn huyên tâm sự thật vui vẻ, đầm ấm như người một nhà. Có một cái hay là trong những bữa tiệc ngày ấy mọi người uống rượu rất chừng mực, chỉ nhâm nhi tí chút chứ không có chuyện ép nhau hay "dô... dô... trăm phần trăm" như bây giờ. Bởi vậy trong các dịp lễ tết chẳng có ai say xỉn quậy phá. Làng xóm lúc nào cũng thật thanh bình, yên ả.
Tối 30, sau khi cơm nước xong xuôi thể nào chúng tôi cũng bị mẹ lùa đi ngủ sớm, để lấy sức đón giao thừa. Tôi lên giường mà lòng cứ xốn xang. 23h30, chúng tôi lại được mẹ gọi dậy. Từ buồng bước ra, cơn buồn ngủ của chúng tôi lập tức tan biến ngay. Gian nhà ngoài đã được trang hoàng rực rỡ với xúc xích đèn lồng, mai vàng đào thắm - toàn là những sản phẩm cắt dán được tạo ra từ bàn tay tài hoa, khéo léo của bố tôi. Tôi nhớ lúc đó chúng tôi chỉ còn biết há hốc mồm thán phục, cảm tưởng như vừa được chứng kiến một phép màu kì diệu.
Sau khi chúng tôi đã yên vị trên chiếc chõng con, mẹ bê từ dưới bếp lên một mâm cỗ nhỏ được bày biện thật khéo. Chễm chệ giữa mâm là một chú gà trống luộc xếp cánh, miệng ngậm bông hồng đỏ, cạnh xung quanh là chai rượu nếp, đĩa xôi hoa cau, đĩa trầu têm cánh phượng, đĩa muối, đĩa gạo và một ít vàng mã, thêm mấy cái bát, mấy đôi đũa và mấy cái ly mắt trấu. Bố đỡ lấy mâm cỗ từ tay mẹ và đặt xuống cái bàn con được kê giữa gian nhà. Đồng hồ điểm mười hai tiếng. Bố kính cẩn thắp nhang và lầm rầm khấn vái. Trước sự thành kính, trang nghiêm của bố chúng tôi ngồi thật yên, không dám thở mạnh.
Có lẽ ai cũng cảm nhận được sự thiêng liêng của giờ phút giao thừa. Sau khi bố làm xong thủ tục cúng kính, cả gia đình tôi háo hức ra đứng trước hiên nhìn về phía thị xã để ngắm pháo hoa bung nở rực rỡ một góc trời. Thỉnh thoảng lại có những đợt ồ lên hoan hỉ của người dân trong xóm mỗi khi được chiêm ngưỡng những tràng pháo hoa đẹp. Tàn nhang, bố tôi đem vàng mã ra hóa ngoài sân, tro giấy bay cả vào trong nhà. Mẹ thì thầm "như vậy là tổ tiên ông bà đã nhận". Rồi bố lại đem muối, gạo rắc trước sân trước ngõ để an ủi cô hồn. Xong xuôi, cả gia đình ngồi lại cùng nhau phá cỗ, cùng chúc nhau một năm mới tốt lành, chúng tôi cũng được bố mẹ cho phép nhấp một ngụm rượu nếp cẩm ngọt lừ như mật ong. Mùi nếp thơm đưa chúng tôi trở lại giấc ngủ ngọt ngào với những giấc mơ đầy sắc màu tươi sáng.
Sáng mồng một Tết, mọi người đều diện quần áo mới mà mẹ tự tay may vá cho. Tất cả đều thật đẹp, thật vừa vặn. Bốn anh em nhận những phong bao lì xì đỏ thắm và những lời chúc chăm ngoan, học giỏi của cha mẹ, rồi chạy ùa ra vườn vì chúng tôi biết ngoài đó còn có món quà độc nhất vô nhị mà bố tôi dành sẵn để tặng gia đình. Mùi hương thơm nức và sắc trắng tinh khôi của ngàn hoa khiến chúng tôi say sưa, ngây ngất. Để làm nên điều kỳ diệu ấy, bố tôi đã cố ý trì hoãn việc tưới vườn cho đến ngày cúng ông Táo. Một tuần trôi qua đủ cho những búp cà phê bé xíu nảy nở thành muôn đóa hoa trắng muốt lấp lóa dưới nắng trời.
Tiếp đó chúng tôi theo bố mẹ đi chúc Tết các nhà trong xóm (ông bà ở quê thì bố mẹ đã gửi quà từ trước) rồi đi chụp hình lưu niệm, đi du xuân thăm thú cảnh đẹp thiên nhiên...
Những mùa Tết xưa trôi qua thật chóng vánh nhưng dư vị của chúng vẫn theo tôi đến tận bây giờ. Tết là thiêng liêng, là hoan hỉ, là diệu kỳ, là sum vầy đầm ấm...
Ôi, nhớ sao những mùa Tết tuổi thơ!
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
letojuy ly